Ngành Dự trữ Nhà nước: 63 năm lớn mạnh, đồng hành với sự phát triển của đất nước

(28/08/2019)

Là lĩnh vực kinh tế đặc thù, trải qua 63 năm xây dựng và phát triển với rất nhiều biến đổi về tổ chức, khi phân tán, lúc tập trung, đến nay, Dự trữ Nhà nước đã trở thành ngành có hệ thống tổ chức vững mạnh. Trong chặng đường vẻ vang đó, ngành Dự trữ Nhà nước luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử và yêu cầu hội nhập của đất nước.

 

Tập thể lãnh đạo và cán bộ Tổng cục DTNN chụp ảnh lưu niệm

cùng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (năm 2016)

 

Nhìn lại chặng đường 63 năm đầy vẻ vang

Ngày 7/8/1956 được lấy là ngày Truyền thống ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) nhưng trên thực tế hoạt động DTNN đã có từ trước đó. Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng và Chính phủ đã quan tâm ngay đến công tác dự trữ. Tháng 11/1946, cùng với cuộc vận động tăng gia sản xuất và tiết kiệm, Bác Hồ đã giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Uỷ viên Trung ương Đảng và đồng chí Lê Văn Hiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lo tổ chức dự trữ lương thực, muối ăn, quân trang, quân dụng chuẩn bị cho kháng chiến trường kỳ của dân tộc cho đến ngày thắng lợi. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1956, DTNN được Đảng, Chính phủ quan tâm nên có quy mô phát triển, cùng với vai trò quan trọng của công tác dự trữ nên Quốc hội, Chính phủ đã quyết định thành lập Cục Quản lý dự trữ vật tư nhà nước - cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ quản lý về DTNN.

Những năm đầu thành lập, yêu cầu nhiệm vụ của ngành DTNN là phục vụ đồng thời 2 nhiệm vụ cách mạng: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thời điểm này, đế quốc Mỹ chưa leo thang đánh phá miền Bắc nên mô hình tổ chức quản lý theo hướng tập trung một đầu mối, giao cho một cơ quan chuyên trách (Cục Quản lý dự trữ vật tư nhà nước, sau được nâng lên thành Tổng cục) giúp Chính phủ thống nhất quản lý với hệ thống kho tàng phân bố theo từng khu vực kéo dài tới Quảng Bình. Tuy nhiên, bước sang năm 1965, đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá miền Bắc nên tổ chức quản lý DTNN phải thay đổi theo hướng phân tán, giao cho các bộ ngành nhằm tạo ra sự chủ động, tránh đánh phá của kẻ địch, bảo đảm kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau khi thống nhất đất nước, nhằm bảo đảm cho nhiệm vụ vừa xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, mô hình tổ chức quản lý DTNN thay đổi theo hướng chuyển nhiệm vụ DTNN từ các bộ, ngành giao cho Cục Quản lý Dự trữ vật tư nhà nước - Cơ quan thuộc Chính phủ thống nhất quản lý. Việc thay đổi mô hình tổ chức quản lý dự trữ đã tạo ra nguồn lực đủ mạnh và quản lý tập trung có hiệu lực, hiệu quả nên DTNN thời kỳ này đã góp phần tích cực, quan trọng trong việc vừa bảo đảm đời sống cho nhân dân sau chiến tranh, phát triển đất nước vừa xuất cấp, kịp thời góp phần thắng lợi hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc.

Sau Đổi mới (năm 1986), nhiệm vụ của DTNN bên cạnh việc tiếp tục bảo đảm an ninh, quốc phòng thì phục vụ sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên. Việc quản lý DTNN theo mô hình cũ không còn phù hợp. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, năm 2000, Cục Dự trữ quốc gia chuyển về trực thuộc Bộ Tài chính và nay được nâng lên thành Tổng cục DTNN. Theo đó, tổ chức bộ máy quản lý dự trữ được thay đổi, gồm có cơ quan chuyên trách về dự trữ là Tổng cục DTNN, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về DTNN đồng thời trực tiếp quản lý một số mặt hàng chiến lược thiết yếu. Ngoài cơ quan chuyên trách, tham gia quản lý DTNN còn có 8 bộ, ngành trực tiếp quản lý các mặt hàng chuyên dụng. Việc đổi mới mô hình quản lý dự trữ như hiện nay đã bảo đảm cho hoạt động DTNN vận hành phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN. Với mô hình quản lý vừa bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất vừa bảo đảm sự linh động, thích ứng, kịp thời như hiện nay, DTNN đã phát huy được vai trò quan trọng không chỉ bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu dự trữ quốc gia mà còn là công cụ tài chính của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong quá trình điều hành, phát triển bền vững của đất nước.

Những bài học kinh nghiệm trong tổ chức quản lý

Nhìn lại lịch sử 63 năm hình thành, phát triển có thể thấy, ngành DTNN ra đời ngay từ những ngày đầu thành lập nước, trong những thời điểm khó khăn nhất và cùng đồng hành với cả dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng thống nhất nước nhà, thực hiện đổi mới, xây dựng nước ta ngày càng phát triển. Vai trò của DTNN đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc tặng thưởng 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 01 Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác dự trữ.

Khi nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển của dự trữ nước ta, xét về mặt tổ chức quản lý có thể rút ra những kinh nghiệm sau đây:

Một là, trong hoàn cảnh nào cũng cần phải xây dựng cho được nguồn lực dự trữ kể cả trong điều kiện còn khó khăn thiếu thốn.

Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn của những ngày đầu thành lập nước, Đảng, Chính phủ vẫn quyết tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng dự trữ, nhờ đó đã tạo nên nguồn lực quan trọng bảo đảm cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp của dân tộc đến ngày thắng lợi. Điều đó cho thấy, trong hoàn cảnh nào cũng cần phải xây dựng cho được nguồn lực dự trữ, kể cả trong điều kiện còn khó khăn thiếu thốn, nhằm đảm bảo giải quyết những nhiệm vụ, đột xuất, cấp bách trong mọi tình huống.

Hai là, quá trình vận động, phát triển của DTNN luôn phải thay đổi phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ đặt ra cho từng thời kỳ. 

Ở từng thời điểm, giai đoạn khác nhau, sự nghiệp cách mạng của đất nước sẽ có những nhiệm vụ khác nhau, cách thức tổ chức thực hiện khác nhau do đó mục tiêu, nhiệm vụ, cách tổ chức của dự trữ cũng phải thay đổi. Yêu cầu này đòi hỏi khi thiết lập mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cho dự trữ luôn phải bám sát nhiệm vụ, mục tiêu của từng thời kỳ, phù hợp với cơ chế quản lý chung và tình hình thực tiễn.

Ba là, DTNN luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngành DTNN nước ta trước đây cũng như hiện nay được tổ chức ở cấp Trung ương, không hình thành dự trữ ở các cấp địa phương đã cho thấy tổ chức quản lý dự trữ được triển khai tập trung, thống nhất ở Trung ương, không phân cấp cho địa phương.

Ở Trung ương, dự trữ đặt dưới sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong lịch sử 63 năm hình thành phát triển của DTNN đã nhiều lần thay đổi cách thức tổ chức quản lý, quản lý tập trung hoặc chia tách phân tán nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ, nhưng với mô hình tổ chức quản lý nào cũng luôn chịu sự quản lý tập trung, thống nhất.

Đây là một nguyên tắc và là nhân tố quan trọng bảo đảm phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực DTNN vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong việc hình thành, quản lý, sử dụng nguồn lực DTNN. Với điều kiện khó khăn, quy mô dự trữ còn nhỏ, việc DTNN luôn đặt dưới sự quản lý tập trung, thống nhất đã bảo đảm nguồn lực dự trữ được tập trung đủ mạnh để giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ đột xuất cấp bách.

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quản lý, điều hành, DTNN sẽ được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Hiện nay, DTNN tiếp tục đặt dưới sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trở thành nguyên tắc trong tổ chức, được quy định tại Điều 55 - Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 và cụ thể hóa trong Luật Dự trữ quốc gia (Điều 8).

Với bề dày lịch sử 63 năm hình thành, phát triển, DTNN đã khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ tổ quốc ngày nay, là tiền đề quan trọng để DTNN tự tin, phấn đấu tiếp tục phát triển.

63 năm hình thành, phát triển đang là bài học kinh nghiệm để DTNN hôm nay lựa chọn, xây dựng mô hình tổ chức quản lý phù hợp, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách dự trữ quốc gia, bảo đảm hoạt động dự trữ quốc gia vận hành phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng trong sự nghiệp Tài chính Việt Nam và công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Lê Văn Dương - Chánh Văn phòng Tổng cục DTNN