Kinh nghiệm quốc tế về huy động và sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia

(07/07/2021)

Dự trữ quốc gia là nguồn lực dự trữ do Nhà nước tạo lập, quản lý, để sử dụng cho mục tiêu chủ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và phục vụ quốc phòng, an ninh. Thực tế tại một số nước Châu Á thời gian qua cho thấy, các nước có các cách huy động và sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia khác nhau.

 

Những năm qua, Tổng cục DTNN luôn chú trọng tăng cường

hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm dự trữ quốc gia

 

Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc Báo cáo khảo sát của đoàn cán bộ Tổng cục DTNN tại Nhật Bản, Hàn Quốc gần đây cho thấy, những khác biệt trong huy động và sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG). Tại Nhật Bản: DTQG hướng đến đáp ứng nhu cầu phát sinh trong các trường hợp xảy ra: Thảm họa tự nhiên (động đất, núi lửa, lạnh giá, lụt lội, lở đất, tuyết); cầu vượt quá cung; mất mùa do thời tiết bất thường; nhập khẩu ngưng trệ và giảm sút. Về cơ bản, trong công tác DTQG, Nhật Bản phân cấp khá rõ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.

Chính quyền trung ương chịu trách nhiệm DTQG về lương thực, dầu thô để sử dụng trong trường hợp nguồn cung thiếu hụt ảnh hưởng đến nền kinh tế, ảnh hưởng tới đời sống của người dân và thực hiện quản lý nhà nước đối với dự trữ các mặt hàng thiết yếu, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn của các chính quyền địa phương nhằm đối phó với các thiên tai, thảm họa.

Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện và bố trí kinh phí cho dự trữ mặt hàng thiết yếu, vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn để đối phó với các thảm họa theo các quy định tại “Luật Cơ bản về đối phó với thảm họa” và chịu sự kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành Trung ương trong việc thực hiện các quy định này.

Bộ Tài chính Nhật Bản là cơ quan quản lý về kinh phí cấp cho công tác DTQG và có nhiệm vụ kiểm tra việc dự trữ ở các bộ, ngành được giao. Chính phủ giao các bộ, ngành trung ương quản lý mặt hàng DTQG do chính quyền trung ương chịu trách nhiệm. Pháp luật Nhật Bản quy định, chính quyền địa phương tổ chức việc bố trí các trạm đối phó thảm họa, dự trữ hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Chính quyền trung ương quy định về danh mục hàng hóa thiết yếu dự trữ, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, chỉ tiêu, định mức hàng dự trữ, trang bị từng loại hàng hóa, vật tư thiết bị trên đầu người dân theo từng vùng và có trách nhiệm kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất chính quyền địa phương để đảm bảo các quy định này được thực hiện. Kinh phí bố trí, kinh phí hoạt động của các trạm đối phó thảm họa, mua dự trữ hàng hóa thiết yếu, vật tư cứu hộ cứu nạn từ ngân sách chính quyền địa phương, ngân sách trung ương không hỗ trợ. Tại Hàn Quốc: Mục tiêu DTQG của nước này là bảo đảm cung cấp hàng hóa và giá cả ổn định, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các chính sách khác của chính phủ. Chính phủ dự trữ các hàng hóa thiết yếu như: kim loại mầu và kim loại quý, nguyên liệu phái sinh, nguyên liệu đáp ứng cho tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, Chính phủ  Hàn Quốc còn dự trữ xăng dầu, các nông sản, đồ thủy sản và sản phẩm động vật. Chính phủ Hàn Quốc phân công một số các bộ, ngành quản lý hàng DTQG phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đó. Ở Hàn Quốc có sự phối kết hợp giữa chính phủ và khu vực tư nhân, dân cư trong việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu; các nguyên liệu có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế… Có rất nhiều hình thức phối hợp được áp dụng như: Chính phủ xây dựng kho dự trữ, đầu tư công nghệ bảo quản để người dân, các tổ chức, doanh nghiệp gửi dự trữ mặt hàng thiết yếu cần bảo quản như lương thực, thực phẩm; các loại nguyên liệu quý. Ngược lại, chính phủ có thể gửi hàng dự trữ do Chính phủ làm chủ sở hữu vào các kho và sử dụng công nghệ bảo quản của các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân… Cơ quan tiếp nhận công là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng trình chính phủ phê duyệt các chiến lược quản lý hàng mềm dẻo nhằm tối đa hóa hiệu quả dự trữ của cả quốc gia bao gồm cả dự trữ của chính phủ (cả trung ương và địa phương) và dự trữ của khu vực tư nhân nhằm nâng cao tính sẵn sàng ứng cứu trong tình trạng khẩn cấp với chi phí toàn xã hội là thấp nhất.

Một số kinh nghiệm rút ra

Thực tế hoạt động DTQG của Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy một số vấn đề về huy động và sử dụng nguồn lực DTNN như sau:

Thứ nhất, từ kinh nghiệm thực tiễn của Hàn Quốc cho thấy, Việt Nam có thể nghiên cứu đưa ra những chính sách cụ thể, linh hoạt để khuyến khích các thành phần kinh tế đóng góp nguồn lực, tham gia hoạt động DTQG. Các chính sách này cần đảm bảo nguyên tắc hai bên (nhà nước và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động DTQG) cùng có lợi mới đảm bảo tính khả thi. Các chính sách hỗ trợ, phối hợp giữa chính phủ và người dân để phát triển nguồn lực DTQG là giải pháp cơ bản, nhằm giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách nhà nước; đồng thời nâng cao hiệu quả và tiềm lực hoạt động DTQG, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong các tình huống đột xuất, cấp bách do thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh…

Thứ hai, Việt Nam khó có thể học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm về kinh phí, tổ chức, thực hiện hoạt động dự trữ mặt hàng thiết yếu và vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn đáp ứng nhu cầu trong tình huống cấp bách do thiên tai, hỏa hoạn. Lý do là ngân sách nhà nước của Việt Nam có đặc thù riêng là ngân sách lồng ghép; các địa phương xảy ra nhiều thiên tai, bão lũ có nhu cầu dự trữ cao phần lớn là các địa phương nghèo, thu không đủ bù chi, khó cân đối ngân sách cho hoạt động DTQG. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, có thể nghiên cứu ban hành quy định cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa trung ương và địa phương trong hoạt động DTQG và sử dụng hàng DTQG trong các tình huống đột xuất, cấp bách do thiên tai, hỏa hoạn. Trong đó, cơ quan chuyên trách về DTQG tham mưu cho Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước đối với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và với dự trữ của địa phương. Các địa phương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan DTQG của trung ương trên địa bàn trong việc dự trữ hàng và sử dụng hàng dự trữ của Trung ương trên địa bàn.

 

Bản tin Dự trữ Nhà nước



Các tin đã đưa ngày: