Trong số 12 chính sách hỗ trợ giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng DTTS đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, thì chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Nhờ có chính sách hỗ trợ, hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn ở Ðiện Biên đã yên tâm học tập; việc duy trì sĩ số, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên.
Nhờ chính sách hỗ trợ từ Nghị định 116, học sinh Trường PTDT bán trú
THCS Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) được học tập trong điều kiện tốt hơn.
Theo quy định tại Nghị định 116, đối tượng thụ hưởng gồm: Học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã vùng b, hoặc ở xa trường từ bốn đến bảy ki-lô-mét. Trong đó, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở và 15 kg gạo. Thời gian hỗ trợ mỗi năm học tối đa là chín tháng. Ðối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; mua sắm, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/học sinh/năm học. Ðồng thời, được lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/học sinh/năm.
Thực hiện theo Nghị định 116, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Ðiện Biên có hàng trăm nghìn lượt học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được hưởng hỗ trợ từ chính sách, trong đó, năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 55.633 học sinh thuộc 250 trường được hỗ trợ. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh các cấp đi học ở Ðiện Biên mỗi năm tăng 0,6% so với thời điểm trước năm 2016; chất lượng học tập của học sinh cũng tốt hơn; không chỉ học sinh mà cả phụ huynh yên tâm khi cho con đi học, ăn, ở tại trường.
Thầy Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Mường Nhé cho biết: Năm học 2018 - 2019, toàn huyện có 6.073 học sinh được hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ gạo; 3.049 học sinh được hỗ trợ về nhà ở. Phòng GD và ÐT huyện thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các trường và toàn thể giáo viên quan tâm tuyên truyền, vận động phụ huynh hoàn thiện hồ sơ hưởng các chính sách hỗ trợ. Tổng kết năm học 2018 - 2019, toàn huyện có hơn 95% học sinh hoàn thành chương trình học tập, đạt hạnh kiểm tốt. Cô Hoàng Thị Bích, Phó trưởng Phòng GD và ÐT huyện Nậm Pồ cũng cho biết: Từ khi có Nghị định 116, việc duy trì sĩ số học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục đã chuyển biến rõ rệt. Năm học 2018 - 2019 toàn huyện Nậm Pồ có 6.754 trẻ mầm non ra lớp (đạt 106,8% so với kế hoạch giao); tiểu học có 7.378 học sinh (tăng 178 học sinh)…
Huyện Mường Ảng cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh theo Nghị định 116. Thầy Lê Văn Thống, Trưởng phòng GD và ÐT Mường Ảng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, ngành giáo dục huyện đã hỗ trợ tiền ăn cho 16.153 lượt học sinh bán trú, với tổng kinh phí hơn 36 tỷ đồng; hỗ trợ tiền nhà cho hơn 4.000 lượt học sinh với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng; hỗ trợ gạo cho hơn 16 nghìn lượt học sinh bán trú với tổng số hơn 1.262 tấn gạo. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách với trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú, ngành giáo dục huyện đã xây dựng được năm phòng học, bốn phòng nội trú học sinh của hai trường phổ thông dân tộc bán trú với kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng.
Toàn huyện Ðiện Biên Ðông có 27 trường phổ thông dân tộc bán trú với hơn 6.000 học sinh được hỗ trợ theo Nghị định 116. Phòng GD và ÐT huyện Ðiện Biên Ðông đã được phân bổ hơn 11 tỷ đồng và hàng nghìn tấn gạo để hỗ trợ cho học sinh. Việc thực hiện đầu tư, hỗ trợ xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú được quan tâm thực hiện. Vì vậy, huyện Ðiện Biên Ðông không còn tình trạng học sinh bỏ học phổ biến như trước, chất lượng học tập của các em ngày càng nâng cao. Năm học 2017 - 2018, huy động được toàn bộ học sinh 6 tuổi vào lớp 1 (tăng 1,12% so với năm học trước); tỷ lệ huy động học sinh cấp trung học cơ sở ra lớp đạt 94,7%.
Thầy Khương Cao Quyền, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Năm học 2017 - 2018, trường có 353 học sinh hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116. Nhờ chính sách này, học sinh bán trú được ăn ba bữa/ngày có đủ thịt, cá, rau... cho nên phụ huynh rất yên tâm, sức khỏe các em được bảo đảm. Thực tế, nhiều học sinh thích được ở trường hơn về nhà...
Đánh giá việc thực hiện chế độ, chính sách theo Nghị định 116 trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Từ khi có chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116, điều kiện ăn ở, học tập của học sinh DTTS, học sinh vùng cao Ðiện Biên được cải thiện rất nhiều. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên ngành GD và ÐT và học sinh vùng khó khăn ở Ðiện Biên luôn nhận thức, chế độ hỗ trợ học sinh theo Nghị định 116 là đòn bẩy quan trọng trong lộ trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng GD và ÐT Ðiện Biên.
Nguồn: Báo Nhân dân