Phát triển nguồn lực dự trữ quốc gia: Kinh nghiệm một số nước trên thế giới

(06/10/2020)

Dự báo, phân chia các thảm họa, xây dựng kịch bản ứng phó, từ đó xây dựng danh mục vật tư, thiết bị cần huy động là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia. Rất nhiều nước trên thế giới coi trọng công tác nghiên cứu dự báo và xây dựng kịch bản ứng phó các thảm họa.

 

Đoàn công tác Tổng cục Dự trữ Nhà nước làm việc với cơ quan Bảo vệ dân sự Liên bang Thụy Sĩ.

 

Dự trữ quốc gia (Dự trữ Nhà nước) là nguồn lực vật chất của nhà nước, được nhà nước quản lý, sử dụng nhằm thực hiện mục tiêu của nhà nước. Dự trữ quốc gia ở các nước có thể khác nhau về quy mô nhưng đều chung một số điểm: bao gồm những mặt hàng thiết yếu, do nhà nước quản lý với mục tiêu phòng ngừa các bất trắc có thể xảy ra như khủng hoảng nguồn cung, thảm họa thiên tai, dịch bệnh v.v.. Bên cạnh mục tiêu trên thì một số quốc gia, chủ yếu là các nước lớn còn sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia nhằm mục đích chính trị, chi phối các nước khác, buộc các nước đó thực hiện theo ý chí của mình. Ví dụ như Mỹ sử dụng lượng dự trữ dầu khổng lồ của mình để chi phối các nước trong nhóm OPEC. Hoặc như Nga, Trung Quốc, Mỹ sử dụng công cụ lực lượng dự trữ quốc gia của mình để thực hiện tầm ảnh hưởng với các nước khác thông qua cứu trợ, viện trợ giúp các nước này giải quyết khó khăn, tạo quyền lực mềm.

Hầu hết các nước trên thế giới đều có dự trữ quốc gia, được hình thành từ ngân sách nhà nước. Đối với Việt Nam, dự trữ quốc gia là dự trữ vật tư, thiết bị, hàng hóa do Nhà nước quản lý, nắm giữ nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Dự trữ quốc gia là cần thiết, nhưng dự trữ quá lớn là gánh nặng cho ngân sách và hạn chế vốn đầu tư vào phát triển kinh tế. Vấn đề quan trọng là kết hợp chặt chẽ yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia với mục tiêu cân đối ngân sách và phát triển. Vì vậy, dự trữ cái gì? dự trữ bao nhiêu? là hai vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia khi xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia. Để  giải quyết được hai vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu thấu đáo trên cơ sở tổng kết thực tiễn, học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như phân tích, đánh giá dự báo về các thảm họa có thể xảy ra, xây dựng kịch bản ứng phó cùng với đó là danh mục các loại vật tư, thiết bị cần huy động. Dự trữ quốc gia không thể dựa trên quan điểm hay chủ nghĩa kinh nghiệm. Thực tế, khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường có ý kiến cho rằng không cần dự trữ vì lúc này có tư tưởng “có tiền thì mua tiên cũng được” hoặc những mặt hàng thông dụng, trong nước sản xuất được thì không cần dự trữ. Nhưng bài học kinh nghiệm rút ra từ các nước như: Iran, Venezuela là các nước đứng đầu thế giới về trữ lượng và xuất khẩu dầu mỏ nhưng phải kiệt quệ vì thiếu xăng dầu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất trong nước do lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây.

Khẩu trang y tế, mặt hàng rất thông dụng, dễ sản xuất nhưng dịch Covid -19 xảy ra dẫn đến tình trạng khan hiếm khẩu trang trên toàn thế giới, hiện tượng tranh giành, chụp giật không chỉ giữa các doanh nghiệp mà còn xảy ra giữa các quốc gia. Một số nước đã sử dụng khẩu trang y tế làm công cụ ngoại giao trong quan hệ quốc tế. Muối ăn, một mặt hàng rất rẻ, rất dễ làm, đối với một nước có bờ biển dài như nước ta thì việc sản xuất muối ăn thì còn dễ hơn nữa, nhưng thảm họa môi trường biển (Formosa) làm toàn bộ bờ biển miền Trung phải đóng cửa rất nhiều tháng. Thử đặt vấn đề nếu thảm họa không chỉ miền Trung mà toàn bộ bờ biển nước ta, kéo dài nhiều tháng (thảm họa này hoàn toàn có thể xảy ra) thì vấn đề muối ăn lúc này cũng quý như vàng.

Việc dự báo, phân chia các thảm họa, xây dựng kịch bản ứng phó, trên cơ sở đó xây dựng danh mục vật tư, thiết bị cần huy động là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia, trả lời thỏa đáng được câu hỏi dự trữ cái gì? và dự trữ bao nhiêu? Rất nhiều nước trên thế giới coi trọng công tác nghiên cứu dự báo và xây dựng kịch bản ứng phó các thảm họa như Israen và Thụy Sỹ là hai ví dụ điển hình.

Xuất phát từ đặc điểm về điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của Israel nên vấn đề ứng phó với các tình trạng khẩn cấp (trong đó, có vấn đề bảo đảm đầy đủ lực lượng DTQG) của Israel luôn được đặt ra ở tầm quan trọng đặc biệt. Việc dự trữ cái gì? dự trữ bao nhiêu? cấp phát cho ai? cấp phát bao nhiêu? Được thực hiện theo quân lệnh.

Để giải quyết những vấn đề trên nhà nước Israel giao cho cơ quan chuyên trách về xử lý tình trạng khẩn cấp (trong đó có vấn đề về dự trữ quốc gia) trực thuộc Bộ Quốc phòng gọi tắt là NEMA. NEMA được thành lập với mục tiêu thống nhất chỉ huy khống chế tình trạng khẩn cấp quốc gia, NEMA có nhiệm vụ:

- Xây dựng cơ chế chính sách về xử lý, khắc phục các thảm họa quốc gia.

- Xác định và phân loại thứ tự các thảm họa quốc gia có thể xảy ra. Ở Israel đã phân loại có 5 thảm họa như sau:

1) Thảm họa chiến tranh;                         4) Thảm họa dịch bệnh;

2) Thảm họa khủng bố;                            5) Thảm họa thiên nhiên;

3) Thảm họa công nghiệp (rò rỉ hóa chất, khí đốt).

Ứng với mỗi loại thảm họa, NEMA dự báo các mức độ đe dọa của nó. Trên cơ sở đó dự báo và xây dựng các kịch bản khống chế cho từng loại thảm họa cụ thể. Trong kịch bản khống chế sẽ chỉ ra cách thức thực hiện như thế nào? và cơ quan nào chịu trách nhiệm từng nội dung cụ thể về nguồn lực hàng hóa (số lượng, chủng loại hàng hóa), trang thiết bị vật tư cần thiết để khống chế thảm họa..., đảm bảo tính mạng cho người dân và giúp họ có cuộc sống an toàn, ổn định.

Đối với Thụy Sỹ, việc trực tiếp bảo quản hàng dự trữ quốc gia giao cho các bang. Cơ quan lập chính sách nói chung trong đó có dự trữ quốc gia thuộc về Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ. Đây là một trong 5 cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Thụy Sỹ và thuộc cơ cấu của Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ có chức năng, nhiệm vụ: Xây dựng các chiến lược, cơ chế, chính sách và lập kế hoạch bảo vệ dân sự cho toàn Liên bang Thụy Sỹ. Để hoạch định chính sách về dự trữ quốc gia, cơ quan này thực hiện đánh giá, phân tích rủi ro, cụ thể là nghiên cứu đề xuất, phân loại các thảm họa, rủi ro, cảnh báo, xây dựng kịch bản ứng phó và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xử lý các sự cố, rủi ro không mong muốn xảy ra, nhằm giải quyết hai yêu cầu: Tạo lập hệ thống đánh giá rủi ro và hệ thống bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia. Việc tạo lập hệ thống đánh giá, phân tích rủi ro được thực hiện bởi nhiều bên (các nhà khoa học, các nhà chính trị, các tổ chức liên quan) bảo đảm tính toàn diện và thực tiễn. Hệ thống phân tích đánh giá rủi ro bao gồm 4 nội dung: Xây dựng danh mục rủi ro, các yếu tố gây ô nhiễm, tác động đến môi trường (hiện tại ở Thụy Sỹ xác định có có hơn 400 loại rủi ro được liệt kê, trong đó có hơn 100 rủi ro, yếu tố gây tác động đến đời sống người dân); nội dung tiếp theo là tiến hành phân tích, đánh giá tác động của các rủi ro đối với người dân; trên cơ sở phân tích đánh giá tác động tiến hành xây dựng kịch bản ứng phó; xây dựng kịch bản phục hồi, khắc phục.

Song song công việc tạo lập hệ thống đánh giá phân tích rủi ro, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ xây dựng hệ thống bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia. Hiện tại Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ đã phân tích đề xuất 9 lĩnh vực cần được bảo vệ. Trong mỗi lĩnh vực xác định các cơ sở hạ tầng trọng yếu và mỗi cơ sở hạ tầng trọng yếu xây dựng kịch bản nhằm phòng ngừa, can thiệp khi có sự cố xảy ra. Hiện tại Thụy Sỹ đã xây dựng kịch bản cho 33 loại thảm họa thuộc các lĩnh vực như: Thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng cao, tai nạn máy bay, tai nạn đường sắt, tai nạn giao thông đường bộ, các sự cố có thể xảy ra nhà máy hóa học, nhà máy điện hạt nhân, nhà máy sinh học cho đến những thảm họa bệnh dịch, mất nguồn cung điện, tấn công bằng bom bẩn, bom hạt nhân…

Như vậy, có thể nói các nước rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, phân tích đánh giá rủi ro, từ đó xây dựng và phân loại thảm họa, xây dựng kịch bản ứng phó trên cơ sở lập danh mục cũng như mức hàng dự trữ quốc gia bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo kịch bản. Việc hoạch định chính sách về dự trữ quốc gia trên cơ sở phân tích đánh giá rủi ro và kịch bản ứng phó bảo đảm cho dự trữ quốc gia trở nên hiệu quả, thiết thực, khả thi rất cao. Các loại vật tư, thiết bị hàng hóa đưa vào dự trữ bảo đảm sát với yêu cầu thực tế mỗi khi sự cố thảm họa xảy ra.

Đối với nước ta, dự trữ quốc gia hình thành đầu tiên từ yêu cầu chủ yếu phục vụ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau năm 1975 dự trữ quốc gia tiếp tục phục vụ cho cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc ở biến giới Tây Nam và phía Bắc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Lịch sử hình thành dự trữ nước ta cho thấy danh mục, chủng loại, số lượng vật tư đưa vào dự trữ xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn. Việc thiếu đi các luận cứ khoa học làm cho công tác dự trữ quốc gia hiệu quả chưa cao, thiếu sự toàn diện, chưa sát thực tế, tính khả thi còn thấp. Vì vậy, đối với nước ta, để xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia toàn diện, thiết thực, hiệu quả ngoài việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn thì công tác nghiên cứu đánh giá, phân tích rủi ro, dự báo và phân loại thảm họa, xây dựng kịch bản ứng phó làm cơ sở để xây dựng, hoàn thiện lực lượng dự trữ quốc gia là điều hết sức cần thiết và cấp bách./.

Lê Văn Dương

 



Các tin đã đưa ngày: