Thực hiện chính sách pháp luật về dự trữ quốc gia: Cấp thiết đổi mới hệ thống kho dự trữ

(08/07/2015)

Hệ thống kho là cơ sở vật chất chủ yếu của ngành DTQG, là tiền đề quan trọng để thực hiện bảo quản theo công nghệ mới và từng bước cơ giới hóa, tự động hóa... Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời kỳ CNH - HĐH đất nước cũng như nhiệm vụ phục vụ kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách, kho và mạng lưới kho DTQG đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải có những thay đổi từ quy hoạch, bố trí địa điểm đến thiết kế kỹ thuật của từng kho.

Kho tàng xuống cấp, lạc hậu

Với những cán bộ kỳ cựu của ngành DTQG, hệ thống kho tàng luôn gắn với những ký ức chẳng thể nào quên. Bởi lẽ, từ buổi ban đầu, kho tàng DTQG được xây dựng theo hệ thống kho thời chiến. Do chủ yếu phải đáp ứng nhiệm vụ dự trữ và cung cấp hàng cho tiền tuyến cũng như bảo đảm ổn định cho hậu phương nên hệ thống kho DTQG có đặc điểm là phân tán, nhỏ lẻ, được bố trí ở những vùng xa, vùng sâu (phòng tránh địch phá hoại là chủ yếu). Công tác bảo quản hàng dự trữ thời đó được tiến hành chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên người lao động vất vả mà chất lượng hàng lại khó bảo đảm nếu phải dự trữ trong thời gian dài và dễ dẫn đến sự hao hụt và giảm phẩm cấp.

Do hệ thống kho được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước nên ngày càng xuống cấp, không còn phù hợp với yêu cầu bảo quản theo công nghệ mới. Nhiều vùng kho chỉ có tích lượng là 1.000 - 3.000 tấn, được bố trí phân tán với công nghệ bảo quản là loại kho thông gió tự nhiên, công nghệ cách ẩm, cách nhiệt bằng mái, tường bao che truyền thống. Các trang thiết bị kiểm tra chất lượng chủ yếu là thủ công; trang thiết bị, phương tiện nhập xuất như máy nâng hàng, cần cẩu, băng chuyền, băng tải hầu như không có. Quá trình bảo quản, xếp dỡ, nhập, xuất hàng chủ yếu được thực hiện bằng sức người. Dù đã đưa công nghệ bảo quản mới (bảo quản kín trong môi trường khí trơ, yếm khí...) vào sử dụng nhưng lại trên cơ sở kho hiện có nên không phát huy hết hiệu quả.

Đến nay, khi Luật DTQG được Quốc hội thông qua, ngành DTQG tiếp tục được Nhà nước giao nhiệm vụ sử dụng nguồn lực DTQG nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh thì yêu cầu quy hoạch, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kho DTQG đặt ra ngày càng cấp bách.

Tạo cơ chế huy động nguồn lực

Từ thực trạng trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục DTNN rà soát lại quy hoạch để tiến hành cải tạo xây dựng thêm nhiều kho DTQG nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Yêu cầu đặt ra là kho DTQG phải được quy hoạch, xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phải thuận tiện trong việc nhập, xuất, bảo quản, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, không để xảy ra hư hỏng, mất mát và các nguyên nhân khác gây thiệt hại đến tài sản DTQG.

Thực hiện mục tiêu của DTQG, hằng năm, Nhà nước bố trí khoản ngân sách cho hoạt động DTQG đều tăng; trong đó, bố trí vốn cho đầu tư xây dựng kho cũng từng bước được cải thiện. Đến nay, một số kho DTQG thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN), đã được đầu tư xây dựng mới theo hướng: bố trí tập trung, với công suất lớn, công nghệ bảo quản kho kín, cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất (như kho lương thực, kho vật tư thiết bị tìm kiếm cứu nạn...). Hệ thống kho của các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...) đã từng bước được NSNN bố trí để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và áp dụng công nghệ bảo quản mới.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Bùi Tuấn Minh, trong thời gian tới, việc đầu tư hệ thống kho DTQG để đáp ứng yêu cầu của chiến lược DTQG là hết sức cấp thiết. Trong điều kiện khả năng NSNN còn hạn chế thì vấn đề tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện đầu tư hệ thống kho DTQG nói chung và trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật DTQG nói riêng cần được Thủ tướng Chính phủ cho phép tạo cơ chế huy động các nguồn lực như: cho phép thanh lý tài sản và các điểm kho hiện có của ngành nhưng không thuộc diện quy hoạch để tạo nguồn vốn tái đầu tư xây dựng kho mới...

Một điều hết sức thuận lợi là theo quy định của Luật DTQG, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành một số chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động DTQG. Có thể đề xuất ra đây một số hình thức huy động nguồn lực như: cho phép các tổ chức áp dụng hình thức BT trong việc xây dựng hệ thống kho DTQG; cho phép sử dụng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ để xây dựng hệ thống kho; cho phép sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đầu tư xây dựng hệ thống kho DTQG đối với các dự án xây dựng kho dự trữ cho nhóm hàng bảo đảm an sinh xã hội.

 

Cảnh Nhân (Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân)

 



Các tin đã đưa ngày: