Lương thực (thóc, gạo) là mặt hàng dự trữ có từ ngày đầu thành lập ngành Dự trữ nhà nước, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức dự trữ quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia. Việc phát triển công nghệ bảo quản, đặc biệt là công nghệ bảo quản lương thực là nhiệm vụ trọng tâm, giữ vai trò then chốt, quyết định đến sự thành công trong hoạt động của ngành Dự trữ Nhà nước.
Phương thức bảo quản thóc bổ sung khí N2 duy trì nồng độ > 98%
đã được các đơn vị chủ động triển khai với số lượng ngày càng tăng.
Dự trữ quốc gia (DTQG) là dự trữ vật tư, thiết bị, hàng hóa do Nhà nước quản lý, nắm giữ. Nhà nước hình thành, sử dụng DTQG nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Quá trình hình thành và phát triển của ngành DTNN đều gắn liên với quá trình bảo quản hàng hóa DTQG.
Mặt hàng DTQG lương thực (thóc, gạo) là mặt hàng dự trữ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức DTQG, do đó, công nghệ tiên tiến không ngừng được đưa vào công tác bảo quản hàng DTQG lương thực.
Nhìn lại quá trình bảo quản thóc dự trữ quốc gia
Trước năm 2005, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) chủ yếu bảo quản theo phương pháp để thông thoáng tự nhiên. Tại miền Nam bảo quản đóng bao, miền Trung, miền Bắc bảo quản đổ rời. Ưu điểm của phương pháp này tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, chi phí thấp và phù hợp với điêu kiện kinh tế xã hội giai đoạn này. Tuy nhiên, phương pháp này có nhiêu nhược điểm. Lớp mặt và xung quanh khối hạt luôn ở trạng thái hô hấp hiếu khí nên sinh ra nhiệt lượng, khí CO2 và hơi nước do vậy tỷ lệ hao hụt lớn, thủ kho thường xuyên phải cào đảo lớp mặt từ 0,3 - 0,5 m để giải phóng ẩm, tránh hiện tượng bốc nóng, men mốc lớp mặt. Một nhược điểm nữa của bảo quản thông thoáng là môi trường thuận lợi để côn trùng phát triển ở lớp mặt và xung quanh khối hạt... Vì những nguyên nhân trên mà chất lượng thóc khi xuất kho bị suy giảm, không còn giữ được màu sắc, mùi vị như lúc nhập kho tỷ lệ hạt vàng tăng cao.
Với việc học tập và áp dụng công nghệ bảo quản kín, ngành DTNN đã tiến hành một số thử nghiệm, khởi đầu là dự trữ quốc gia (DTQG) khu vực Đông Bắc (nay là Cục DTNN khu vực Đông Bắc) năm 2007 đã triển khai thử nghiệm thành công với công nghệ bảo quản trong môi trường kín, áp suất thấp đối với thóc đổ rời DTQG. Áp dụng phương pháp bảo quản này ức chế quá trình hô hấp của hạt, sự phát triển côn trùng khi khối hạt bọc kín màng PVC và hút khí duy trì áp suất âm.
Đến năm 2008, Cục DTQG (nay là Tổng cục DTNN) đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 65/2008/QĐ-BTC ngày 04/8/2008 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về DTQG đối với thóc bảo quản đổ rời trong điều kiện áp suất thấp (QCVN 1:2008/BTC). Từ những ưu điểm của phương pháp bảo quản kín đối với thóc đổ rời, phương pháp bảo quản kín tiếp tục từng bước được thí điểm thực hiện, cải tiến, hoàn thiện.
Kết quả sau thời gian bảo quản thử nghiệm thóc xuất kho không bị nấm men, nấm mốc; gạo xát ra trắng, giữ được màu sắc đặc trưng, hạn chế sự phát triển của côn trùng, cải thiện điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại của thủ kho bảo quản và tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể.
Tổng cục DTNN tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định về quy trình, quy phạm bảo quản trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 53/2014/ TT-BTC ngày 24/4/2014 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc DTQG (QCVN 14:2014/ TT-BTC). Trong đó, quy định phương pháp bảo quản thóc DTQG là đổ rời hoặc đóng bao trong điều kiện áp suất thấp, loại bỏ hoàn toàn phương pháp bảo quản thoáng tự nhiên.
Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương pháp bảo quản kín nhằm tìm kiếm phương pháp bảo quản tối ưu, thân thiện với môi trường đáp ứng được mục tiêu kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao chất lượng thóc DTQG, giảm hao hụt thóc khi xuất kho, một số đề tài đã nghiên cứu thử nghiệm sử dụng chất khử oxy để xác định nồng độ oxy trong lô thóc ở khoảng thích hợp đối với bảo quản thóc đồng thời tạo môi trường không khí nghèo oxy, giảm cường độ hô hấp của khối hạt về mức thấp nhất để duy trì chất lượng của hạt. Nồng độ Oxy được xác định ở mức 2% là nồng độ thích hợp nhất trong bảo quản thóc.
Tiếp nối những nghiên cứu trên, năm 2018, cán bộ, công chức Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản đã bảo vệ thành công đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu bảo quản thóc DTQG đóng bao trong môi trường khí N2, thời gian bảo quản 36 tháng tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong bảo quản thóc DTQG". Từ những kết quả nhiên cứu, Tổng cục DTNN đã xây dựng, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với mặt hàng thóc tẻ DTQG để trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 87/2020/TT-BTC ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc tẻ DTQG.
Qua gần 3 năm thực hiện Quy chuẩn đã chứng minh được tính ứng dụng hiệu quả của phương pháp bảo quản kín duy trì nồng độ Nitơ > 98% và phương pháp bảo quản áp suất thấp. Qua thực tế triển khai phương thức bảo quản thóc bổ sung khí N2 duy trì nồng độ > 98% đã được các đơn vị chủ động triển khai với số lượng ngày càng tăng; năm 2021 chiếm 60%, năm 2022 tăng lên 79% tổng số lượng thóc mua nhập kho DTQG.
Nâng cao chất lượng bảo quản gạo dự trữ quốc gia
Đối với gạo, từ tháng 4/1993, Cục DTQG (nay là Tổng cục DTNN) bắt đầu triển khai nghiên cứu, áp dụng đề tài "Bảo quản gạo dự trữ trong môi trường kín, có bổ sung khí CO2". Tiếp đó, đề tài được chuyển thành chương trình cấp Nhà nước về bảo quản lương thực dự trữ quốc gia và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá đạt loại Giỏi. Năm 1999 đề tài được giải thưởng công nghệ VIFOTEC. Giá trị thực tiễn to lớn của đề tài này đã thay đổi cơ cấu mặt hàng dự trữ lương thực ở nước ta (từ trước chưa bao giờ dự trữ gạo mà chỉ dự trữ thóc), nên khi cần gạo cứu trợ cho dân bị lũ lụt; khi cần viện trợ lương thực khẩn cấp cho các nước thì không đáp ứng được ngay.
Với việc đưa gạo vào dự trữ sẽ đảm bảo được yêu cầu cơ động, kịp thời và xuất cấp được ngay cho dân, giảm được được chi phí bảo quản và tích lượng kho so với dự trữ bằng thóc và hạn chế dùng các hoá chất trong bảo quản lương thực DTQG. Từ kết quả áp dụng công nghệ mới bảo quản gạo dự trữ trong môi trường kín có bổ sung khí CO2, Tổng cục DTNN đã có thêm nhiều nghiên cứu về các giải pháp bảo quản gạo dự trữ để đánh giá tính ưu việt và hiệu quả, như bảo quản gạo trong túi ni-lon nhỏ hút chân không, bảo quản gạo trong môi trường yếm khí, bảo quản gạo trong môi trường kín có bổ sung khí ni-tơ.
Năm 2004, Cục DTQG đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 34/2004/QĐ-BTC ngày 14/4/2004 ban hành kèm theo quy phạm bảo quản gạo DTQG. Trong đó, thời hạn lưu kho bảo quản gạo tối đa đến 12 tháng. Tiếp đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về DTNN đối với gạo bảo quản cũng đã quy định phương pháp bảo quản gạo DTQG là bảo quản bổ sung khí CO2 duy trì nồng độ > 40%, bổ sung N2 nồng độ duy trì > 90% và bảo quản trong điều kiện áp suất thấp. Thời hạn lưu kho bảo quản gạo tối đa đến 15 tháng.
Từ những ưu điểm của phương pháp bảo quản kín gạo bổ sung khí CO2, khí N2, Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản đã chủ động phối hợp cùng với các đơn vị cơ sở để nghiên cứu, thực nghiệm nhằm hoàn thiện phương pháp bảo quản kín có bổ sung khí N2 ở nồng độ cao > 98%.
Năm 2014, đề tài khoa học cấp cơ sở "Nghiên cứu giải pháp kéo dài thời hạn lưu kho đối với gạo DTQG bảo quản trong môi trường khí N2 trên 98%" bảo vệ thành công, kết quả sau 24 tháng bảo quản độ suy giảm các chỉ tiêu cơ lý, dinh dưỡng của gạo rất ít, gần như không thay đổi, kéo dài thời hạn bảo quản gạo lên đến 24 tháng mà chất lượng gạo bảo quản vẫn đáp ứng yêu cầu xuất kho.
Đến năm 2019, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo DTQG được ban hành đã chuyển đổi hoàn toàn sang phương thức bảo quản kín trong điều kiện bổ sung khí N2 > 98%, thời hạn bảo quản gạo tăng từ 15 tháng lên đến 18 tháng (nếu tỷ lệ hạt vàng < 0,8%).
Để nâng cao chất lượng bảo quản hàng DTQG tại các điểm kho dự trữ, trong giai đoạn 2020-2030, Tổng cục DTNN tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để từng bước tiến hành tự động hóa các khâu trong quy trình nghiệp vụ bảo quản hàng DTQG.
Đề tài khoa học cấp cơ sở: "Các giải pháp công nghệ để duy trì nồng độ khí Nitơ > 98% trong bảo quản gạo DTQG" đã được bảo vệ thành công năm 2019. Đây là một giải pháp mới trong công tác bảo quản của ngành, có khả năng ứng dụng thực tế.
Đề tài nghiên cứu đã phân tích hiệu quả kinh tế của giải pháp điều chế khí N2 tại chỗ so với giải pháp mua khí từ các nhà thầu cung cấp hiện nay. Kết quả nghiên cứu của đề tài là tiền đề để nghiên cứu tự động hóa trong quá trình nạp khí N2 đảm bảo nồng độ khí N2 luôn đạt > 98% trong bảo quản gạo, thóc.
Tiếp nối nghiên cứu, năm 2020 đề tài khoa học cấp cơ sở: "Nghiên cứu kết nối theo dõi, đánh giá điều kiện bảo quản môi trường trong lô hàng, trong kho và ngoài kho trong quá trình bảo quản lương thực" đã bảo vệ thành công. Đề tài thực hiện nghiên cứu theo dõi các thông số về nhiệt độ, độ ẩm trong lô hàng, trong kho và ngoài kho trong quá trình bảo quản lương thực.
Kết quả về nhiệt độ, độ ẩm được kết nối với máy tính nhằm hiển thị các thông số thu được từ thiết bị đo, từ đó đưa ra giải pháp trong quá trình bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng lương thực (thóc, gạo) trong quá trình lưu kho.
Từ những kết quả khả quan của các đề tài về ứng dụng công nghệ đã đạt được, đến nay các nghiên cứu đang tiếp tục được theo dõi, hoàn thiện nhằm sớm triển khai ứng dụng trên phạm vi toàn Ngành.
Đỗ Thị Phượng - Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản
(Bài đăng trên Bản tin DTNN số 5-2023)