Ngành Dự trữ Nhà nước chủ động xây dựng, phổ biến chính sách pháp luật

(12/12/2023)

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chủ động lập kế hoạch, xây dựng cơ chế chính sách về dự trữ quốc gia, đồng thời chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy trình, quy chế nội ngành, góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý của hoạt động dự trữ quốc gia.

 

Ngành Dự trữ đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn,

quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý hàng và kho dự trữ.

 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật dự trữ quốc gia

Theo ông Hoàng Văn Quyết - Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế (Tổng cục Dự trữ Nhà nước - DTNN) cho biết, năm 2023 Vụ Chính sách và pháp chế đã chủ động rà soát, kịp thời tham mưu lập chương trình xây dựng chính sách, pháp luật hàng năm; trình lãnh đạo Tổng cục DTNN, gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp chung trình Bộ Tài chính; đồng thời tham mưu Tổng cục DTNN ban hành chương trình xây dựng cơ chế, chính sách nội ngành và phê duyệt kế hoạch chi tiết theo từng tháng để các đơn vị chủ động thực hiện.

Đối với các đề án lớn, như Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia (DTQG) đến năm 2030, Tổng cục DTNN đang tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo trình Bộ Tài chính lấy ý kiến của Bộ Công thương đối với mức DTQG xăng dầu để tổng hợp; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Dự kiến, Tổng cục DTNN sẽ hoàn thành dự thảo chiến lược trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành trong năm 2023.

Đối với đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục DTNN hiện đang hoàn thiện đề án theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch (Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ Tài chính là cơ quan thường trực hội đồng); báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch; dự kiến hoàn thành công tác lập quy hoạch trong năm 2023.

Một số đề án quan trọng khác được tổng cục trình Bộ Tài chính chỉ đạo hướng triển khai như: thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật nhập, xuất hàng DTQG; thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản và định mức hao hụt hàng DTQG... Cùng với đó, đơn vị hoàn thành trình Bộ Tài chính ban hành các thông tư ngoài chương trình và hoàn thành các đề án cơ chế, chính sách nội ngành, theo chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 74/QĐ-TCDT ngày 24/2/2023 của Tổng cục DTNN.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN cũng tích cực chủ động rà soát, đánh giá hệ thống văn bản pháp luật về DTQG, đề xuất chương trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản về DTQG trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật dự trữ bằng nhiều hình thức

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và rà soát, theo dõi thi hành pháp luật DTQG được coi trọng và tiến hành thường xuyên song song với công tác xây dựng pháp luật DTQG. Tổng cục DTNN luôn tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm trong toàn hệ thống với nội dung thiết thực và hình thức ngày càng đa dạng.

Ngay từ đầu năm 2023, trên cơ sở kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 44/QĐ-TCDT ngày 31/01/2023 về kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 của tổng cục, nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật nói chung và thông tin pháp luật điều chỉnh có ảnh hưởng đến hoạt động DTQG nói riêng. Qua đó, công chức, viên chức và người lao động Tổng cục DTNN, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan dễ dàng nắm bắt và tổ chức thực thi có hiệu quả; góp phần gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG.

Thực hiện kế hoạch nêu trên, Tổng cục DTNN thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến các hoạt động DTQG và các văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách nội ngành của Tổng cục DTNN. Tổng cục thường xuyên đăng tải các bài viết tuyên truyền tại chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục DTNN và Bản tin DTNN.

Ngoài ra, để thực hiện Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và Ngày Pháp luật Tài chính năm 2023 của Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã ban hành Công văn số 1312/TCDT-CSPC ngày 28/8/2022 hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện các hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức và người lao động ngành DTNN về vị trí, vai trò của pháp luật trong quá trình thi hành nhiệm vụ, công vụ.

 

 

Ngoài tuyên truyền băng rôn khẩu hiệu, Tổng cục DTNN triển khai đợt cao điểm tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Các cán bộ, công chức, viên chức của các vụ, cục thuộc Tổng cục DTNN, cục DTNN khu vực tích cực viết bài phổ biến pháp luật trên chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục DTNN. Trong đó, tập trung giới thiệu tóm lược nội dung và nêu các ảnh hưởng chính tới hoạt động DTQG của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan đến hoạt động DTQG; tuyên truyền Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...

Hiện tại Vụ Chính sách và pháp chế đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý hàng và kho DTQG; hoàn thiện quy định về danh mục hàng DTQG và phân công quản lý hàng DTQG phù hợp với mục tiêu, tiêu chí hàng DTQG và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật chung.

Đồng thời, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về DTQG, đặc biệt là chính sách huy động các nguồn lực ngoài ngân sách trung ương cho DTQG; chính sách khuyến khích, xã hội hóa hoạt động DTQG; chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ bảo quản hàng DTQG.

 

 

Đức Minh - Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: