Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn vốn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, nhằm thực hiện công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này.
Tinh thần "lá lành đùm lá rách" là nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt Nam.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP (Nghị định 64) của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Chênh lệch hỗ trợ do không quy định mức chi cụ thể
Theo Bộ Tài chính, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 64, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức thành lập ban vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ các cấp theo quy định.
Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nguồn lực của địa phương, kinh phí vận động được từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân đã giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước (NSNN), huy động nguồn vốn xã hội góp phần giúp nhân dân vùng bị thiên tai khắc phục khó khăn. Qua đó, chính sách đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay Nghị định số 64 đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi. Bởi trong thực tế, thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra với nhiều mức độ khác nhau, tuy nhiên, nghị định chưa quy định rõ mức độ thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng cụ thể để xác định trường hợp nào do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) ra lời kêu gọi, trường hợp nào do MTTQVN các cấp ra lời kêu gọi.
Bên cạnh đó, thời gian để ban cứu trợ các cấp tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ theo quy định hiện nay là 30 ngày được các địa phương nhận định là còn ngắn, đặc biệt là đối với công tác tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đồng bào người Việt sinh sống tại nước ngoài.
Đối với một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng tiền, hàng cứu trợ lớn dẫn đến công tác tiếp nhận mất nhiều thời gian và công sức. Thời gian tiếp nhận không đủ có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích tiền, hàng cứu trợ.
Đối với mỗi đợt thiên tai xảy ra, có nhiều nguồn lực được huy động, sử dụng để hỗ trợ khẩn cấp cũng như lâu dài cho người dân vùng bị thiệt hại, nguồn NSNN quy định rõ nội dung chi, định mức chi; nhưng Quỹ Phòng, chống thiên tai chỉ quy định nội dung chi, không quy định mức chi. Việc không quy định mức chi dẫn đến người bị thiệt hại các đợt thiên tai khác nhau có mức hỗ trợ chênh lệch lớn (do phụ thuộc vào nguồn vận động, đóng góp).
Mức chi phải phù hợp với nguồn đóng góp
Do đó, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của dự thảo nghị định mới này là: quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung về cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền địa phương, đoàn thể, người dân trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn lực này.
Dự thảo nghị định cũng quy định rõ, khi xảy ra thiên tai từ cấp độ 3 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, phương tiện sản xuất của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức kêu gọi, vận động.
Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày (thay bằng 30 ngày như hiện này), kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp.
Mức chi công tác cứu trợ, hỗ trợ dự kiến như sau: Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định mức chi cho công tác cứu trợ khẩn cấp quy định tại nghị định này và mức chi sửa chữa, mua mới công cụ, phương tiện sản xuất và mức hỗ trợ… Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mức độ thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra, ban cứu trợ các cấp báo cáo UBND cùng cấp quyết định mức chi hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại tối đa theo mức chi đã được UBND cấp tỉnh quyết định
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp vận động, tiếp nhận, sử dụng tiền, hàng cứu trợ phải thực hiện công khai kết quả vận động đóng góp, phân phối tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân; đối tượng, chính sách và mức hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Công khai bằng hình thức niêm yết tại trụ sở UBND cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho các cơ quan có liên quan; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện công khai ngay sau khi kết thúc đợt vận động, tiếp nhận và phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện trong thời gian 30 ngày.
Kết thúc cuộc vận động, Ủy ban Trung ương MTTQVN lập báo cáo kết quả cuộc vận động (tổng hợp số tiền, hàng đóng góp tự nguyện, số tiền đã phân phối cho các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng) gửi Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng./.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam