“Mặc dù đường sá xa, cách trở nhưng cán bộ công chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã không quản ngại gian khó, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao là hỗ trợ gạo cho các em học sinh nghèo ở những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn một cách tốt nhất với mong muốn được chung tay góp sức để thực hiên sự nghiệp giáo dục của đất nước”, Tiến sỹ Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã chia sẻ như thế với chúng tôi trước thềm năm học mới.
PV: Thưa Tổng cục trưởng, đây đã là mùa thứ ba những hạt gạo dẻo thơm của Đảng, Chính phủ theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg (QĐ36) ngày 18/6/2013 được xuất cấp đến từng trường, từng lớp để tiếp tục vun trồng bao ước mơ tuổi thơ. Xin Tổng cục trưởng đánh giá về những kết quả đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ này?
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là một chủ trương, chính sách đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các em học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng thời nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay chăm lo sự nghiệp giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho thế hệ tương lai của đất nước. Cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhân dân các cấp đều hưởng ứng và chung tay góp sức để thực hiên sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp “trồng người”.
Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) xác định việc thực hiện tốt QĐ 36 của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011-2020, Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 BCH TƯ khóa XI về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...” và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận nói trên.
QĐ36 của Thủ tướng Chính phủ đang được Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, chu đáo. Hàng chục vạn học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước sẽ được Chính phủ hỗ trợ gạo 15kg gạo/ tháng/ học sinh khi bước vào năn học mới 2015 – 2016 để tung tăng cắp sách tới trường. Nhiều học sinh nghèo, không phải bỏ học để phụ giúp bố mẹ. Các bậc phụ huynh cũng vơi đi được phần nào khó khăn trong cuộc sống khi con cái họ được Chính phủ hỗ trợ gạo để đến trường học hành, mai này về xây dựng quê hương. Những thầy, cô công tác ở vùng sâu, vùng xa cũng mừng vui vì chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ không chỉ “giữ chân” học sinh gắn bó với trường, lớp mà còn là động lực để các em học sinh phấn đấu học tập.
Qua 2 năm thực hiệnChính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chú trọng đến công tác rà soát đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo, từ đó đã hạn chế sai sót, điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng gạo hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xuất cấp, giao nhận gạo cho học sinh tại địa phương. Công tác tiếp nhận gạo, được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành liên quan chuẩn bị kho tàng, phương tiện vận chuyển để tổ chức tiếp nhận gạo, cấp phát cho học sinh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng quy định.
Các trường nội trú, bán trú đã sử dụng gạo được hỗ trợ để tổ chức nấu ăn tập trung cho các em học sinh; nhà trường trực tiếp quản lý gạo hỗ trợ, có sự tham gia giám sát của chính quyền, đoàn thể xã, bản, cha mẹ học sinh, thông qua đó quản lý chặt chẽ số gạo được cấp phát, sử dụng đúng mục đích. Với các trường không tổ chức nấu ăn cho các em thì các thầy cô đã tích cực tham gia tiếp nhận, phân bổ gạo, phối hợp với phụ huynh học sinh để đưa gạo về tận nhà cho các em, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình các em mùa giáp hạt, không phải ăn ngô, ăn sắn…
PV: Thưa Tổng cục trưởng, để hàng trăm nghìn tấn gạo Dự trữ quốc gia đến kịp thời được với học sinh, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã nỗ lực rất lớn. Xin Tổng cục trưởng một vài chia sẻ về công tác hỗ trợ gạo để chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016 này?
Hỗ trợ gạo cho học sinh tỉnh Điện Biên
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Để hàng trăm nghìn tấn gạo Dự trữ quốc gia đến kịp thời được với học sinh thì hai năm qua, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã nỗ lực rất nhiều trong việc triển khai nhiệm vụ mới này. Ngay sau mỗi năm học, Tổng cục DTNN đã có tổng kết và báo cáo với Bộ Tài chính chuẩn bị nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016, ngay từ đầu tháng 6/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN triển khai xuất hơn 14.000 tấn gạo tạm ứng 2 tháng học kỳ I năm học 2015-2016 cho các em học sinh của 39 tỉnh, thành phố theo phương châm “gạo chờ học sinh”. Tính đến những ngày cuối tháng 8/2015, một số địa phương (Kon Tum; Gia Lai; Sơn La; Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu và Long An ) đã tiếp nhận trên 3.000 tấn gạo để chuẩn bị đón các em vào năm học mới. Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào báo cáo số lượng học sinh thực tế nhập học học kỳ I năm học 2015-2016 xuất cấp gạo của những tháng còn lại của học kỳ 1 để hỗ trợ cho các em học sinh.
Tổng cục DTNN đã yêu cầu các Cục DTNN khu vực chuẩn bị sẵn sàng nguồn gạo, phương án thuê vận chuyển để kịp thời tổ chức triển khai cấp phát tối đa là 2 lần/ học kỳ (4 lần/ năm học) cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương; chủ động phối hợp với Sở Giáo dục & đào tạo, Sở Tài chính để rà soát, xác định chính xác đối tượng học sinh được hỗ trợ để tham mưu lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Niềm vui tựu trường của những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn năm học mới này được dệt thêm khi các em tiếp tục được nhận gạo Dự trữ quốc gia.
PV: Thưa Tổng cục trưởng, trong quá trình triển khai chắc hẳn cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc?
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hỗ trợ gạo cho học sinh cũng gặp không ít những khó khăn. Thứ nhất, về công tác rà soát đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ gạo, một số địa phương còn triển khai chậm; việc rà soát số liệu chưa chính xác dẫn đến số liệu phải điều chỉnh nhiều lần, hoặc có địa phương rà soát thiếu đối tượng thụ hưởng gạo nên phải bố sung cấp gạo cho cả học kỳ I, II của năm học 2014-2015.
Đoàn xe chở gạo hỗ trợ học sinh tỉnh Lào Cai
Do điều kiện cơ sở vật chất của một số trường còn hạn hẹp nên nhà trường sử dụng các lớp học, phòng học, làm lán che… để làm nơi chứa gạo nên ảnh hưởng đến chất lượng gạo hỗ trợ cho học sinh
Việc vận chuyển, giao nhận gạo hỗ trợ cho học sinh chủ yếu thuộc các huyện nghèo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi (Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), khoảng cách các huyện xa, hệ thống giao thông không thuận lợi, đường xá đi lại khó khăn nhiều nơi phải sang tải để vận chuyển, do vậy công tác vận chuyển, giao nhận gạo gặp rất nhiều khó khăn nhât là trong điều kiện mùa mưa, lũ.
Công tác kiểm tra giám sát quá trình tiếp nhận, phân phối sử dụng gạo đến đối tượng thụ hưởng chưa được quyết liệt, quá trình đi kiểm tra chỉ là kiểm tra điểm, thực tế tại một số địa bàn nên chỉ có thể phát hiện kịp thời những sai phạm ở nơi đi kiểm tra, giám sát, công tác kiểm tra việc xuất cấp gạo đến các em học sinh chủ yếu giao nhiệm vụ cho các Phòng giáo dục huyện, các trường thực hiện và giám sát.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cấp cho công tác vận chuyển, mua bù số lượng gạo đã xuất cấp cho các địa phương còn chưa kịp thời, khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục DTNN.
PV: Để việc tổ chức thực hiện cấp phát gạo trong thời gian tới, đặc biệt trong năm học mới được thuận lợi và đạt được kết quả tốt hơn, cần có những giải pháp gì thưa Tổng cục trưởng?
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Chính sách hỗ trợ gạo cho các em học sinh nghèo đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ tới sự nghiệp phát triển giáo dục, giúp các em yên tâm học tập, không bỏ trường, bỏ lớp; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần sau khi có chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Một số tỉnh đề nghị tích hợp Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg với các chính sách hỗ trợ bằng tiền đã ban hành như Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg để giảm bớt các thủ tục hành chính, tránh việc rà soát thiếu, nhầm đối tượng thụ hưởng hỗ trợ theo quy định như tỉnh Bắc Giang, Sơn La.
Về vấn đề này, trước mắt trong năm học 2015-2016, Tổng cục DTNN vẫn đề nghị Bộ Tài chính thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg. Trên cơ sở ề nghị của các địa phương về đối tượng thụ hưởng chính sách, Tổng cục DTNN sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành có liên quan trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo theo quy định tại Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg (nếu cần) và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cấp gạo cho học sinh nhằm bảo đảm nguyên tắc hướng dẫn cấp gạo dự trữ quốc gia đồng bộ với chính sách hỗ trợ mới ban hành.
Có ý kiến đề nghị chuyển từ loại bao 50kg/bao xuống còn 30kg/bao; 24kg/bao để tiện bốc dỡ, cấp phát cho học sinh. Việc này, Bộ Tài chính cho phép thí điểm đóng 15 kg/bao để xuất cấp cho học sinh tỉnh Điện Biện trong học kỳ II năm học 2013-2014, tuy nhiên qua thực hiện cho thấy không phải nơi nào cũng cần sang bao nhỏ, việc tổ chức sang bao, đóng gói sẽ phát sinh thêm chi phí (mua bao, đóng gói...). Trong năm học 2015-2016, căn cứ đề nghị của các địa phương và điều kiện thực tiễn, Tổng cục DTNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính phương án cụ thể.
Về kinh phí tổ chức triển khai thực hiện ( kinh phí vận chuyển, mua bù số lượng gạo đã xuất cấp) còn chưa kịp thời, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục DTNN. Tổng cục DTNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính bổ sung dự toán để triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo đúng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính