Dự trữ quốc gia: Làm tốt vai trò 'tay hòm chìa khóa'

(06/01/2021)

Năm 2020, Việt Nam bị ảnh hưởng kép từ dịch bệnh và thiên tai bão lũ. Ngành Dự trữ Nhà nước đã làm tốt vai trò "tay hòm chìa khóa", sẵn sàng khi đất nước cần.

 

Ông Đỗ Việt Đức - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 

 

Sẵn sàng khi đất nước cần

Trận bão lũ lịch sử ở miền Trung tháng 10/2020 khiến người dân các tỉnh miền Trung gặp vô vàn khó khăn. Trong bối cảnh đó, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính và việc triển khai nhanh chóng của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) phối hợp với chính quyền các địa phương đã giúp miền Trung vượt qua gian nguy với 19.395,85 tấn gạo được xuất cấp từ kho dự trữ quốc gia (DTQG), trị giá khoảng 213 tỷ đồng. Những chiếc xuồng cứu hộ giải cứu người dân vùng thiên tai, mang hàng hóa hỗ trợ đến tận tay người dân vùng ngập nặng nhất, cũng là một phần trong số khoảng 1.615 tỷ đồng đã được Bộ Tài chính xuất cấp trong năm 2020, bao gồm 132.100 tấn gạo; xuồng cao tốc; máy bơm nước chữa cháy; máy phát điện; máy khoan cắt bê tông. Bộ Tài chính cũng xuất cấp 2.600 bộ nhà bạt các trị giá khoảng 36 tỷ đồng cho Bộ Quốc phòng để phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp các mặt hàng tổng trị giá khoảng 386 tỷ đồng gồm các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm; hóa chất sát trùng; 100 tấn hạt giống rau, 6.006 tấn hạt giống lúa, 714 hạt giống ngô.

Bộ Y tế xuất cấp 12 tấn Chloramin B, 16,7 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs để phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã xuất các mặt hàng như: xe tiêu tẩy; vật tư máy báo độc; vật tư máy đo phóng xạ hóa học; xe chuyên dùng đặc chủng phục vụ cứu hộ; xe cứu thương dã chiến... và nhiều mặt hàng chuyên dụng khác để phục vụ nhiệm vụ chính trị và phòng chống dịch Covid-19.

Tính chung cả năm, ngành DTNN xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để phòng chống thiên tai, dịch bệnh tổng giá trị khoảng 2.014,5 tỷ đồng. Năm 2020, Tổng cục DTNN hoàn thành 100% kế hoạch nhập 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc; thực hiện đấu thầu mua vật tư thiết bị và nhập kho theo hợp đồng đối với các chỉ tiêu các năm trước chuyển sang, bao gồm: bộ xuồng cao tốc, phao áo cứu sinh, máy bơm nước chữa cháy, nhà bạt nhẹ; máy phát điện...

Siết chặt công tác quản lý Nhà nước, minh bạch thông tin

Năm 2020, Tổng cục DTNN đã hoàn thành 1/5 số đề án được giao, các đề án còn lại đang triển khai theo tiến độ; trình cấp có thẩm quyền ban hành 05 đề án khác; phối hợp tích cực với các bộ, ngành trong công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG làm cơ sở cho công tác quản lý chất lượng. Tổng cục đang thực hiện thẩm tra 11 hồ sơ dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho 11 mặt hàng, nhóm hàng do Bộ Quốc phòng quản lý, tham gia ý kiến 02 dự thảo QCVN đối với nhóm hàng trang bị đo lường điện-điện tử và đo lường không điện DTQG do Bộ Quốc phòng soạn thảo.

Tổng cục DTNN giải ngân đạt 84% kế hoạch được giao. Các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia cơ bản hoàn thành việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức công tác đấu thầu, nhập hàng.

Tổng cục DTNN thành lập các Đoàn phúc tra chất lượng lương thực nhập kho trong năm 2020 tại các Cục DTNNKV. Về cơ bản, chất lượng lương thực nhập kho năm 2020 đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, Tổng cục đã thực hiện giám sát, kiểm tra chất lượng hàng vật tư dự trữ quốc gia theo kế hoạch nhập kho năm 2020.

Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, triệt để nên đã xử lý kịp thời những vấn đề tồn đọng. Thực hiện kết luận số 428/KLKT-TTr của Thanh tra Bộ Tài chính về việc chấp hành các quy định về đấu thầu và các quy định về quản lý Nhà nước đối với việc mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020, Tổng cục DTNN đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 07 Cục trưởng Cục DTNN khu vực; tạm đình chỉ công tác đối với 15 Chi cục trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng phụ trách các Chi cục DTNN; đồng thời ban hành công văn yêu cầu chấn chỉnh và rút kinh nghiệm qua công tác kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính; lắp đặt camera giám sát an ninh, bảo vệ tại các điểm kho DTQG.

 

Xuồng máy DTQG xuất cấp cho các tỉnh miền Trung

 

Chuẩn bị tốt mọi nguồn lực dự trữ

Mặc dù đã làm tốt vai trò "tay hòm chìa khóa", nhưng năm 2020 cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành DTNN. Trong đó đáng quan tâm nhất là tổng mức tồn kho dự trữ quốc gia ngày càng giảm nên việc chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh còn hạn chế, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, phức tạp, khó lường. Dự toán chi thường xuyên được Bộ Tài chính giao năm 2020 chưa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG theo định mức. Việc xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương, cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn nhiều khó khăn, do vậy công tác xây dựng kế hoạch, dự báo tình hình thực hiện khá bị động, nhu cầu xuất cấp chủ yếu tập trung vào một số vùng trọng điểm. Giá lương thực và các mặt hàng DTQG khác biến động theo chiều hướng tăng gây khó khăn cho công tác nhập hàng dự trữ.

 

Xe chở lương thực cứu trợ

 

Năm 2021, ngành DTNN xác định tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch. Hướng dẫn và giải quyết kịp thời về giá, vốn, chi phí cho các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhập hàng kế hoạch được giao. Chuẩn bị tốt mọi nguồn lực DTQG; chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn tăng cường lực lượng DTQG, nhất là việc mua bù các mặt hàng DTQG đã xuất cấp theo quy định của Luật DTQG./.

Nguồn: Báo Tiếng nói Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: