Kho Dự trữ quốc gia chiến lược của Mỹ bao gồm hệ thống các nhà kho bí mật rải rác khắp đất nước này do lực lượng được trang bị vũ khí bảo vệ. Nếu như trước đây chủ yếu dự trữ các nhu yếu phẩm để sẵn sàng ngăn ngừa cho tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân, thì hiện nay, Kho này còn là nơi dự trữ thiết bị y tế và một số loại thuốc để cứu mạng sống người dân Mỹ trong giai đoạn dịch bệnh, thảm họa... Kinh nghiệm xây dựng Kho Dự trữ quốc gia chiến lược của Mỹ có thể là bài học cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay khi nước ta cũng đang bổ sung thiết bị, vật tư y tế vào danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Tầm quan trọng của Kho Dự trữ quốc gia chiến lược của Mỹ
Kho Dự trữ quốc gia chiến lược của Mỹ (SNS) được thành lập vào năm 1999, có tên Kho thuốc Quốc gia, nhằm ngăn sự gián đoạn chuỗi cung ứng do lỗi máy tính Y2K từng được dự đoán. Tuy nhiên, sau vụ khủng bố ngày 11/9, SNS được sử dụng để sẵn sàng ứng phó với tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân. Cựu Giám đốc của SNS Greg Burel chia sẻ với tờ Business Insider (Mỹ): “Mục đích chính của Kho Dự trữ quốc gia chiến lược là chuẩn bị ứng phó với sự kiện tấn công hóa học, sinh học, hạt nhân và phóng xạ”. Đích thân cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) xây dựng nguồn vaccine và chất kháng độc tố để đề phòng trường hợp xảy ra khủng bố sinh học. Đã từng có thời điểm, Đạo luật Bioshield được thông qua theo đó bổ sung 5 tỷ USD dành cho vaccine để đối phó trong trường hợp xảy ra khủng bố sinh học. Thời điểm này, SNS mang tên Kho thuốc Quốc gia. Chính phủ Mỹ từng giữ nguồn kháng sinh, để quân đội sử dụng nhưng sau đó các kho thuốc cũng từng bước được hình thành dành cho người dân thường.
Người lao động tại Kho Dự trữ chiến lược quốc gia Mỹ ở Oklahoma City
Đến năm 2003, kho dự trữ này được đặt tên chính thức là Kho Dự trữ quốc gia chiến lược Mỹ, do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cùng Bộ An ninh Nội địa quản lý. Trong đó, ngoài nhiệm vụ chính dự trữ thuốc men, SNS còn được bổ sung thêm thiết bị y tế. Từ năm 2004 cho đến nay, SNS trực thuộc quản lý hoàn toàn của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ. Năm 2005, lo sợ về dịch cúm toàn cầu, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã yêu cầu bổ sung thiết bị bảo hộ cá nhân vào SNS. Năm 2006, Quốc hội Mỹ cũng thông qua gói mua 52 triệu khẩu trang y tế và 104 triệu khẩu trang N95. Trong đó, một lượng lớn thiết bị từ lần mua này đã được sử dụng trong dịch cúm H1N1 ba năm sau đó. Ngoài ra, Mỹ còn lưu trữ thuốc giải độc thần kinh đặt tại hơn 1.340 địa điểm trên toàn quốc, hầu hết là bệnh viện và trạm cứu hỏa. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết: Nguồn cung liên tục được bổ sung và thay thế. SNS từng triển khai sau các thảm họa thiên nhiên như bão Katrina và Sandy. Hàng chục triệu khẩu trang và đồ bảo hộ từ SNS được điều chuyển khắp nước Mỹ trong dịch H1N1, Covid-19...
Đáng chú ý, Kho Dự trữ quốc gia chiến lược của Mỹ bao gồm hệ thống các nhà kho bí mật rải rác khắp nước Mỹ do lực lượng trang bị vũ khí bảo vệ. Thậm chí, kho dự trữ này là vấn đề an ninh quốc gia và ngân sách dành cho SNS còn được xem xét nghiêm túc không khác gì ngân sách cho Bộ Quốc phòng để bảo vệ nước Mỹ trước sự tấn công của kẻ thù bên ngoài.
Phát huy tác dụng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 toàn cầu
Tháng 4/2021, Mỹ đã tiêm hơn 4 triệu liều vaccine Covid-19 trong 24 giờ, xác lập kỷ lục mới, nâng số liều tiêm trung bình ngày trong một tuần lên hơn 3 triệu. Theo CDC của Mỹ, sau hơn 100 ngày kể từ khi Mỹ tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên, 104 triệu người dân nước này đã được chủng ngừa, hơn 59 triệu người đã tiêm đủ hai liều. Việc triển khai này được đánh giá là thần tốc, nhằm hỗ trợ người dân vượt qua rủi ro từ đại dịch Covid-19. Ở góc nhìn khác, phải thấy rõ rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, SNS đã thể hiện vai trò trong việc góp phần cùng Chính phủ Mỹ cung cấp đủ các liều vaccine phòng ngừa. Trước đó, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cũng thông báo xác nhận tính đến 7/4/2020, có 10.628 tấn vật liệu từ SNS được chuyển đi để hỗ trợ chống dịch Covid-19...
Tuy nhiên, một số vấn đề cũng đặt ra cho SNS khi dịch bùng phát với quy mô diện rộng. Thống kê cho thấy, vào đầu năm 2020, SNS có gần 123 triệu khẩu trang N95, chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu cho nhân viên y tế trước khi Covid-19 được kiểm soát. Có thời điểm, 90% thiết bị bảo hộ trong SNS đã được sử dụng để chống Covid-19, cho thấy nguy cơ cạn kiện thiết bị dự trữ và khả năng cung cấp, ứng phó của SNS nếu dịch bệnh, thảm hỏa xảy ra trong thời gian dài.
Chất lượng của thiết bị cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Chẳng hạn như: Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ từng công khai số máy trợ thở trong SNS không đáp ứng được nhu cầu hiện tại. SNS có hơn 10.000 máy trợ thở và hàng nghìn chiếc đã được chuyển đến các tiểu bang nhưng đến tháng 3/2020, tờ Business Insider đưa tin khoảng 4.000 máy trợ thở được chuyển tới New York có dấu hiệu thiết linh kiện và hỏng hóc. Việc dự trữ đối với thuốc cũng trở thành bài toán đau đầu khi mà SNS liên tục phải tiêu hủy thuốc quá hạn vì thuốc kháng sinh, vaccine và nhiều loại thuốc khác lại có hạn sử dụng.
Trong quá trình hoạt động, SNS cũng gặp khá nhiều khó khăn. Trong hơn một thập niên qua, ngân sách dành cho SNS tăng chậm. Trong dịch H1N1 năm 2009, CDC đã khuyến nghị chính quyền liên bang tăng ngân sách cho SNS để chuẩn bị cho những sự kiện trong tương lai. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ là một trong những quốc gia có tốc độ lây lay nhanh nhất và có số người mắc nhiễm cao nhất thì Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ chỉ dành 620 triệu USD cho SNS, tức chỉ tăng thêm 10 triệu USD so với năm 2019 (so với tăng từ 610 triệu USD). Mức ngân sách này được đánh giá là còn khiêm tốn và tốc độ tăng chậm theo hàng năm.
Phương Thúy