Cấp phát gạo cho bà con dân tộc Cà Tu,
xã Jơ Ngây (Đông Giang, Quảng Nam)
Khi mới đi vào hoạt động, đơn vị chỉ là cơ sở tiếp nhận vật tư với quy mô nhỏ, trang thiết bị, phương tiện làm việc lạc hậu, thiếu thốn nhưng đã góp phần tiếp nhận, chắt chiu bảo quản, trung chuyển các loại vật tư chiến lược và lương thực, hàng hóa nhằm phục vụ nhiệm vụ từng bước khôi phục kinh tế đất nước sau chiến tranh.
Những năm đầu đổi mới của đất nước, Dự trữ Quốc gia khu vực Ðà Nẵng đã năng động, từng bước vượt qua những khó khăn, vướng mắc, khẳng định vai trò là công cụ điều hành vĩ mô của Nhà nước trong nền kinh tế. Ðơn vị tích cực hoạt động trong công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lụt; bình ổn giá cả lương thực trong những năm đất nước còn khó khăn. Hằng năm, các tổng kho chủ động xuất đảo hàng trong thời kỳ giáp hạt, giáp Tết, lúc khan hiếm lương thực, có biến động giá cả, nhằm ổn định thị trường. Lúc thu hoạch, được mùa thì mua lúa, gạo vào để dự trữ, tạo sự kích thích, phát triển trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ nông dân. Năm 1996, do ảnh hưởng của lũ lụt, giá cả thị trường lương thực ở địa phương Quảng Nam - Ðà Nẵng (cũ) tăng đột biến, để ổn định đời sống nhân dân, Tổng kho Dự trữ Ðiện Bàn là đơn vị trực thuộc Dự trữ Quốc gia khu vực Ðà Nẵng kịp thời xuất bán ra thị trường hơn ba nghìn tấn thóc cho riêng huyện Ðiện Bàn, kéo giá thóc thị trường lúc bấy giờ từ 2.150 đồng/kg xuống còn 2.000 đồng/kg. Vụ đông xuân 1996-1997 được mùa, nông dân bị tư thương ép giá thóc chỉ còn 1.200 đồng/kg, tổng kho lại can thiệp bằng cách thu mua kịp thời hơn 3.000 tấn thóc cho nông dân, với giá từ 1.300 đồng lên 1.580 đồng/kg. Ðó chỉ là một trong những hoạt động thường xuyên của các đơn vị trực thuộc Dự trữ Quốc gia khu vực Ðà Nẵng để lại ấn tượng tốt đẹp cho chính quyền và nhân dân địa phương.
Dự trữ Quốc gia khu vực Ðà Nẵng được giao nhiệm vụ dự trữ đa ngành: Thiết bị xe máy, ô-tô các loại, cần cẩu, máy ủi, thép, thóc gạo và vật tư cứu hộ, cứu nạn như: xuồng cao tốc các loại, nhà bạt, phao tròn, áo phao, phao bè cứu sinh... Trong công tác bảo quản, đơn vị luôn đi đầu trong việc phát huy sáng kiến, ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo quản vật tư, hàng hóa dự trữ quốc gia từ thí nghiệm đến thực hiện đại trà. Từ năm 1993, thí điểm bảo quản gạo trong môi trường CO2, yếm khí, đến bảo quản gạo trong môi trường khí N2. Từ năm 1996, đổi mới về công nghệ bảo ôn kín, là một trong bốn đơn vị thí điểm kho tuyến một. Thực hiện thí điểm bảo quản thóc đổ rời thoáng tự nhiên đến bảo quản bằng phương pháp thảo mộc Guchungjing (GCJ). Từ năm 2004, bảo quản thí điểm thóc lô lớn yếm khí bằng màng mỏng PVC hút chân không đem lại hiệu quả cao. Từ năm 2007 đến nay thực hiện bảo quản 100% thóc bằng phương pháp yếm khí. Do tìm tòi ứng dụng công nghệ mới, chất lượng lương thực dự trữ sạch, thời gian bảo quản lưu kho lâu hơn, tiết kiệm sức lao động, chi phí thấp, môi trường sống tốt hơn; hao hụt trong quá trình bảo quản lưu kho giảm, hao hụt bảo quản thóc thoáng tự nhiên từ hơn 3,5 %, sau chu kỳ bảo quản đến năm 2007 còn dưới 1%. Hao hụt thóc bảo quản bằng phương pháp yếm khí là 0,03% sau chu kỳ bảo quản, gạo hao hụt thực tế sau chu kỳ bảo quản là 0%. Năm 2003, đơn vị xây dựng và bảo vệ thành công đề tài"Ðịnh mức tiêu hao vật tư, chi phí trong công tác bảo quản hàng, vật tư cứu hộ, cứu nạn", được Cục Dự trữ Quốc gia cho phép triển khai áp dụng trong toàn ngành, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.
Hai cơn lũ lớn năm 1999 và năm 2000 và các cơn bão từ năm 2004 đến nay gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân khu vực miền trung và Tây Nguyên. Thực hiện lệnh của Chính phủ yêu cầu xuất ứng cứu, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão, lụt, tập thể cán bộ, công chức đơn vị đã không quản ngày đêm, mưa gió khẩn trương thực hiện xuất cấp và trực tiếp vận chuyển đến các địa phương bị thiệt hại nặng để cứu dân các địa phương Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum và điều chuyển cho các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ cứu xuất 25 nghìn tấn gạo, 47 xuồng cứu hộ, 1.750 bộ nhà bạt cứu sinh, 740 phao bè, 16.580 phao tròn, 15.700 áo phao đáp ứng kịp thời, đủ số lượng, chất lượng. Ngay trong mưa, bão, đường sá bị sạt lở đi lại khó khăn, nhưng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ áp tải, vận chuyển lương thực cứu trợ lụt bão, tìm mọi cách khắc phục để đưa hàng đến được 60 điểm trung tâm các huyện vùng sâu, vùng cao như: Trà My, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam); A Lưới, Nam Ðông (Thừa Thiên - Huế), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); Ðác Tô, Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Ðác Hà (Kon Tum)... Năm 2007, các anh Trần Văn Dũng, Nguyễn Ðồng, Thủ kho Tổng kho Núi Thành, đóng ở Quảng Nam, được lệnh bốc hàng đi cứu trợ nhân dân huyện miền núi A Lưới, Nam Ðông (Thừa Thiên - Huế) ngay trong đêm, đường bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, không có công nhân bốc vác, các anh đã cùng lái xe bốc vác hơn 30 tấn gạo để sang xe. Các cán bộ, công chức Tổng kho Ðiện Bàn tự thuê xe đổ lót hơn 100 m3 đá, sửa chữa gần 100 m đường bị sạt lở trong trời mưa để thông đường, kịp thời đưa 30 tấn gạo ra Quảng Trị cứu dân thiếu đói, theo yêu cầu của tỉnh. Anh Tô Vĩnh Hiến, quê ở Thanh Hóa, kể:"Ngay sau cơn bão số 6, tôi được lãnh đạo giao nhiệm vụ đưa gạo về huyện miền núi Ðông Giang (Quảng Nam), sau khi cấp gạo cho nhân dân các xã Ba, xã Tư, A Tiêng, Sông Côn, UBND huyện Ðông Giang yêu cầu đưa gạo về xã Mà Cooih, cách huyện 40 km, đường đi đèo dốc bị sạt lở, tôi đã cùng lái xe bốc 20 tấn gạo trung chuyển, không để người dân thiếu đói". Anh đã tham gia áp tải hàng chục chuyến, với hơn 400 tấn gạo cứu dân trong lũ lụt, nhiều chuyến xe xuất phát ngay trong đêm mưa gió, có lúc phải nằm lại giữa đường rừng trong đêm khuya do đường đi bị sạt lở. Giám đốc Dự trữ Quốc gia khu vực Ðà Nẵng Nguyễn Như Hiền cho biết:"Chỉ riêng ba năm 2006 đến 2008, trước trong và sau các cơn bão lớn tàn phá miền trung, toàn bộ hệ thống kho dự trữ quốc gia vào cuộc, tất cả cho công tác cứu trợ giúp dân, dưới sự điều tiết vĩ mô của Chính phủ, hàng trăm cán bộ, công chức và hàng nghìn lượt xe đưa vật tư, lương thực về những nơi thiệt hại nặng do bão, lũ để cứu dân.
Không chỉ hoàn thành tốt công tác chuyên môn, đơn vị vận động cán bộ, công nhân viên tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào xây dựng quỹ cứu trợ, xây nhà tình nghĩa tặng các gia đình liệt sĩ, tặng 21 sổ tiết kiệm đến con em gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, số tiền đơn vị đóng góp mỗi năm hơn 150 triệu đồng; phụng dưỡng hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đóng góp ngày lương ủng hộ hơn 10 triệu đồng giúp bà con tỉnh Quảng Nam và TP Ðà Nẵng bị lũ lụt.
Báo Nhân dân