Đề xuất mới về cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước

(28/10/2024)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) thuộc Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng dự thảo Quyết định nhằm sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia trong thời gian tới, cũng như hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030.

Đề xuất chuyển Vụ Thanh tra - Kiểm tra sang mô hình Thanh tra

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, giúp công tác điều hành và sử dụng hàng dự trữ quốc gia được thông suốt, hiệu quả.

Tổng mức, quy mô dự trữ quốc gia đã từng bước được tăng cường và củng cố. Việc tăng dần quy mô hàng dự trữ quốc gia góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành, xuất cấp, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia. Hàng dự trữ quốc gia được nhập, xuất, bảo quản đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định, đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia.  

Theo quy định tại Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg, cơ quan Tổng cục DTNN (tại Trung ương) gồm 9 tổ chức, trong đó có 7 Vụ, Văn phòng Tổng cục và 01 Cục.

 

Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 

Trên cơ sở kết quả rà soát các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên bộ máy của Tổng cục DTNN đối với 8 vụ tương đương gồm: Vụ Chính sách và Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học và công nghệ bảo quản, Vụ Quản lý hàng dự trữ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài vụ - Quản trị, Văn phòng, Cục Công nghệ thông tin, thống kê và Kiểm định hàng dự trữ.

Các đơn vị trên đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

Đáng chú ý, tại dự thảo Quyết định, Bộ Tài chính đề xuất chuyển đổi mô hình Vụ Thanh tra - Kiểm tra thành Thanh tra Tổng cục DTNN. Theo đó, thực hiện quy định tại Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất chuyển Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục DNTN sang mô hình Thanh tra.

Về vị trí, chức năng, dự thảo Quyết định nêu rõ: Thanh tra Tổng cục DTNN là tổ chức thuộc Tổng cục DTNN thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về dự trữ quốc gia; kiểm tra nội bộ; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Tổng cục DTNN chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN và chịu sự chịu đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Bộ Tài chính. 

Về tổ chức bộ máy, Tổng cục DTNN dự kiến tổ chức Thanh tra Tổng cục DTNN gồm 03 phòng: Phòng Tổng hợp; Phòng Thanh tra; Phòng Kiểm tra. Về số lượng phòng thuộc Văn phòng, Cục, dự thảo Quyết định nêu rõ: Tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg quy định số lượng phòng thuộc Văn phòng Tổng cục DTNN và Cục Công nghệ thông tin, thống kê và Kiểm định hàng dự trữ.

Tuy nhiên, tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ hiện nay đã quy định rõ tiêu chí thành lập phòng thuộc Cục, Văn phòng thuộc Tổng cục; đồng thời tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP không yêu cầu phải quy định số lượng phòng thuộc Cục và Văn phòng tại Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bỏ nội dung quy định về số lượng phòng thuộc Văn phòng, Cục thuộc Tổng cục DTNN tại Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg.

Đến năm 2025 sắp xếp còn 82 Chi cục DTNN

Bên cạnh các nội dung trên, dự thảo Quyết định quy định rõ về các tổ chức DTNN tại địa phương. Theo quy định tại Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg, Tổng cục DTNN có 22 Cục DTNN khu vực; đối với Chi cục DTNN đến hết năm 2025 sắp xếp còn 82 Chi cục DTNN.

 

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp giảm 2 Chi cục DTNN.

 

Đối với các Cục DTNN khu vực, qua 3 năm thực hiện, các Cục DTNN khu vực đã cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; được bố trí theo vùng chiến lược theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); mỗi Cục có phạm vi quản lý từ 01 đến 07 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Cục đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập Cục được quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.

Đối với các Chi cục DTNN, từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp giảm 2 chi cục DTNN; sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Tài chính sẽ thực hiện sắp xếp các Chi cục DTNN khu vực bảo đảm đến hết năm 2025 còn tối đa 82 Chi cục DTNN theo Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg (giảm thêm 5 Chi cục DTNN so với hiện nay).

Để ổn định hoạt động của các đơn vị, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên số lượng 22 Cục DTNN khu vực như hiện nay và định hướng sắp xếp Chi cục DTNN đến năm 2025 còn 82 Chi cục DTNN như nêu tại Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Minh Hà – Tạp chí Tài chính điện tử.