Dự trữ Quốc gia Việt Nam có thể rút ra bài học từ việc Trung Quốc đang tích cực tích trữ hàng hóa chiến lược

(11/09/2020)

Tàu chở dầu Stream mang quốc tịch Iran. Ảnh: Marine Traffic.


 

Trung Quốc dường như đang lấp đầy các kho dự trữ dầu thô, kim loại và lương thực nhằm đối phó tác động từ Covid-19 và căng thẳng với Mỹ.

Tàu chở dầu Stream và Snow của Iran hồi tháng 7 cập cảng Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, dường như để chuyển dầu thô đến những cơ sở của Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec). Bắc Kinh đã xây một kho dự trữ nhà nước tại cảng này từ năm 2010.

Các tàu dầu xuất phát từ Iran đã cập cảng Trung Quốc nhiều lần trong tháng 8 và dự kiến sẽ duy trì tiến độ này trong tháng 9. Bắc Kinh đã nhập khẩu 320 triệu tấn dầu thô từ tháng 1-7 năm nay, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu từ hãng thống kê Refinitiv cho thấy.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại cho rằng đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và căng thẳng Mỹ - Trung có thể gây ảnh hưởng xấu đến những nguồn cung chiến lược của Bắc Kinh. Trung Quốc dường như muốn duy trì kho dự trữ ở mức cao nhằm tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa và bất ổn xã hội.

Bắc Kinh được cho là đang gom hàng hóa trên thị trường giao ngay để bổ sung nguồn cung từ các hợp đồng dài hạn. Nước này đã tận dụng giai đoạn giá dầu lao dốc đầu năm nay để bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược.

Trung Quốc giữ bí mật về các kho dự trữ quốc gia và không bao giờ công bố thông tin về chúng. Tuy nhiên, công ty tư vấn nhà nước Beijing Antaike Information hồi tháng 8 đã khuyến cáo chính phủ Trung Quốc tăng kho dự trữ cobalt lên 2.000 tấn. Kim loại này được sử dụng rộng rãi trong pin Li-ion, trong khi nỗ lực thúc đẩy ứng dụng đại trà xe điện ở Trung Quốc đã tăng mức tiêu thụ cobalt trong những năm qua.

Chính phủ Trung Quốc dường như đã mua hơn 2.000 tấn cobalt vào năm 2015 và duy trì mức này trong năm 2016. Đại dịch Covid-19 đang gây gián đoạn nguồn cung từ Congo, quốc gia chiếm phần lớn sản lượng cobalt toàn cầu. Nhiều nhà quan sát dự đoán giá cobalt có thể tăng trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu sản xuất của Trung Quốc được phục hồi.

Ngoài dầu thô và kim loại, Bắc Kinh cũng đang áp dụng những biện pháp bảo đảm an ninh lương thực. Nước này tuần trước ban hành luật về dự trữ phân bón hóa học, trong đó có trợ cấp cho những nguồn tích trữ kali trong khối tư nhân. Điều này nhằm tăng cường kho dự trữ kali, tài nguyên vốn không có nhiều như ni tơ và phốt pho, cũng như giữ vững nguồn cung phân bón khi xảy ra thiên tai ở Trung Quốc.

Nước này cũng duy trì kho ngũ cốc rất lớn, chỉ trừ đậu nành. Trung Quốc thu được hơn 150 triệu tấn lúa mì trong năm 2019-2020, cao hơn 30% so với ba năm trước đó. Nguồn dự trữ gạo cũng tăng gần 20% trong cùng giai đoạn, đạt mức 110 triệu tấn, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Dù vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tháng 8 phát động chiến dịch quốc gia "Ăn hết trong đĩa" nhằm giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm mà ông mô tả là "gây sốc và đáng buồn". Giới phân tích cho rằng có hai lý do chủ chốt dẫn tới quyết định này.

Một là Trung Quốc có thể không đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước nếu sản lượng ngũ cốc ở nước ngoài quá thấp. Nước này năm ngoái mua gần 90 triệu tấn đậu nành, chiếm khoảng 60% sản lượng nhập khẩu toàn cầu và nhu cầu tại Trung Quốc có thể tiếp tục tăng do thói quen ăn uống của người dân thay đổi.

Bắc Kinh cũng có thể lo ngại nguy cơ mất khả năng tiếp cận nhiều thị trường do căng thẳng với Washington. "Trung Quốc khó lòng gặp khó khăn trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng chính quyền vẫn phải xem xét những mối đe dọa liên quan đến quan hệ quốc tế", đại diện một công ty giao dịch lớn tại Nhật Bản nhận xét.

Các báo cáo hồi tháng 4 cho thấy Trung Quốc đang tích trữ đậu nành, ngô và dầu thực vật. Mưa lũ kỷ lục tại đồng bằng châu thổ sông Trường Giang và Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát có thể thúc đẩy Bắc Kinh tiếp tục tăng cường kho dự trữ ngũ cốc để đảm bảo nhu cầu trong nước, cũng như duy trì quân bài mặc cả với Washington.

Chúng ta không thể phủ nhận Trung Quốc là quốc gia có tiểm lực tài chính lớn mạnh hơn nước ta nhiều (dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc có thời điểm lên đến hơn 3.0000 tỷ đô la) nhưng Trung Quốc vẫn tích cực trong việc tăng cường dự trữ các mặt hàng chiến lược (xăng dầu, lương thực….). Việc chính phủ Trung Quốc không ngừng tăng cường nguồn lực Dự trữ quốc gia cho ta thấy đây là vấn đề rất quan trọng cho bất kỳ quốc gia nào kể cả những nước có nguồn lực hùng mạnh như Trung Quốc. Việt Nam là một trong những nước chiụ trực tiếp tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ xảy ra thảm họa thiên tai dịch bệnh ngày càng phức tạp khó lượng nên nguồn dự trữ chiến lược là cực kỳ quan trọng. Vì vậy chúng ta cần có sự nghiên cứu thấu đáo, có chiến lược dự trữ quốc gia đủ khả năng đáp ứng mọi vấn đề khó khăn, đột xuất, cấp bách xảy ra cũng như tích cực tổ chức thực hiện trên thực tế nội dung yêu cầu của chiến lược. Quyết không đề đất nước bị động trước mọi tình huống.

 

Văn phòng Tổng Cục DTNN



Các tin đã đưa ngày: