59 năm qua (07/8/1956-07/08/2015), nhiệm vụ “tích cốc - phòng cơ” của ngành Dự trữ quốc gia (DTQG) ngày càng được củng cố và phát triển. Đó là thành quả của sự tận tâm, tận lực mà lớp lớp thế hệ cán bộ ngành DTQG đã vượt qua mọi gian khó trong cả thời chiến lẫn thời bình để luôn đáp ứng mọi yêu cầu của tình hình mới và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó.
Tổng cục DTNN phối hợp với Bộ Tư lệnh cảnh sát biển tổ chức lễ bàn giao 04 bộ
xuồng cao tốc dự trữ quốc gia DT4 (ST-1200CN) để trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển
thực hiện nhiệm vụ năm 2014
Quyết tâm thời chiến
Nghị quyết của Quốc hội khóa I, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được đưa ra tại cuộc họp vào tháng 9/1955 là: “Phải xây dựng được một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra”. Ngày 7/8/1956, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước, trực thuộc Thủ tướng Chính phủ (Nghị định số 997/TTg), tổ chức tiền thân của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) ngày nay.
Những ngày đầu thành lập, trong điều kiện tổ chức bộ máy còn đơn giản, đội ngũ cán bộ chủ yếu là cán bộ chính trị, cán bộ quân đội chuyển sang, chưa được đào tạo chuyên môn, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý. Nhưng với ý chí quyết tâm của cả hệ thống, Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước đã xây dựng được hệ thống các kho dự trữ chiến lược trên các địa bàn quan trọng bao gồm 18 Ban đại diện vật tư dự trữ trực thuộc từ Vĩnh Linh trở ra, trực tiếp quản lý các kho hàng dự trữ.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, để bảo đảm tính tập trung và có tiềm lực mạnh, Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước vừa tiếp nhận những lực lượng hàng hoá chiến lược do các bộ, ngành quản lý; vừa tăng cường công tác đầu tư xây dựng kho tàng. Nhờ đó, chỉ 3 năm sau ngày thành lập, Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước đã có hệ thống kho với tích lượng gần 20 vạn tấn; trực tiếp quản lý các mặt hàng lương thực, thiết bị, máy móc kim khí, vải, muối… với trị giá hàng trăm triệu đồng theo giá thời đó.
Để thích ứng với tình hình giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Chính phủ chủ trương tăng cường một bước công tác quản lý, cung cấp vật tư dự trữ để chuyển hướng theo yêu cầu thời chiến và phục vụ công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Theo đó, bên cạnh việc tổ chức dự trữ hàng hoá theo vùng chiến lược kinh tế - quốc phòng, vừa phải bảo đảm an toàn, phòng chống sự leo thang đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, vừa phù hợp với các tuyến vận tải để chi viện cho miền Nam; tổ chức của Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước phải chuyển từ phương thức quản lý tập trung sang phương thức phân tán, đồng thời mở rộng việc quản lý theo nhiều ngành.
Nhờ đó mà hoạt động DTQG đã đóng góp kịp thời, có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Chỉ tính từ năm 1961 đến năm 1975, Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước đã thực hiện cung ứng kịp thời trên 3 triệu tấn tương thực, 10 vạn tấn xăng dầu, muối, kim khí, thiết bị; hàng triệu mét vải bạt, ni-lon che mưa cho quân đội. Riêng trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, lực lượng DTQG đã xuất cấp phục vụ chiến dịch 125.000 tấn lương thực, gần 1.200 xe các loại, hàng trăm ngàn tấn xăng dầu góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa sự nghiệp Cách mạng Việt Nam sang một giai đoạn mới.
Năng động thời bình
Khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, đứng trước những nhu cầu mới của đất nước và để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của ngành, Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước tiếp tục được đổi tên thành Cục Quản lý DTNN, rồi thành Cục DTQG và Tổng cục DTNN như hiện nay.
Để hoạt động DTQG đáp ứng yêu cầu tập trung, thống nhất theo điều hành của Chính phủ; Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về DTQG. Vì thế, cơ quan quản lý DTQG chuyên trách thuộc Bộ Tài chính, được tổ chức theo hệ thống dọc, gồm cơ quan ở trung ương và các đơn vị ở địa phương gồm 22 Cục DTNN khu vực trực thuộc, 98 Chi cục DTNN được bố trí trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố; với gần 3.000 cán bộ, công chức. Tổ chức bộ máy được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh Bộ Tài chính còn có 6 bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ phân công quản lý hàng DTQG như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tính đến đầu năm 2015, tổng giá trị hàng DTQG tồn kho chiếm khoảng 0,4% GDP, trong đó: các bộ, ngành quản lý khoảng 64% (gồm: Bộ Quốc phòng 13%, Bộ Công an 10%, Bộ Công Thương 36%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3%, Bộ Y tế 0,5%, Bộ Giao thông Vận tải 1%, ...); Tổng cục DTNN (Bộ Tài chính) quản lý khoảng 36% tổng mức DTQG. Như vậy, tổng mức DTQG nêu trên đã tăng gấp gần 3 lần so với 2005, một số mặt hàng DTQG đã đạt chỉ tiêu đề ra như lương thực và xăng dầu.
Hệ thống kho DTQG được bố trí ở các khu vực tại 8 vùng kinh tế xã hội là: Tây bắc Bắc bộ, Đông bắc Bắc bộ, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, tại các quân binh chủng, các địa bàn chiến lược trong cả nước để kịp thời đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của DTQG. Việc bố trí hệ thống kho như vậy nhằm bảo đảm tính liên hoàn, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn với các vùng khác nhau trên toàn quốc, thuận lợi trong nhập, xuất hàng DTQG. Các điểm kho này đều được áp dụng công nghệ bảo quản hiện đại.
Trong quá trình hoạt động, cơ chế chính sách về quản lý DTQG thường xuyên được rà soát, củng cố và hoàn thiện như: Luật DTQG, các nghị định, các thông tư, các quyết định...được ban hành. Bên canh đó, Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020, Quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTQG đến năm 2020…cũng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Có thể khẳng định rằng: đến nay, ngành DTQG đã có được hệ thống pháp luật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý.
Chính vì thế, không những trong thời chiến (giai đoạn 1955 -1975) mà cả trong thời bình, ngành DTQG luôn sẵn sàng, kịp thời đáp ứng mọi tình huống đột xuất, cấp bách. Mỗi năm, ngành DTQG đã xuất cấp hàng chục vạn tấn lương thực, hàng ngàn nhà bạt, phao áo, phao tròn cứu sinh, hàng trăm triệu liều vắc - xin phòng chống dịch bệnh, hàng chục ngàn tấn giống cây trồng các loại, hàng trăm ngàn lít thuốc sát trùng, các thiết bị y tế để phòng và dập dịch. Bên cạnh đó, ngành DTQG còn sử dụng hàng DTQG để hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện tham gia dự án trồng rừng....
Cùng với việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ngành DTQG còn xuất hàng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ biên giới và hải đảo của Tổ quốc; thực hiện nhiệm vụ an ninh, bảo vệ trong các ngày Lễ lớn của dân tộc; hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển... Ngoài ra, ngành còn thực hiện tốt hoạt động cứu trợ, công tác viện trợ quốc tế.
Có thể nói, những năm qua, ngành DTQG luôn là công cụ tài chính hữu hiệu của Chính phủ trong quá trình điều hành, phát triển bền vững của đất nước; không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng ngừa, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng an ninh mà còn góp phần tích cực thực hiện bảo đảm an sinh xã hội... Với việc đa dạng hóa mục tiêu; kịp thời hiệu quả trong sử dụng, lực lượng DTQG đã và đang khẳng định vai trò, vị thế của mình trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Với những thành công ấy, ngành DTQG Việt Nam thực sự là “Chiếc van an toàn” đối với nền kinh tế và xã hội của đất nước. Đó là sự phấn đấu của hàng nghìn cán bộ DTQG trong gần 60 năm qua để xây dựng ngành DTQG trở thành một hệ thống tổ chức từ Trung ương tới các vùng chiến lược trên địa bàn cả nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất; có thể chế chặt chẽ; tiềm lực ngày càng được tăng cường; hoạt động ngày càng hiệu quả; góp phần quan trọng trong sự nghiệp Tài chính Việt Nam nói riêng và công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung./.
TS Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN
Nguồn: Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt nam