Gạo dự trữ quốc gia sớm đến với học sinh trong năm học mới

(24/11/2023)

Chương trình gạo dự trữ gia hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2023-2024 được triển khai theo Nghị định 116 của Chính phủ, được các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực xuất cấp, vận chuyển, bàn giao đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Các địa phương, trong đó có tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận, quản lý, bảo quản, sử dụng gạo đúng quy trình, cấp phát đúng đối tượng.

 

Đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước kiểm tra bảo quản gạo

 tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Cán Tỷ.

 

Trên 66 nghìn học sinh tỉnh Hà Giang được hỗ trợ gạo

Trong những năm qua, công tác xét duyệt học sinh được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP (Nghị định 116) của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong học kỳ I, năm học 2023-2024, để thực hiện tốt công tác xét duyệt học sinh được hưởng chính sách đảm bảo đúng quy định, sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa văn bản của các cấp trong việc hướng dẫn công tác xét duyệt học sinh hưởng chính sách và tổ chức cấp phát gạo hỗ trợ học sinh theo Nghị định 116.

Nhiều địa phương sớm thực hiện xét duyệt số lượng học sinh được hưởng hỗ trợ, đồng thời rà soát lại số lượng đối tượng thụ hưởng, sớm ban hành các quyết định phân bổ số lượng gạo từ nguồn dữ trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ cho học sinh,… Hà Giang là tỉnh điển hình trong việc quan tâm tới các em học sinh được hưởng chế độ, theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, trong học kỳ I, năm học 2023-2024, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận đủ hơn 3.916 tấn gạo DTQG từ 2 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực (Vĩnh Phú và Hà Bắc) để hỗ trợ cho 66.060 học sinh. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quản lý hồ sơ, sổ sách, công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng gạo hỗ trợ học sinh.

Công tác tiếp nhận gạo giữa nhà trường và đơn vị vận chuyển được thực hiện đúng quy định. Các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị kho lưu giữ, bảo quản gạo theo đúng tiêu chí, yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, các trường xây dựng định mức gạo nấu ăn/bữa/ngày/học sinh và thực hiện thống nhất trong các ngày học sinh ăn của tháng.

 

 

Vừa qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tiến hành khảo sát thực tế tại 2 điểm trưởng có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ gạo DTQG, tại xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đó là, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Cán Tỷ và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Cán Tỷ, huyện Quản Bạ.

Qua kiểm tra thực tế, ông La Văn Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, cùng các thành viên trong đoàn công tác đều ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các huyện, huyện Quản Bạ, trong việc chỉ đạo thực hiện cấp gạo đảm bảo đúng, đủ chế độ tới từng đối tượng được thụ hưởng. Công tác tiếp nhận, bảo quản gạo được các trường thực hiện chu đáo, đúng yêu cầu. Chất lượng gạo khi sử dụng nấu ăn cho các em học sinh luôn được đảm bảo tiêu chuẩn.

Đảm bảo quy trình bảo quản gạo tại các trường

Theo ông Tạ Văn Kha - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Cán Tỷ cho biết, ngay sau khi tiếp nhận gạo từ đơn vị Dự trữ Nhà nước, nhà trường đã đưa gạo vào kho riêng, đảm bảo khô ráo, sạch, kín, được sắp xếp gọn gàng, dễ kiểm đếm, dễ lấy, thuận tiện cho việc sử dụng.

Quá trình bảo quản đảm bảo không để gạo tiếp xúc trực tiếp dưới nền đất để bảo đảm chất lượng, không bị suy giảm. Kho gạo thường xuyên được vệ sinh, kiểm tra chất lượng gạo. Nhà trường lập hồ sơ quản lý, theo dõi xuất gạo nấu ăn hàng ngày cho học sinh bán trú; sử dụng gạo đúng đối tượng và định mức quy định; bên cạnh đó, luôn có sự giám sát chặt chẽ của ban tiếp nhận gạo và ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, chính sách hỗ trợ gạo đã động viên khuyến khích học sinh đến trường. Các em học sinh đã có điều kiện học tập tốt hơn, đảm bảo duy trì sỹ số học sinh đến lớp, tỷ lệ chuyên cần cao. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao. Đồng thời, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giảm bớt được khó khăn, gánh nặng về kinh tế cho con em đi học, có điều kiện tập trung lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Để để duy trì chính sách trên, ông Nguyễn Thế Bình đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú; xem xét, ban hành quy trình rút gọn để cấp phát gạo hỗ trợ học sinh vào tháng đầu trong năm học; cấp gạo 1 năm 4 lần để vừa đảm bảo chế độ cho học sinh từ đầu năm học, vừa đảm bảo chất lượng gạo và học sinh có gạo ăn ngay khi học sinh đến trường; duy trì chính sách hỗ trợ đối với học sinh ở các xã đã được công nhận nông thôn mới theo tiến trình.

 

 

Nguồn: Đức Minh - Thời báo Tài chính Việt Nam