Trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra mới được ban hành năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo đó, Bộ Tài chính được bổ sung thêm 4 cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Từ đây, thanh tra ngành Tài chính được tăng cường thêm sức mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Luật Thanh tra năm 2022 đặt ra.
Không chồng chéo với thanh tra các Tổng cục
Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, khuôn khổ pháp lý về thanh tra hiện có 3 văn bản gồm: Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022 (Luật Thanh tra năm 2022); Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (Nghị định số 43); Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/1/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN (Nghị định số 03).
Đối với Bộ Tài chính, theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03, cơ quan thanh tra thuộc Bộ Tài chính gồm: Thanh tra Bộ Tài chính; Thanh tra Kho bạc Nhà nước; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN cấp Tổng cục thuộc Bộ Tài chính gồm: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán. Cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN cấp cục thuộc tổng cục gồm: cục hải quan; cục thuế; cục dự trữ nhà nước; kho bạc nhà nước tỉnh và cấp chi cục được giao theo luật chuyên ngành.
Nguồn: Bộ Tài chính.
Như vậy, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ Tài chính đã có thay đổi. Cụ thể, các đơn vị được giao chức năng TTCN chuyển thành cơ quan thanh tra gồm: Kho bạc Nhà nước; Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Các đơn vị mới được giao chức năng TTCN gồm: Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.
Chia sẻ thêm về chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Bộ, ông Trần Huy Trường cho biết, Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ.
Thực hiện nhiệm vụ TTCN trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của Bộ trưởng, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của thanh tra tổng cục, cục và cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện chức năng TTCN; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác thannh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.
Thống nhất cách hiểu, cách triển khai thực hiện
Theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Luật Thanh tra năm 2022 ra đời đã góp phần nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và đội ngũ thanh tra viên trong công tác thanh tra; bảo đảm hoạt động thanh tra có hiệu lực, hiệu quả hơn; các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có cơ sở pháp lý cụ thể hơn để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Đặc biệt, trình tự, thủ tục thanh tra được quy định cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác thanh tra tại các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Trường, việc Kho bạc Nhà nước và Tổng cục Dự trữ Nhà nước được thành lập cơ quan thanh tra tổng cục và thêm 4 cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng TTCN cũng làm cho các đơn vị được giao thực hiện chức năng TTCN có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn.
Hơn nữa, năm 2024 là năm thứ 2 thực hiện Luật Thanh tra mới và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, do đó, công tác triển khai thanh tra tại các đơn vị này còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ. Theo ghi nhận từ Thanh tra Bộ Tài chính, đa số các đơn vị hiện nay còn vướng mắc, khó khăn trong tổ chức nhiệm vụ được giao như: trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; tiêu chuẩn đối với trưởng đoàn thanh tra, trang phục, thẻ thanh tra, TTCN…
Ảnh minh họa.
Do đó, để thống nhất cách hiểu, cách triển khai thực hiện, trong ngày 25 và 26/3, Thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trao đổi nghiệp vụ công tác thanh tra; tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng tiêu cực và xử lý vi phạm hành chính cho tất cả các đơn vị thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra.
Ông Trần Huy Trường cho biết, hội nghị tập huấn, trao đổi có ý nghĩa quan trọng và cần thiết, nhằm giúp các đơn vị được giao thực hiện chức năng TTCN; cơ quan, đơn vị dự kiến được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật các quy định mới của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
“Để các đơn vị thực hiện chức năng thanh tra được thông suốt trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Tài chính đã đề nghị lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chỉ đạo để toàn thể cán bộ, công chức được giao thực hiện chức năng TTCN; công chức của cơ quan, đơn vị dự kiến được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật và áp dụng kinh nghiệm tại một số lĩnh vực mà Thanh tra Bộ Tài chính đã trao đổi tại hội nghị để nâng cao chất lượng công tác TTCN tài chính. Từ đó, tạo nên sức mạnh của thanh tra toàn ngành Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ ngày càng cao theo chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính” - ông Trường cho biết.
Theo: Vân Hà - Thời báo Tài chính Việt Nam