Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Tạo nền tảng phát triển vững bền

(28/01/2021)

Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

Xuân đã về trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mùa Xuân 2021 ghi dấu ngành Dự trữ Nhà nước bước sang tuổi 65 (07/8/1956-07/8/2021) với những đóng góp quan trọng trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia và các nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao phó. Những kết quả đạt được trong chặng đường đã qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020 là nền tảng quan trọng để ngành Dự trữ Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025.

 

Tổng Cục trưởng Tổng cục DTNN Đỗ Việt Đức trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính

cho 5 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác DTQG từ năm 2018 đến năm 2019.

 

Vượt qua các thách thức, đạt những dấu mốc phát triển quan trọng

Năm 2020 khép lại với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến thuận lợi và khó khăn đan xen. Những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm đổi mới của đất nước đã góp phần mở rộng và tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức của nền kinh tế còn rất lớn, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều dẫn đến nhu cầu về nguồn lực dự trữ bảo đảm kịp thời khắc phục hậu quả của các tình huống đột xuất, cấp bách và để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng cao.

Trong khoảng thời gian này, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chuyển mình, trưởng thành và ghi những dấu ấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của ngành Tài chính cũng như quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cụ thể:

Một là, không ngừng xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách.

Trong giai đoạn 2016-2020, Tổng cục DTNN đã rà soát, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật; tạo hành lang pháp lý cơ bản đồng bộ, bao quát điều chỉnh đầy đủ các hoạt động quản lý, điều hành DTQG (DTQG). Cụ thể, Tổng cục DTNN đã tổng kết, đánh giá và xây dựng, trình cấp có thẩm quyền 3 đề án quan trọng mang tính chiến lược của ngành DTNN, đó là: (i) Đề án Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; (ii) Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (iii) Đề án quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN.

Tổng cục DTNN cũng đã tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Luật DTQG (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013), chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị những giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật DTQG đến năm 2025. Tổng cục DTNN cũng đã tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Luật DTQG (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013), chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị những giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật DTQG đến năm 2025.

Hệ thống văn bản cơ chế, chính sách quản lý nội ngành cũng được xây dựng, hoàn thiện theo hướng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành nội bộ hệ thống Tổng cục DTNN. Trong 5 năm qua, Tổng cục DTNN đã ban hành hoặc trình Bộ Tài chính ban hành khoảng 70 đề án cơ chế, chính sách quản lý nội ngành. Các chính sách, pháp luật DTQG được phổ biến và tổ chức thực thi kịp thời.

Hai là, tăng cường nguồn lực DTQG với cơ cấu hợp lý đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Trong 5 năm (2016-2020), ngành DTNN luôn được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hàng năm đều bố trí mức tăng ngân sách nhà nước (NSNN) cho DTQG bình quân chung khoảng 13%. Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch và dự toán được giao, các bộ, ngành đã tích cực triển khai giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Việc tổ chức mua hàng DTQG được thực hiện theo đúng các quy định của Luật DTQG, Luật Đấu thầu, Luật NSNN và các quy định đặc thù của các bộ, ngành (ngành quốc phòng, an ninh). Các danh mục mặt hàng đưa vào DTQG đều là những mặt hàng thiết yếu, quan trọng, các phương tiện, thiết bị chuyên dụng đặc chủng, hiện đại, công nghệ tiên tiến, bảo đảm yêu cầu kinh tế-kỹ thuật và phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu sử dụng hỗ trợ kịp thời trong các tình huống thiên tai, đột xuất cấp bách, dịch bệnh, phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng của Việt Nam.

Ba là, thực hiện nhiệm vụ nhập xuất đáp ứng kịp thời, sử dụng có hiệu quả nguồn lực DTQG.

Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho các bộ, ngành xuất cấp lượng hàng hóa trị giá khoảng 8.981 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, trong đó:

- Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) xuất cấp 7.091 tỷ đồng: (i) Lương thực 638.236 tấn gạo (hỗ trợ Tết Nguyên đán, giáp hạt 106.653 tấn; hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh 86.764 tấn; hỗ trợ học sinh 341.993 tấn; hỗ trợ dự án rừng 75.826 tấn; viện trợ nước ngoài 27.000 tấn), trị giá 6.100 tỷ đồng; (ii) Muối ăn 1.500 tấn, trị giá 4,2 tỷ đồng; (iii) Vật tư, thiết bị (xuồng, nhà bạt, phao áo, phao tròn, bè cứu sinh, máy bơm nước chữa cháy, trị giá 987 tỷ đồng.

- Các bộ, ngành xuất cấp 1.890 tỷ đồng: (i) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp hạt giống, vắc xin, thuốc sát trùng, hóa chất... trị giá 1.349,74 tỷ đồng; (ii) Bộ Y tế xuất cấp trang thiết bị y tế, thuốc y tế cho công tác khám chữa bệnh, trị giá 37,61 tỷ đồng; (iii) Bộ Quốc phòng xuất cấp trang thiết bị DTQG khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, trị giá 150,14 tỷ đồng; (iv) Bộ Công an xuất cấp danh mục mặt hàng chuyên ngành an ninh, trị giá 352,47 tỷ đồng.

- Các mặt hàng DTQG xuất cấp để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương bảo đảm số lượng, chất lượng; kịp thời theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của các đơn vị; góp phần giúp đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, phòng trừ dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, đảm bảo an ninh quốc phòng; khẳng định được vai trò, vị trí của ngành DTQG đối với công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc.

Bốn là, quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng hàng DTQG.

Công tác quản lý chất lượng và bảo quản hàng DTQG đã được các bộ, ngành quan tâm, tăng cường, hàng DTQG luôn được bảo quản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật và đảm bảo về số lượng và chất lượng. Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngày được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện với việc Tổng cục DTNN đã trình Bộ Tài chính xem xét, ký ban hành Thông tư số 78/2019/TT-BTC ngày 12/11/2019 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo DTQG (QCVN 06: 2019/BTC); Thông tư số 87/2020/TT-BTC ngày 30/10/2020 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc tẻ DTQG (QCVN 14: 2020/BTC); Trình Bộ ban hành văn bản hợp nhất số 30/VBHN-BTC ngày 09/7/2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xuồng (tàu) cao tốc DTQG...

Công tác kiểm tra, phúc tra các mặt hàng được thực hiện thường xuyên. Việc áp dụng  công nghệ mới trong bảo quản lương thực DTQG đã được triển khai với ưu điểm vượt trội như: Chất lượng lương thực xuất kho đảm bảo hơn, kéo dài được thời gian bảo quản, cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thân thiện môi trường và đặc biệt giảm đáng kể tỷ lệ hao hụt khi bảo quản thóc theo phương pháp bổ sung khí Ni tơ.

Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức DTQG đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn 2016-2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị là sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Sau khi Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW với mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…, từ năm 2016 đến năm 2018, Tổng cục DTNN tập trung vào thực hiện sắp xếp các Chi cục DTNN, cụ thể, đã giảm được 09 Chi cục DTNN thuộc các Cục DTNN (từ 98 còn 89), hoàn thành 100% kế hoạch theo Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021 được Bộ Tài chính phê duyệt. Cùng với việc giảm 09 Chi cục DTNN đã giảm 18 Bộ phận nghiệp vụ thuộc các Chi cục DTNN; đồng thời đã thực hiện các thủ tục thanh lý, chuyển giao địa phương để giảm 04 Kho dự trữ thuộc các Chi cục DTNN.

Năm 2019, Tổng cục DTNN đã trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN thuộc Bộ Tài chính. Thực hiện Quyết định này, Tổng cục DTNN đã đổi tên Thanh tra thành Vụ Thanh tra-Kiểm tra; đổi tên Cục Công nghệ thông tin thành Cục Công nghệ thông tin, thống kê và Kiểm định hàng dự trữ; giảm 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục là Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ DTNN; bỏ tổ chức phòng tại Vụ Tài vụ-Quản trị; tiếp tục thực hiện sắp xếp, giảm 07 Chi Cục DTNN trong giai đoạn 2020-2025 (từ 89 Chi cục DTNN xuống còn 82 Chi cục DTNN).

Về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, giai đoạn 2016-2020, để bổ sung, tạo nguồn cán bộ kế cận, hàng năm Tổng cục DTNN đã chủ động, rà soát trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo theo quy định; đào tạo bồi dưỡng rèn luyện cán bộ trong quy hoạch, có phương án cụ thể để bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ, đồng thời có kế hoạch tổ chức tuyển dụng công chức, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức hiệu quả.

Bên cạnh các nội dung trên, thời gian qua, Tổng cục DTNN đã đẩy mạnh công tác hiện đại hóa ngành, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý DTNN, triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin tại 03 cấp đơn vị trong toàn hệ thống. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực DTQG cũng được tăng cường. Bên cạnh việc giữ mối liên hệ với các nước trong khối ASEAN, Tổng cục DTNN còn mở rộng học tập kinh nghiệm về lĩnh vực DTQG của các nước có nền kinh tế phát triển, công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tổng cục DTNN cũng tiếp tục giúp Bộ Tài chính Lào thành lập các đơn vị DTNN theo mô hình như Việt Nam.

Nỗ lực không ngừng cho chặng đường phát triển mới

Những kết quả mà ngành DTNN đạt được trong giai đoạn 2016-2020 là một mốc son đáng nhớ, tô đậm thêm truyền thống 65 năm vẻ vang của ngành DTNN (trong đó có 20 năm ngành DTNN đã trưởng thành, lớn mạnh trong đại gia đình ngành Tài chính), là mốc son, tạo tâm thế hứng khởi để toàn Ngành bước sang 1 giai đoạn mới với những vận hội mới.

Giai đoạn 2021-2025, dự báo kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các quyết sách của Đảng và Nhà nước nhất là sau Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ giúp thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới ngày càng mạnh hơn. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến khó lường cùng với dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Những yếu tố nói trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của đất nước nói chung và việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính, của Tổng cục DTNN nói riêng.

Trong bối cảnh đó, phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, trong giai đoạn 2021-2025, nhằm xây dựng lực lượng DTNN có tiềm lực vững mạnh, đáp ứng mọi nhiệm vụ, yêu cầu cấp bách của Đảng, Nhà nước giao phó, Tổng cục DTNN tập trung thực hiện thắng lợi những nội dung sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật về hoạt động DTQG. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, thực hiện Luật DTQG; Xây dựng tiêu chuẩn đối với hệ thống kho DTQG theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế quản lý và huy động vốn cho DTQG…

Thứ hai, tăng cường lực lượng DTQG theo hướng: Tập trung vào những mặt hàng thiết yếu theo kế hoạch; phối hợp với các địa phương để chủ động bố trí nguồn lực dự trữ các mặt hàng chiến lược, quan trọng tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh; Huy động các nguồn lực hợp pháp từ ngân sách nhà nước để tăng cường tiềm lực DTQG...

Thứ ba, nghiên cứu công nghệ bảo quản tiên tiến để áp dụng vào bảo quản hàng DTQG; Tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật hàng DTQG.

Thứ tư, tiếp tục bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng kho DTQG theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quản lý hàng DTQG phê duyệt.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về DTQG; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hàng DTQG; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong lĩnh vực DTQG.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực DTQG, mở rộng hợp tác, quan hệ với các nước tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh các nội dung trên, trong giai đoạn 2021-2025, toàn ngành DTNN tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Với truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng, tin tưởng đội ngũ cán bộ ngành DTNN sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, cùng thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao, góp phần xây dựng ngành DTNN ngày càng phát triển bền vững.



Các tin đã đưa ngày: