Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao năm 2023, từ xây dựng chính sách pháp luật, nhập, xuất hàng dự trữ…, đến phối hợp chặt chẽ để đưa hàng dự trữ quốc gia đến đúng đối tượng, được sử dụng đúng mục đích.
Kiểm tra chất lượng gạo Dự trữ. Ảnh: Minh Đức
Chủ động triển khai kịp thời, đúng kế hoạch
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) đã chủ động phân bổ, giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán cho các đơn vị trực thuộc để tổ chức thực hiện. Đồng thời, các bộ, ngành kịp thời phối hợp với Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) báo cáo Bộ Tài chính cho phép chuyển số dự toán còn dư của năm 2022 sang năm 2023 tiếp tục thực hiện, theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và Luật DTQG. Đến nay, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG triển khai tổ chức đấu thầu, mua nhập hàng đúng tiến độ và giải ngân theo quy định.
Để giảm thiểu những tác động của thị trường làm ảnh hưởng tới tiến độ và kết quả nhập gạo, Tổng cục DTNN đã kịp thời thực hiện một số giải pháp: chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tập trung cao độ thực hiện kế hoạch mua lương thực năm 2023, đã được Thủ tướng Chính phủ giao; phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện để các nhà thầu tích cực nhập gạo đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời, đẩy nhanh giải ngân, thanh toán kịp thời tiền hàng theo tiến độ nhập gạo ngay sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định; chủ động các kịch bản điều hành để có biện pháp phù hợp, kịp thời điều hành linh hoạt việc nhập, xuất lương thực năm 2023...
Đến nay, Tổng cục DTNN đã tổ chức đấu thầu thành công và ký hợp đồng mua nhập kho 195.230 tấn/220.000 tấn gạo. Các Cục DTNN khu vực nhập kho được khoảng 140.000 tấn gạo; số còn lại khoảng 80.000 tấn, Tổng cục DTNN đang chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Về xuất cấp hàng DTQG, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã xuất cấp hàng hóa tổng giá trị khoảng 1.317 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Tài chính xuất cấp các mặt hàng tổng trị giá 1.268 tỷ đồng (gồm 104.702 tấn gạo, trị giá khoảng 1.120 tỷ đồng và xuất cấp khoảng 148 tỷ đồng hàng vật tư, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp các mặt hàng trị giá khoảng 47 tỷ đồng, gồm 144,5 tấn hạt giống cây trồng; 100.000 liều vắc xin các loại... để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh, ổn định sản xuất. Bộ Y tế thu hồi 2.700.000 viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg, trị giá khoảng 2 tỷ đồng, để xuất cấp hỗ trợ cho các địa phương phòng, chống thiên tai dịch bệnh. Bộ Công an tạm xuất các mặt hàng trang thiết bị lĩnh vực an ninh trị giá 31 tỷ đồng, để đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nhìn chung, việc xuất cấp, sử dụng nguồn lực DTQG thời gian qua đã tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, việc sử dụng hàng DTQG đúng mục đích, đúng đối tượng đã làm tăng thêm niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thể hiện trên các mặt công tác.
Nỗ lực chặng "nước rút"
Để hoàn thành chỉ tiêu DTQG, trong tháng còn lại năm 2023, các bộ, ngành cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành hoạt động DTQG. Đồng thời, ngành Dự trữ cần trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có cơ sở bố trí, tăng cường nguồn lực DTQG bảo đảm chủ động đáp ứng nhanh các yêu cầu đột xuất, cấp bách xảy ra.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, ngành Dự trữ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan, trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp hàng DTQG, đồng thời nhanh chóng triển khai công tác xuất cấp, giao nhận hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Để việc xuất cấp, phân phối, sử dụng hàng DTQG phát huy hiệu quả đáp ứng mục tiêu của DTQG và các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép xuất cấp hàng DTQG; khẩn trương triển khai thực hiện công tác xuất cấp hàng trên cơ sở bảo đảm đúng pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả, xuất cấp đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.
Đồng thời, các bộ, ngành triển khai thực hiện văn bản của Thủ tướng Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng kế hoạch và dự toán NSNN năm 2024.
Hiện nay, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG cơ bản đã hoàn thành báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch DTQG năm 2023 và xây dựng kế hoạch DTQG năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2024-2026) gửi Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài các nhiệm vụ trên, các bộ, ngành cần bám sát mục tiêu, định hướng Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, các thông tin dự báo về tình hình kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh, an ninh quốc phòng của đất nước và dự toán được phân bổ.
Các đơn vị trong ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm quy chế làm việc bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với hoạt động DTQG.
Minh Đức - Thời báo Tài chính Việt Nam