Chưa đầy 1 tháng nữa Nghị định 94 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) sẽ có hiệu lực, đây được coi là điểm mốc, là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành dự trữ nhà nước thực hiện quản lý hoạt động dự trữ quốc gia. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC, TS PHẠM PHAN DŨNG xung quanh việc triển khai thực hiện này.
- Thưa ông, sau gần 2 tháng kể từ khi Quốc hội thông qua Luật DTQG. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 94/2013/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật DTQG. Xin ông cho biết tầm quan trọng, cũng như một số nội dung chính của Nghị định này?
- Ngay sau khi Luật DTQG được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, QH Khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013, Ban soạn thảo đã bắt tay ngay vào hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Ngày 21.8.2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật DTQG.
Nghị định này quy định chi tiết các chính sách của Nhà nước về DTQG như: chính sách huy động nguồn lực cho DTQG; chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho DTQG; chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin về DTQG; chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân cống hiến những thành tựu nghiên cứu khoa học áp dụng có hiệu quả trong ngành DTQG. Ngoài ra, Nghị định còn quy định danh mục chi tiết hàng DTQG và phân công cơ quan quản lý; chế độ, chính sách đối với người làm công tác DTQG và một số nội dung khác.
- Như ông vừa cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Nghị định là chính sách huy động nguồn lực cho DTQG. Xin ông cho biết cụ thể hơn về chính sách này?
- Đây là một trong những nội dung quan trọng hướng dẫn xã hội hóa hoạt động DTQG. Trước đây, hoạt động DTQG do các tổ chức Nhà nước như: Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… và một số doanh nghiệp Nhà nước đảm nhiệm. Bước sang giai đoạn mới, Nhà nước có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp vật tư, tài sản để sử dụng cho DTQG, trong đó nhấn mạnh đến việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bảo quản, cất trữ, nghiên cứu khoa học về DTQG. Việc này Chính phủ giao Thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG khi tiếp nhận tài sản do các thành phần kinh tế tự nguyện đóng góp để sử dụng cho DTQG có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích. Nhà nước khuyến khích đồng thời ghi nhận bằng văn bản việc các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp tài sản để sử dụng cho DTQG, Bộ trưởng Bộ Tài chính xác nhận việc đóng góp tài sản cho các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, trong tình huống đột xuất, cấp bách, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, phục vụ quốc phòng, an ninh cần phải giải quyết ngay thì Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông - vận tải… được phép huy động tài sản, hàng hóa, vật tư, thiết bị của các tổ chức, cá nhân cho DTQG theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
- Thưa ông, để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Nhà nước có chính sách gì để động viên cán bộ công chức, người lao động ngành DTQG ?
- Thực tiễn cho thấy, hoạt động DTQG mang tính đặc thù cao, nên điều kiện làm việc của cán bộ, công chức DTQG gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi có sự cố về thiên tai, cán bộ công chức ngành DTQG phải thường xuyên túc trực, vừa phải đảm bảo an toàn tuyệt đối vật tư, tài sản DTQG, vừa phải kịp thời xuất cấp hàng DTQG trong tình huống cấp bách, khắc nghiệt như phải đưa hàng đến vùng xa, vùng sâu, miền núi, hải đảo nên thường xuyên đối mặt với hiểm nguy. Khi Luật DTQG được Quốc hội thông qua, một số chính sách huy động nguồn lực, chính sách đãi ngộ cho người lao động trước đây đang thực hiện như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề, nay đã được kế thừa và luật hóa.
Về phụ cấp ưu đãi nghề, thực hiện Quyết định số 77/2008/QĐ-TTg, chỉ áp dụng đối với công chức thuộc các ngạch chuyên ngành DTQG và cán bộ, công chức thuộc các ngạch khác trực tiếp làm nhiệm vụ DTQG tại các kho, tổng kho DTQG. Riêng đối với lực lượng vũ trang thì không áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề. Về phụ cấp thâm niên, từ năm 1993, thực hiện chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang theo Nghị định số 25 nên không được hưởng phụ cấp thâm niên ngành.
- Thưa ông, Luật, Nghị định đã có, vậy ngành DTQG cần triển khai thực hiện những nhiệm vụ nào để có thể thực hiện đồng bộ Luật DTQG?
- Khi Luật DTQG được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ tài chính đã ban hành Quyết định số 43/QĐ-BTC ngày 7.1.2013 về kế hoạch triển khai thực hiện Luật DTQG. Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và trình ban hành Nghị định và các Thông tư hướng dẫn Luật DTQG thì Bộ Tài chính quan tâm tổ chức phổ biến, quán triệt Luật DTQG, Nghị định và các Thông tư đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ cấp phòng trở lên của Tổng cục DTNN và cán bộ quản lý DTQG các bộ, ngành quản lý hàng DTQG.
- Xin cảm ơn ông!
Báo Đại biểu Nhân dân