Một số vấn đề về an sinh xã hội

(25/09/2015)

An sinh xã hội là một nội dung quan trọng của điểm 2, mục VIII Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Có thể nói, đây là lần đầu Dự thảo văn kiện trình bày một cách đầy đủ, toàn diện nội hàm các chính sách an sinh xã hội, thể hiện đúng đắn luận điểm của Đảng ta: Thống nhất chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội, xem trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội ngay trong từng bước phát triển. Dự thảo văn kiện đã xác định bốn nhóm chính sách, từ chính sách người có công đến lao động - việc làm; từ trợ giúp nhóm dân cư yếu thế dễ bị tổn thương đến giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều.

Chúng tôi cho rằng, cần sắp xếp lại thứ tự các nhóm chính sách để có thể dễ hình dung hệ các chính sách đó được “thiết kế” như một mạng lưới có các tầng, nấc khác nhau, bảo đảm không có bất cứ thành viên nào trong xã hội bị lọt khỏi "lưới" an sinh.

Chúng ta đều biết rằng, chức năng của hệ thống các chính sách an sinh xã hội là phòng ngừa rủi ro, bù đắp một phần lao động quá khứ cho người có công, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro, do đó cần có cái nhìn tổng thể từ tư duy cho tới tổ chức thực hiện.

Tầng thứ nhất, gồm nhóm các chính sách tạo điều kiện tối đa để người có sức lao động tham gia hoạt động lao động, có việc làm, có thu nhập, bảo đảm cuộc sống bản thân và gia đình. Đây là nhóm chính sách cơ bản, lớn nhất trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội mang tính động viên của Nhà nước và tính chủ động của người lao động. Nhà nước và xã hội ngày càng tạo ra nhiều việc làm để thu hút tối đa các nguồn lao động xã hội và sử dụng ngày càng có hiệu quả cao, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Nhóm chính sách này được thực hiện càng tốt, càng làm cơ sở vật chất cho việc thực hiện ba nhóm chính sách sau. Và đó chính là thực hiện chức năng chủ động, phòng ngừa rủi ro.

Tầng thứ hai, gồm nhóm các chính sách dành cho các đối tượng có công. Nhóm chính sách này mang tính chất “đền ơn, đáp nghĩa” đối với những người, gia đình đã cống hiến tiền của, mồ hôi, công sức, máu xương cho cách mạng, trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế để đất nước ta rạng ngời như hôm nay. Đây là nhóm chính sách đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta (tuyệt đại bộ phận các nước không có loại chính sách này). Thực thi tốt nhóm chính sách này chính là Đảng, Nhà nước chủ động bù đắp lại một phần lao động quá khứ cho các đối tượng chính sách để họ có được cuộc sống từ mức trung bình trở lên tại nơi cư trú.

Tầng thứ ba, gồm nhóm các chính sách bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...). Nhóm chính sách này nhằm bù đắp một phần thu nhập bị giảm sút, bị gián doạn; khắc phục tình trạng suy giảm sức khỏe vì ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối tượng của nhóm chính sách này khá lớn, bao gồm cả những người đang trong quá trình lao động và cả những người đã bước ra khỏi quá trình lao động (người nghỉ hưu, người quá tuổi lao động, người tạm thời mất việc làm, thời gian chuyển đổi công việc); tất cả công dân từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi nhất có yêu cầu khám, chữa bệnh và điều trị. Thực thi tốt các nhóm chính sách này cũng chính là việc chủ động thực hiện chức năng chủ động giảm thiểu rủi ro bất trắc trong an sinh xã hội.

Tầng thứ tư, gồm nhóm các chính sách: Bảo trợ xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường cơ hội tiếp nhận các dịch vụ xã hội, trợ giúp vượt qua những rủi ro khó lường ngoài tầm kiểm soát (do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hạn hán, bão lũ, tai họa bất ngờ...). Đối tượng của nhóm chính sách này khá đa dạng, phần lớn là các nhóm yếu thế (người nghèo do điều kiện sản xuất khó khăn, dân cư các vùng thường xuyên có bão lũ, người khuyết tật, ốm đau dài ngày, bị bệnh hiểm nghèo, người không nơi nương tựa...). Khối lượng công việc và nguồn lực cho nhóm chính sách này là rất lớn. Nhưng đó là nhiệm vụ tất yếu để thực thi chức năng rất quan trọng của an sinh xã hội - chức năng chủ động khắc phục các loại rủi ro.

 

Các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa trên mọi miền Tổ quốc được hưởng chính sách hỗ trợ

gạo DTQG theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Chúng tôi cho rằng, sắp xếp các nhóm chính sách an sinh xã hội theo trật tự như trên vừa dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, vừa hợp lô-gic (trước hết người lao động phải làm việc cho mình và đóng góp cho Nhà nước; Nhà nước có điều kiện vật chất để thực hiện các chính sách khác, trong đó có chính sách bảo vệ người lao động; cuối cùng mới là trợ giúp, “cứu tế” xã hội). Nói cách khác là, đem sức dân để làm việc cho dân./.

TS Bùi Ngọc Thanh (Nguồn Báo Nhân dân)

 



Các tin đã đưa ngày: