Thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng nhiều văn bản, đề án nội ngành nhằm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động dự trữ quốc gia. Nhờ đó việc triển khai tiết kiệm, chống lãng phí của ngành chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dự trữ quốc gia.
Ngành Dự trữ Nhà nước thực hiện các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí.
Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) được tăng cường. Qua thực tế, các cuộc thanh tra, kiểm tra, không phát hiện cá nhân, đơn vị trong ngành vi phạm, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Thời gian qua, Tổng cục DTNN đã xây dựng nhiều văn bản, đề án nội ngành nhằm thực hiện chương trình THTKCLP trong các hoạt động dự trữ quốc gia (DTQG) như: lĩnh vực quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên….
Theo đó, để thực hiện triệt để THTKCLP trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, Tổng cục DTNN đề ra chỉ tiêu thực hiện gồm: sắp xếp, tổ chức bộ máy của các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Tổng cục DTNN tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo quy định của Đảng, Chính phủ; gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, đảm bảo bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình tổ chức và từng địa bàn.
Bên cạnh những chỉ tiêu trên, Tổng cục DTNN đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ tập trung xây dựng hệ thống vị trí việc làm đối với công chức, viên chức; cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính theo quy định. Đồng thời, toàn ngành công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và tuyển dụng, sử dụng, kỷ luật công chức, viên chức để thu hút được người có năng lực, trình độ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giảm khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ.
Cùng với đó, Tổng cục DTNN sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chỉ đạo, điều hành của đơn vị; khai thác hiệu quả các phần mềm dùng chung thống nhất trong toàn ngành DTNN; khai thác tối đa trang thiết bị công nghệ thông tin sẵn có nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, giảm văn bản, giấy tờ hành chính.
Tổng cục DTNN cũng sẽ xây dựng môi trường, phong cách làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại và hiệu quả; coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn cải cách thủ tục hành chính.
Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên
Đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN, Tổng cục DTNN đề ra mục tiêu cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên như: chi mua sắm công; đi công tác trong và ngoài nước; sử dụng xe ô tô công; tổ chức hội nghị, hội thảo; nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác. Đồng thời, công tác phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản chi NSNN... được kiểm soát chặt chẽ.
Từ cơ sở các mục tiêu trên, trong thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ thực hiện nghiêm các quy định của Luật NSNN trong tất cả các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí NSNN; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về về phát triển kinh tế - xã hội và điều hành dự toán NSNN.
Tổng cục DTNN tiếp tục rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả; cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả; thực hiện tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học…
Với sự vào cuộc quyết liệt, lãnh đạo Tổng cục DTNN kỳ vọng, việc triển khai THTKCLP tại cơ quan Tổng cục DTNN trong thời gian tới sẽ tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Bích Nguyệt - Thời báo Tài chính Việt Nam