Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Đẩy nhanh thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia

(06/07/2023)

Nguyễn Quang Khải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch

 

Thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 31/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2023, thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động dự trữ quốc gia, để phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Cục DTNN khu vực Thanh Hóa tăng cường bảo quản lương thực dự trữ quốc gia

 

Tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao

Năm 2023, nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19; nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Trong bối cảnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã bám sát các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; tích cực triển khai thực hiện với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành đã chủ động phân bổ, giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán cho các đơn vị trực thuộc để có kế hoạch triển khai nhiệm vụ cụ thể.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng báo cáo Bộ Tài chính cho phép chuyển số dư dự toán chưa thực hiện của năm 2022 sang năm 2023, để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Dự trữ quốc gia.

Đối với kế hoạch dự trữ quốc gia ngay sau khi có Quyết định giao chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch và hướng dẫn các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực triển khai thực hiện. Đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua 220.000 tấn gạo và dự kiến hoàn thành nhập kho gạo dự trữ quốc gia chậm nhất đến ngày 15/10/2023.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao các cơ quan có liên quan đẩy mạnh triển khai thực hiện mua vật tư thiết bị đảm bảo hoàn thành công tác đấu thầu trong năm nay; yêu cầu các đơn vị thực hiện xuất bán lương thực theo kế hoạch được giao. Đối với dự toán chi nghiệp vụ dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giải ngân đạt khoảng 20% dự toán; số còn lại sẽ hoàn thành giải ngân trong năm 2023.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, trong những tháng đầu năm 2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện tốt công tác xuất cấp hàng dự trữ quốc gia. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6/2023, thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, ngành DTNN đã thực hiện xuất cấp 61.123 tấn gạo (gồm: Hỗ trợ Tết Nguyên đán 16.920 tấn gạo; hỗ trợ giáp hạt đầu năm 1.339 tấn gạo; hỗ trợ học sinh học kỳ 2 là 33.655 tấn gạo; hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023 là 19,62 tấn gạo; hỗ trợ dự án trồng rừng là 2.189 tấn; xuất viện trợ 5.000 tấn gạo cho Cuba).

Bên cạnh đó, ngành Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp vật tư thiết bị dự trữ quốc gia với trị giá khoảng 148 tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, gồm: Xuồng 30 bộ; Nhà bạt cứu sinh các loại 1.220 bộ; Phao cứu sinh các loại 159.730 chiếc; Thiết bị chữa cháy 147 bộ; Máy phát điện các loại 43 bộ; Thiết bị khoan cắt 23 bộ; Thiết bị tìm kiếm nạn nhân bằng hình ảnh và âm thanh 10 bộ.

Nhìn chung, việc xuất cấp các mặt hàng dự trữ quốc gia đã được các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, tổ chức thực xuất cấp nhanh chóng, kịp thời, góp phần hỗ trợ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội; qua đó, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành.

Một số khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai hoạt động dự trữ quốc gia, ngành Dự trữ Nhà nước đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Một là, Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 đến nay chưa được cấp có thẩm quyền ban hành, gây khó khăn trong bố trí nguồn lực, xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch 5 năm, 3 năm và hàng năm về dự trữ quốc gia.

Hai là, một số quy định của Luật Dự trữ quốc gia đến nay chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu...; do đó, trong thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang từng bước rà soát, đánh giá, tổng hợp nội dung để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ba là, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng dẫn đến các quy định của pháp luật về đăng kiểm, kiểm tra chất lượng hàng hóa (trong đó có hàng hóa dự trữ quốc gia) phải thay đổi. Do đó, việc xây dựng, rà soát, sửa đổi các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật, nhất là các mặt hàng có thời gian bảo quản dài ngày gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Bốn là, việc thực hiện kế hoạch hàng năm trong những năm qua và trong những tháng đầu năm 2023 còn chậm; công tác giải ngân kinh phí còn kéo dài dẫn đến chưa hoàn thành nhiệm vụ trong năm kế hoạch. Đặc biệt, năm 2023, thời điểm các bộ, ngành được giao kế hoạch dự trữ quốc gia là 31/3/2023 muộn hơn so với những năm trước (giao ngay từ đầu năm); các bộ, ngành hoàn thành công tác phân bổ kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia vào thời điểm tháng 4, 5/2023.

Năm là, việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Thời gian từ khi rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định và thực hiện các thủ tục để xuất hàng còn kéo dài.

Việc giao gạo, giống cây trồng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, bị chia cắt do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ còn chưa kịp thời.

Công tác phối hợp giữa các đơn vị có liên quan khi thực hiện xuất cấp còn hạn chế, nên chưa tối ưu hóa được hiệu quả sử dụng các nguồn lực dự trữ quốc gia trong thực hiện mục tiêu dự trữ quốc gia...

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ dự trữ quốc gia

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các đề án, cơ chế chính sách trình cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng tiến độ đề ra, nhất là Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch, dự toán chi dự trữ quốc gia năm 2023 và năm trước chuyển sang; kịp thời trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.

Thứ ba, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn mua bù các mặt hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp theo đúng quy định của Luật Dự trữ quốc gia, đảm bảo có đủ hàng hóa nhằm sẵn sàng, chủ động xuất cấp trong các tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra;

Thứ tư, hoàn thành việc xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia 3 năm (2024 - 2026) theo đúng tiến độ đề ra.

Thứ năm, khẩn trương thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương, để cứu trợ, hỗ trợ, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ và viện trợ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Tăng cường công tác quản lý, bảo quản, bảo vệ an toàn hàng dự trữ quốc gia các điểm kho của các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ để chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế và xử lý sai phạm theo quy định.

Thứ bảy, tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất, năng lực để thực hiện quản lý, quản trị đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.

 

Bài đăng trên Bản tin Dự trữ Nhà nước - Số 3/2023



Các tin đã đưa ngày: