Nhân kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2018), đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã dành cho TBTCVN cuộc trả lời phỏng vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ tin tưởng, ngành Tài chính sẽ phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được giao; tiếp tục xây dựng ngành Tài chính ngày càng vững mạnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước trong tình hình mới.
Thời báo Tài chính Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TBTCVN: Kính thưa Bộ trưởng, trải qua 73 năm xây dựng và trưởng thành, nền tài chính quốc gia đã ngày càng vững mạnh và phát triển trên nhiều lĩnh vực: Các cân đối vĩ mô về ngân sách được đảm bảo; giảm bội chi; giữ vững an toàn nợ công; các thị trường tài chính như chứng khoán, bảo hiểm không ngừng phát triển… Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Tài chính, xin Bộ trưởng đánh giá khái quát về những thành quả nổi bật mà ngành Tài chính đạt được đến thời điểm hiện nay?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trải qua chặng đường 73 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Tài chính Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đến nay, chúng ta đã xây dựng một nền tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh, đảm bảo giữ vững các cân đối lớn về tài chính - NSNN, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong những năm gần đây, ngành Tài chính đã cơ bản hình thành hệ thống khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ về quản lý tài chính - NSNN; quản lý nợ công; tài sản công; thị trường giá cả; phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính... theo hướng đổi mới một cách mạnh mẽ và căn bản, góp phần động viên hợp lý các nguồn lực vào ngân sách; đồng thời tạo cơ sở để Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực hiện các cam kết quốc tế. Các thể chế tài chính không ngừng hoàn thiện, tập trung tháo gỡ các rào cản về cơ chế; hình thành một môi trường đầu tư thống nhất, công bằng, minh bạch, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu NSNN và nợ công, Nghị quyết số 25 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng bền vững. Nhờ đó, kết quả thu NSNN trong 2 năm gần đây (2016, 2017) đều vượt khá so với dự toán (năm 2016 vượt 9,3%; năm 2017 vượt 6,3% so dự toán); tỷ trọng huy động NSNN bình quân 25,2%GDP, trong đó thuế, phí là 21,3%GDP. Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả và vay nợ trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, điều hành triệt để tiết kiệm, chi trong phạm vi dự toán, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản công...
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, trong 2 năm qua, bội chi NSNN và nợ công đã được quản lý, giám sát chặt chẽ, bám sát dự toán Quốc hội giao, huy động trái phiếu chính phủ trong nước theo tiến độ giải ngân thực tế. Do vậy, số bội chi tuyệt đối năm 2016 và 2017 đều giảm so với dự toán (năm 2016 giảm 5.505 tỷ đồng; năm 2017 giảm 4.000 tỷ đồng). Trong những năm tới phấn đấu giảm dần mức bội chi để đạt mục tiêu đến năm 2020 bội chi ngân sách không quá 3,5%GDP, bình quân giai đoạn không quá 3,9%GDP. Cùng với đó, nợ công được quản lý chặt chẽ.
Có thể nói rằng, một trong những thành công nhất của ngành Tài chính thời gian qua là kiểm soát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công đạt kết quả tốt. Đây chính là yếu tố khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm và đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô Việt Nam. Trong 2 năm 2016 - 2017, tốc độ gia tăng nợ công giảm gần một nửa, còn khoảng 9,6%/năm so với bình quân 18,1%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Nợ công giảm từ 63,6%GDP cuối năm 2016 xuống 61,4%GDP cuối năm 2017, nợ Chính phủ giảm tương ứng từ 52,6%GDP xuống 51,8%GDP. Đó là kết quả của việc tích cực cơ cấu lại nợ công, cả về cơ cấu kỳ hạn, lãi suất vay, cơ cấu vay trong nước và vay ngoài nước, cơ cấu các nhà đầu tư theo hướng tăng cường tính bền vững... Từ đó, vừa đảm bảo an toàn nợ công, mức nợ bảo lãnh, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán, bảo hiểm đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Chỉ tính riêng thị trường chứng khoán, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2017 đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương 70,2% GDP, vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra cho năm 2020. Năm 2018 thị trường tiếp tục duy trì đà phát triển, tính đến cuối tháng 6/2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,889 triệu tỷ đồng, tương đương 77,7% GDP.
Tôi muốn nhắc đến những con số để khẳng định thành quả đạt được của ngành Tài chính. Sở dĩ có được kết quả trên là nhờ chúng ta được kế thừa truyền thống quý báu, cùng sự nỗ lực, vươn lên không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công chức (CBCC) ngành Tài chính, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thể hiện qua các chủ trương đúng đắn và sáng tạo trong đổi mới, phát triển nền tài chính quốc gia.
TBTCVN: Như Bộ trưởng từng chia sẻ, thách thức trong thời gian tới đối với ngành Tài chính là không nhỏ, khi vừa phải tái cơ cấu ngân sách và nợ công, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia, vừa phải thực hiện thắng lợi kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Bộ trưởng có thể nhận định về những khó khăn, thách thức này của ngành Tài chính?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đúng vậy! Thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu NSNN và nợ công, Nghị quyết số 25 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại NSNN và nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong trước mắt cũng như lâu dài.
Để tái cơ cấu NSNN, ngành Tài chính đã chuyển dịch tích cực công tác thu ngân sách, theo hướng tăng thu nội địa khi các nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu (XNK) giảm dần theo cam kết quốc tế và thu từ dầu thô giảm. Tỷ trọng thu nội địa bình quân 2 năm gần đây (2016 - 2017) đạt 80% tổng thu cân đối NSNN (giai đoạn 2011 - 2015 mới đạt 68%). Cùng với tái cơ cấu thu ngân sách, chi NSNN cũng được cơ cấu lại theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư; giảm chi thường xuyên; đảm bảo chi trả nợ. Về quản lý nợ công, bội chi, Chính phủ đã thành công trong việc giảm tốc độ tăng nợ công, duy trì tốt tốc độ tăng trưởng, kiểm soát và giảm dần bội chi ngân sách...
Tuy nhiên, thách thức đặt ra còn lớn đối với thu - chi ngân sách. Việc thực hiện giảm một số sắc thuế với mức cao và nhanh hơn so với lộ trình thời gian qua đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh; song cũng ảnh hưởng đến số thu cân đối NSNN nói chung và ngân sách trung ương (NSTW) nói riêng. Để tái cơ cấu một bước thu NSNN, đồng thời thực hiện theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN theo hướng:“bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường”, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng các luật thuế mới và sửa đổi, bổ sung một số luật về thuế, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương về chi ngân sách nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở các cơ quan nhà nước lẫn các doanh nghiệp. Bội chi mặc dù giảm và vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng trong thời gian tới, trước nhu cầu đầu tư phát triển còn lớn, bội chi ngân sách còn cao (năm 2018 dự kiến là 3,7% GDP). Tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn được Quốc hội cho phép, song nếu xu hướng nợ công tiếp tục tăng như một số năm qua, chúng ta có thể phải đối mặt với những rủi ro về tính bền vững nợ.
Đứng trên góc độ thu ngân sách, phải có những giải pháp để khắc phục điểm yếu của cơ chế này. Theo đó, các chính sách thu cần tập trung theo hướng: Mở rộng cơ sở thu phù hợp, bao quát các nguồn thu mới; việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; chính sách thu phải phù hợp thông lệ quốc tế; chống thất thu, chống gian lận thương mại, chuyển giá...
Về chi ngân sách, cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, điều hành chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chi trong phạm vi dự toán, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản công. Để kiểm soát
an toàn nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, cần tiếp tục triển khai các giải pháp về cơ cấu lại NSNN và nợ công, trong đó: Xác định rõ mức bội chi NSNN và lộ trình cắt giảm bội chi trong trung, dài hạn; tăng chi đầu tư phát triển; giảm chi thường xuyên; tăng kỳ hạn vay, giảm lãi suất; đảm bảo cân đối, bố trí nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc, lãi của Chính phủ; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi dành nguồn trả nợ để giảm nợ công...
TBTCVN:Công tác tổ chức, cán bộ luôn là cốt lõi của thành công, điều đó đã được đúc rút qua nhiều năm phát triển của ngành Tài chính. Trước yêu cầu không ngừng đổi mới và phát triển của ngành Tài chính, xin Bộ trưởng cho biết về quan điểm trong công tác tổ chức, cán bộ của ngành Tài chính trong thời gian tới?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Ngay khi Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở được ban hành, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện một số giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy của Bộ Tài chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Từ năm 2013 đến cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã cắt giảm được khoảng 2.800 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm được 293 đầu mối, trong đó cấp tổ (đội) tại địa phương cắt giảm được 246 đầu mối; cấp chi cục và tương đương cắt giảm
được 44 (43 phòng giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh, 1 chi cục hải quan thuộc cục hải quan tỉnh), cấp phòng và tương đương thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc bộ cắt giảm 3 đầu mối...
Công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Để đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm theo chỉ tiêu biên chế được giao là 3.491 biên chế (tương đương 4,7%) trong giai đoạn từ 2015 đến nay.
Cùng với việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, biên chế, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính luôn xác định nhân tố con người là yếu tố quyết định. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ trong sự nghiệp phát triển, Bộ Tài chính luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chấp hành kỷ cương, kỷ luật cũng được đặc biệt chú trọng. Đối với đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) ngành thuế, hải quan (cơ quan có tiếp xúc nhiều với người dân và doanh nghiệp), Bộ Tài chính luôn xác định nâng cao phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ này, bảo đảm chuyên sâu, chuyên nghiệp, trong sạch, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những CBCC có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp qua từng năm.
Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo quy định gắn với tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành; đồng thời, triển khai nhiều giải pháp tăng cường năng lực chuyên môn, bồi dưỡng đạo đức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ CBCC; xây dựng môi trường, phong cách làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại và hiệu quả; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát CBCC chấp hành nghiêm chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nhất là công chức tiếp
xúc trực tiếp, thực hiện kiểm tra, làm việc với người dân, doanh nghiệp...
Có thể nói rằng, trong suốt 73 năm qua, phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, đội ngũ CBCC, viên chức, người lao động ngành Tài chính đã trưởng thành và tiến bộ trên nhiều phương diện. Các thế hệ CBCC, viên chức, người lao động của ngành Tài chính luôn giữ vững được phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ, giữ gìn phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” của người cán bộ tài chính.
TBTCVN: Nhân dịp Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập ngành và trong chặng đường phát triển mới của ngành Tài chính, Bộ trưởng có mong muốn, nhắn gửi gì tới đội ngũ CBCC, viên chức, người lao động trong toàn ngành Tài chính?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khởi sắc song còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ của ngành Tài chính trong thời gian tới là rất lớn và nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng CBCC, viên chức, người lao động trong toàn ngành.
Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cũng là năm thứ 2 của thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 và là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu NSNN và nợ công; Nghị quyết số 25 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 142 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020); cũng như thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018, do đó, toàn ngành Tài chính sẽ phải quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra. Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, các đơn vị trong toàn ngành Tài chính cần tập trung vào 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra.
Tôi đề nghị, toàn Ngành phải nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; tổ chức điều hành dự toán NSNN năm 2018 và những năm tiếp theo hướng tích cực chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, giữ tổng mức vay và bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của ngành; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu đơn vị trong thực thi nhiệm vụ…
Nhân kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2018), thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi trân trọng gửi tới các thế hệ CBCC, viên chức, người lao động tình cảm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất! Với truyền thống 73 năm qua, tôi tin tưởng ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, nhất trí, cùng nhau chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – NSNN được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao, tiếp tục xây dựng ngành Tài chính ngày càng vững mạnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước trong tình hình mới!
TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam