Một số điểm mới của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

(09/08/2023)

Ngày 17/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi là Nghị định số 48). Nghị định số 48 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2023, theo đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau so với Nghị định số 90 trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, cụ thể như sau:

1. Xác định rõ trường hợp công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ” trừ trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức Không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

Trường hợp công chức, viên chức là đảng viên đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.

 

Điểm mới Nghị định 48/2023 về đánh giá xếp loại chất lượng

cán bộ công chức viên chức (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

 

Đồng thời, Nghị định còn quy định tỷ lệ công chức, viên chức xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng (trừ trường hợp có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch... thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức).

2. Sửa đổi quy định về việc quản lý, lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức theo hướng đơn giản hóa. Cụ thể: lưu giữ bằng hình thức điện tử; chỉ lưu trong hồ sơ công chức, viên chức Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức và văn bản thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng.

3. Quy định việc giao đơn vị sử dụng công chức, viên chức ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình (tại Nghị định số 90 giao đơn vị quản lý công chức, viên chức ban hành Quy chế); trong đó, phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần (nếu có); căn cứ để xác định tỷ lệ % mức độ hoàn thành công việc; các tiêu chí thành phần để đánh giá và xếp loại chất lượng công chức, viên chức, trong đó có tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị’ khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức.

4. Bỏ cụm từ “trong quá trình thực thi nhiệm vụ” tại các điều, khoản có liên quan của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP (khoản 5 Điều 7; điểm c khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 11; điểm c khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 15).

Ngoài ra, Nghị định số 48 còn quy định: Không xem xét lại đối với những trường hợp đã có kết quả xếp loại chất lượng trước ngày Nghị định số 48 có hiệu lực. Trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức trước ngày Nghị định số 48 có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm đó để thực hiện.

 (Chi tiết Nghị định theo file đính kèm)./.

 

Vụ Tổ chức cán bộ


Tài liệu đính kèm:



Các tin đã đưa ngày: