Ðỗ Việt Ðức - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước
Luật Dự trữ quốc gia được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 20/11/2012 (Quốc hội khoá XIII) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Sau 6 năm triển khai thực hiện, Luật Dự trữ quốc gia đã phát huy vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, trong thực tiễn triển khai Luật Dự trữ quốc gia cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Đồng chí Ðỗ Việt Ðức - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước
Phát huy vai trò, bảo đảm mục tiêu dự trữ quốc gia
Qua 6 năm triển khai, Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành đã tạo lang pháp lý cơ bản đồng bộ, bao quát, điều chỉnh đầy đủ các hoạt động quản lý, điều hành dự trữ quốc gia; thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia; tăng cường trách nhiệm trong quá trình hình thành, quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia. Qua đó, phát huy vai trò bảo đảm mục tiêu của dự trữ quốc gia, chủ động đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của đất nước, thể hiện ở những kết quả nổi bật sau:
Thứ nhất, tổng mức dự trữ quốc gia và giá trị hàng dự trữ quốc gia xuất cấp có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trước khi có Luật; Danh mục và cơ cấu hàng dự trữ quốc gia từng bước được chuyển đổi phù hợp với mục tiêu dự trữ quốc gia.
Luật Dự trữ quốc gia đã cụ thể hóa quy định mục tiêu dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ an ninh, quốc phòng, góp phần đảm bảo ổn định sản xuất, đời sống người dân. Trong 6 năm thực hiện Luật, tổng mức dự trữ quốc gia đã tăng trưởng mạnh về giá trị tuyệt đối so với giai đoạn 6 năm liền kề trước khi có Luật; Riêng năm 2019, tổng mức dự trữ quốc gia tăng 20,6% so với cuối năm 2012.
Từ năm 2013 đến nay, khi các địa phương có đề nghị xuất cấp hàng dự trữ quốc gia phù hơp theo mục tiêu dự trữ quốc gia đều được đáp ứng. Giá trị hàng dự trữ quốc gia xuất cấp theo mục tiêu dự trữ quốc gia tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2018 tăng khoảng 38,5% so với năm 2013; cả giai đoạn 2013-2018 đạt 9,96 nghìn tỷ đồng, tăng 108% so với giai đoạn 2007-2012.
Thứ hai, ngân sách cho dự trữ quốc gia được ưu tiên bố trí và cho phép chuyển nguồn; quản lý chi phí nghiệp vụ ngày càng chặt chẽ; Cơ chế khuyến khích xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) cho hoạt động dự trữ quốc gia đã được luật hóa và từng bước triển khai thực hiện, góp phần giảm gánh nặng cho NSNN.
Luật Dự trữ quốc gia quy định chi dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của Luật NSNN; Đồng thời, Luật cũng quy định, đối với dự toán mua hàng dự trữ quốc gia năm kế hoạch chưa sử dụng hết được xem xét quyết định chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện. Luật NSNN năm 2015 cũng đã tách riêng chi dự trữ quốc gia thành một nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương (không gộp chung với chi đầu tư phát triển như trước đây).
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 145/2013/TT-BTC và Thông tư số 131/2018/TT-BTC hướng dẫn cơ chế cấp phát, quản lý vốn mua hàng dự trữ quốc gia, kinh phí bán hàng dự trữ quốc gia. Theo đó, phí nghiệp vụ dự trữ quốc gia (phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia) được thực hiện chế độ khoán trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật vừa đảm bảo chặt chẽ, vừa đảm bảo tính hiệu quả, linh hoạt cho đơn vị dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, Luật Dự trữ quốc gia đã quy định chính sách huy động nguồn lực hợp pháp ngoài NSNN và khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng các điều kiện về kho tàng và công nghệ bảo quản được các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia ký hợp đồng thuê bảo quản. Đến nay, cơ chế thuê tổ chức, doanh nghiệp bảo quản hàng dự trữ quốc gia đã được triển khai đối với các nhóm hàng do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, góp phần giảm gánh nặng cho NSNN trong việc đầu tư xây dựng hệ thống kho và công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Thứ ba, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức đã được quy định rõ ràng, minh bạch, góp phần cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia.
Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quản lý, điều hành dự trữ quốc gia. Những quy định này đã đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo, tăng cường phân cấp trong nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia, phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm trong quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia.
Thực hiện Luật Dự trữ quốc gia, Chính phủ đã quy định cụ thể tổ chức bộ máy quản lý hoạt động dự trữ quốc gia trên cơ sở kế thừa quy định trước đó về phân công các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, đồng thời quy định rõ hơn vai trò quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia. Theo đó, tổ chức bộ máy quản lý hoạt động dự trữ quốc gia gồm 9 bộ, ngành: Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bộ Y tế; Bộ Giao thông Vận tải; Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.
Đáng chú ý, Luật Dự trữ quốc gia quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách là Tổng cục DTNN trực thuộc Bộ Tài chính được tổ chức theo hệ thống dọc, gồm cơ quan ở trung ương và các đơn vị ở địa phương theo khu vực. Tổng cục DTNN vừa có nhiệm vụ tham mưu Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia, vừa có trực tiếp quản lý các mặt hàng dự trữ quốc gia được Chính phủ phân công cho Bộ Tài chính quản lý.
Thực tiễn quá trình triển khai cho thấy, tổ chức bộ máy quản lý dự trữ quốc gia theo quy định tại Luật Dự trữ quốc gia là phù hợp với chủ trương cải cách tổ chức bộ máy, bảo đảm có đầu mối cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách giúp Bộ Tài chính và Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia, đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý đặc thù đối với từng mặt hàng, nhóm mặt hàng dự trữ quốc gia.
Thứ tư, Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản dưới luật đã phát huy hiệu quả, hiệu lực, tác động tích cực đến quá trình hình thành, quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia ngày càng hợp lý, chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả. Điều này thể hiện qua các mặt công tác sau:
- Về công tác kế hoạch: Luật dự trữ quốc gia quy định kế hoạch dự trữ quốc gia được xây dựng 5 năm, hàng năm và được tổng hợp chung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch dự trữ quốc gia phải phù hợp với chiến lược dự trữ quốc gia; mục tiêu dự trữ quốc gia; khả năng cân đối của NSNN và dự báo tình hình kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Hàng dự trữ quốc gia đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng dự trữ quốc gia cho các tình huống đột xuất, cấp bách do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ an ninh, quốc phòng cả về số lượng, chủng loại và chất lượng.
- Về công tác mua, bán hàng dự trữ quốc gia: Thực tế công tác mua, bán hàng dự trữ quốc gia thời gian qua luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch; số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu cung cấp hàng dự trữ quốc gia ngày càng tăng, giá mua nhiều mặt hàng dự trữ quốc gia giảm so với thời kỳ trước do tăng cường cạnh tranh, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí từ NSNN chi cho dự trữ quốc gia.
- Về công tác nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia: Từ năm 2013 đến nay, công tác nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia đã đi vào nề nếp, bảo đảm đúng nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình nhập, xuất theo quy định tại Luật Dự trữ quốc gia. Hàng dự trữ quốc gia nhập kho được kiểm soát chặt chẽ về số lượng, chất lượng và thời gian; Hàng xuất kho bảo đảm kịp thời, đúng mục đích, đúng định mức, đúng đối tượng, góp phần quản lý chặt chẽ nguồn lực dự trữ quốc gia.
- Về công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia: Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã phối hợp tích cực, hiệu quả với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng và ban hành nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia.
Theo đó, từ năm 2013 đến nay, công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia đã chuyển biến tích cực và đi vào nề nếp, thực hiện theo đúng quy chuẩn kỹ thuật từ khâu nhập hàng, khâu bảo quản hàng và kiểm tra chất lượng hàng trước khi xuất hàng. Công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia từng bước đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm của từng loại hàng dự trữ quốc gia.
- Về công tác sử dụng hàng dự trữ quốc gia: Trong giai đoạn vừa qua, việc xuất cấp, sử dụng hàng dự trữ quốc gia luôn đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, đúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, phục vụ an ninh, quốc phòng.
Thứ năm, hệ thống kho dự trữ quốc gia từng bước được đầu tư, xây dựng, nâng cấp phù hợp với khả năng của NSNN và định hướng phát triển của quy hoạch kho, chiến lược phát triển dự trữ quốc gia.
Thực tế, từ năm 2013 đến nay, mặc dù vốn đầu tư, nâng cấp hệ thống kho dự trữ quốc gia đạt mức thấp, do khả năng ngân sách còn khó khăn nhưng hệ thống kho dự trữ quốc gia đã được sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với định hướng phát triển theo quy hoạch kho và phù hợp với khả năng chi trả của NSNN; Tích lượng kho dự trữ quốc gia đã tăng lên đáng kể so với thời kỳ trước khi có Luật Dự trữ quốc gia. Chỉ tính riêng tích lượng kho dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý hiện đã đạt trên 803.500 tấn vào năm 2018, tăng 30% so với năm 2012.
Một số tồn tại và giải pháp khắc phục
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được trên, thực tiễn triển khai Luật Dự trữ quốc gia đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Tổng mức dự trữ quốc gia đạt thấp so với mục tiêu chiến lược đề ra; vốn đầu tư phát triển hệ thống kho dự trữ quốc gia còn thấp so với nhu cầu; danh mục, cơ cấu hàng dự trữ quốc gia vẫn còn một vài mặt hàng không phù hợp, thiếu đồng bộ; hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế, kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia; tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia chưa hoàn thiện...
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Đảng về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, đánh giá, tổng hợp những bất cập, hạn chế của Luật Dự trữ quốc gia để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn tới. Mặc dù, một số bất cập, hạn chế của Luật Dự trữ quốc gia không lớn, không cản trở đến hoạt động dự trữ quốc gia và có thể khắc phục được trong quá trình tổ chức, thực hiện công tác quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, tổng hợp những tồn tại, hạn chế của Luật Dự trữ quốc gia để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Dự trữ quốc gia cho giai đoạn tới.
Hai là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia phù hợp với mục tiêu, tiêu chí hàng dự trữ quốc gia quy định tại Luật và đồng bộ với quy định về các mặt hàng cần dự trữ quốc gia đã quy định tại Luật Phòng chống thiên tai, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược… Điều chỉnh phân công quản lý nhóm hàng dự trữ quốc gia cho phù hợp; đồng thời, cụ thể hóa thêm chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia theo hướng có chế độ ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho dự trữ quốc gia, nghiên cứu phát triển khoa học – công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin về dự trữ quốc gia...
Ba là, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia. Phấn đấu chậm nhất đến năm 2030, bảo đảm tất cả các mặt hàng dự trữ quốc gia được quản lý có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia, tiếp tục hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật làm căn cứ pháp lý cho quản lý phí nhập, xuất, bảo quản và hao hụt hàng dự trữ quốc gia.
Bốn là, xây dựng quy định tiêu chuẩn kho phù hợp với từng nhóm hàng dự trữ quốc gia. Tiêu chuẩn kho gồm tiêu chuẩn về xây dựng và tiêu chuẩn về kỹ thuật, công nghệ bảo quản; các tiêu chuẩn này nên phân chia thành nhóm tiêu chuẩn bắt buộc thực hiện và nhóm tiêu chuẩn định hướng, hướng dẫn. Riêng đối với kho của Tổng cục DTNN quản lý, xây dựng các quy định tiêu chuẩn kho tương ứng với 04 nhóm hàng dự trữ quốc gia được phân công quản lý (nhóm hàng lương thực; muối ăn dự trữ quốc gia; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn và vật tư thông dụng động viên công nghiệp). Trước mắt, ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn kho lương thực, vì đây là mặt hàng chủ yếu của Tổng cục DTNN đang quản lý; mặt khác chất lượng và thời gian lưu kho đối với lương thực phụ thuộc rất nhiều vào tiêu chuẩn kho chứa.
Năm là: Tập trung nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển Dự trữ quốc gia đến năm 2030 định hướng 2040 và quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ để thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Sáu là, tham mưu bố trí tăng NSNN cho dự trữ quốc gia. Ngoài nguồn ngân sách trung ương, có thể nghiên cứu mở rộng thêm đối với các nguồn vốn hợp pháp khác để mua tăng các mặt hàng dự trữ quốc gia đã có trong danh mục và có nhu cầu nhưng chưa dự trữ trong kho. Kịp thời giải quyết tạm ứng vốn ngân sách, bảo đảm nguồn lực dự trữ quốc gia luôn sẵn sàng, chủ động đáp ứng mọi nhiệm vụ cấp bách và thực hiện mục tiêu chiến lược về mức dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt 0,8-1% GDP; đến năm 2035 đạt 1,5% GDP; đến năm 2045 đạt 2% GDP theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Đảng đã đề ra.