Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Lê Văn Thời đã trao đổi với phóng viên về kết quả giám sát việc tiếp nhận, quản lý, phân phối, sử dụng gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương từ đầu năm đến nay.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết về công tác kiểm tra tình hình cấp phát, sử dụng gạo tại các địa phương được hỗ trợ gạo cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt và thực hiện các Dự án trồng rừng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ?
Ông Lê Văn Thời: Từ đầu năm đến nay, tổng số gạo Tổng cục DTNN đã xuất cấp cho các địa phương là 55.866 tấn gạo, trong đó xuất hỗ trợ nhân dân dịp Tết Nguyên đán 13.063 tấn gạo, xuất trong thời gian giáp hạt là 12.485 tấn, xuất hỗ trợ các dự án trồng rừng là 1.430 tấn gạo.
Về công tác tiếp nhận, quản lý, phân phối và sử dụng gạo dự trữ quốc gia tại các địa phương: UBND các tỉnh đã kịp thời có quyết định phân bổ cho các đối tượng thụ hưởng; đồng thời chỉ đạo, phân công, giao nhiệm vụ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cấp ủy, sở, ban, ngành có liên quan của địa phương trong việc tổ chức tiếp nhận, phân phối kịp thời cho các hộ gia đình, đối tượng được hỗ trợ gạo theo quyết định phân bổ của UBND các tỉnh.
Có thể nói, công tác tiếp nhận, phân phối gạo DTQG được các địa phương thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc, đảm bảo tính chính xác, khách quan; có sự tham gia giám sát trong việc quản lý sử dụng gạo của các đoàn thể, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương; gạo dự trữ quốc gia xuất cấp để hỗ trợ nhân dân, đảm bảo chất lượng, được quản lý chặt chẽ, có đầy đủ hồ sơ liên quan đến cấp phát gạo, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định; gạo DTQG xuất cấp bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quy định (có lưu mẫu gạo khi giao nhận).
Đến nay, hầu hết các địa phương đều đánh giá cao chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ; đây là một trong những chính sách hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống của nhân dân, nhất là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do thiên tai; không những chỉ góp phần giúp địa phương bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt mà còn góp phần chăm sóc, bảo vệ rừng và loại bỏ tập quán di dân di cư của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi.
PV: Thưa ông, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chắc hẳn trong quá trình kiểm tra tình hình cấp phát, sử dụng gạo tại các địa phương cũng thấy được những khó khăn, hạn chế cần khắc phục?
Ông Lê Văn Thời: Đúng là trong quá trình cấp phát gạo tại các địa phương cũng đã thấy nổi lên những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Trước hết, đó là công tác rà soát đối tượng hỗ trợ gạo ở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm chú trọng, công tác tổ chức triển khai bình xét đối tượng chính sách từ các cấp chính quyền thôn, bản còn chậm; số liệu báo cáo, tổng hợp còn chưa chính xác, do đó có địa phương sau khi được cấp gạo phải tổ chức bình xét, phân phối lại, ảnh hưởng đến thời gian tổ chức giao, nhận gạo được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, quá trình tổ chức phân bổ gạo hỗ trợ, một số địa phương chưa thực hiện việc niêm yết công khai danh sách đối tượng được nhận gạo hỗ trợ; hồ sơ tài liệu xét chọn đối tượng được hỗ trợ gạo tại nhiều thôn, bản, làng chưa được lưu giữ cẩn thận, đầy đủ nên đã xảy ra nhầm lẫn trong việc rà soát đối tượng thụ hưởng gạo, dẫn đến dôi thừa gạo tại kho của địa phương. Về việc này, đoàn kiểm tra đã chấn chỉnh và đề nghị địa phương rút kinh nghiệm, tránh nhầm lẫn ở những đợt cấp phát gạo sau này.
Ngoài ra, một số địa phương hỗ trợ gạo không đúng định mức 15kg/tháng/nhân khẩu; chưa đúng đối tượng được thụ hưởng. Về việc này, một số địa phương đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tổ chức thu hồi và cấp phát theo đúng quy định.
Tổng cục DTNN tích cực giao gạo DTQG kịp thời, hỗ trợ các em học sinh
theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
PV: Để việc xuất cấp gạo hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới đạt được nhiều kết quả, ngành DTQG có những giải pháp, kiến nghị gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Thời: Để chủ động nguồn lương thực xuất cấp khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã tìm nhiều giải pháp, chỉ đạo quyết liệt các Cục DTNN khu vực triển khai mua nhập kho dự trữ trước mùa mưa bão, nhập đủ số lượng theo đúng chỉ tiêu kế hoạch được nhà nước giao; luôn chủ động phương tiện, nhân lực sẵn sàng xuất cấp được ngay khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều địa phương đề nghị tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ gạo cho nhân dân, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, thời gian giáp hạt và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các dự án trồng rừng; một số tỉnh đề nghị tăng số lượng gạo cấp theo hướng nâng số tháng được hỗ trợ cho nhân dân theo đề nghị của UBND tỉnh (1-3 tháng) và triển khai vào thời điểm sớm (tháng 2, 3 dương lịch). Về việc này, Tổng cục DTNN kiến nghị với các cấp căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương để có quyết định xuất cấp cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phân bổ kịp thời cho các đối tượng được hỗ trợ.
Cuối cùng, vấn đề quan trọng là kinh phí tổ chức triển khai thực hiện. Hiện nay, nguồn kinh phí cấp cho công tác vận chuyển, mua bù số lượng gạo đã xuất cấp cho các địa phương theo như quy định của Luật Dự trữ quốc gia còn chưa được bổ sung kịp thời, Tổng cục DTNN gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành để thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm của các Cục DTNN khu vực. Đến nay, Tổng cục DTNN đã trình Bộ sớm bổ sung dự toán để triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo đúng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Thanh Sâm (Nguồn: Báo Đảng cộng sản Việt Nam)