Nguồn: Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

 

Xuất cấp hỗ trợ người dân kịp thời

Theo ông Vũ Xuân Bách - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, tuy nhiên toàn ngành DTNN đã triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng.

Ngành DTNN đã thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao. Đó là, tổ chức xuất cấp kịp thời những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, vật tư, thiết bị hạt giống, vắc xin, hóa chất sát trùng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh, giáp hạt, thiếu đói lương thực đảm bảo an sinh xã hội và các nhiệm vụ đột xuất khác.

Ông Phạm Việt Hà - Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ (Tổng cục DTNN) cho biết, năm 2023 Bộ Tài chính đã xuất cấp lương thực, vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia (DTQG) trị giá trên 1.440 tỷ đồng, gồm: 108.118 tấn gạo DTQG, trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng; vật tư, thiết bị DTQG trị giá khoảng 148 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 22 Cục DTNN khu vực thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, bảo quản, bảo vệ an toàn hàng DTQG.

Theo ông Phan Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục DTNN cũng đã đôn đốc các đơn vị kiểm tra chất lượng hàng xuất kho, lập ghi chép hồ sơ chất lượng hàng theo quy định; qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị và qua kiểm tra chất lượng hàng DTQG lưu kho, xuất kho đảm bảo theo quy định; tỷ lệ hao hụt thóc, gạo khi xuất kho đều thấp hơn hoặc bằng định mức quy định.

Đối với mặt hàng vật tư, thiết bị do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý, Tổng cục đã hướng dẫn các đơn vị nhập, xuất, bảo quản đối với mặt hàng mới chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; thực hiện kiểm tra chất lượng, quy trình lấy mẫu để kiểm tra đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại cơ quan chuyên môn theo tiến độ nhập hàng đối với mặt hàng phao tròn cứu sinh, nhà bạt cứu sinh, thiết bị phóng dây cứu hộ...

Liên quan tới công tác xây dựng kế hoạch, bà Khiếu Thị Hương - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, trong năm 2023, Tổng cục DTNN và toàn ngành DTNN thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dự trữ quốc gia, phân bổ kế hoạch 2023, chuyển nguồn, tổ chức triển khai đấu thầu mua hàng thuộc kế hoạch năm 2023.

Tổng cục DTNN cũng đã tập trung xây dựng cơ chế chính sách, các bộ ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật hàng DTQG, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải. Ông Hoàng Văn Quyết - Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế cho biết, năm 2023, ngành DTNN đã tập trung xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, Vụ Chính sách và pháp chế đã chủ động rà soát, kịp thời tham mưu lập chương trình xây dựng chính sách, pháp luật hàng năm; trình lãnh đạo Tổng cục DTNN, gửi Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) tổng hợp chung, trình Bộ Tài chính; đồng thời tham mưu Tổng cục DTNN ban hành chương trình xây dựng cơ chế, chính sách nội ngành và phê duyệt kế hoạch chi tiết theo từng tháng để các đơn vị chủ động thực hiện.

Khẩn trương triển khai nhiệm vụ năm 2024

Triển khai nhiệm vụ, kế hoạch DTQG năm 2024, tại hội nghị tổng kết vào cuối tháng 12/2023, Quyền Tổng cục trưởng Vũ Xuân Bách yêu cầu các đơn vị thuộc Tổng cục khẩn trương, nỗ lực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu để đạt được kết quả cao nhất.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Vũ Xuân Bách cho biết, năm 2024, Tổng cục DTNN tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về DTQG, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức nhập, xuất, bảo quản đối với hàng DTQG; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động DTQG, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát đạt hiệu lực, hiệu quả tối ưu.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, ông Vũ Xuân Bách cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất trong mọi hoạt động DTQG theo chức năng, nhiệm vụ; kiểm tra trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ, từ đó nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hàng DTQG...

Để thực hiện tốt công tác xuất cấp hàng DTQG, năm 2024, Tổng cục DTNN chỉ đạo các cục DTNN khu vực chuẩn bị tốt mọi nguồn lực DTQG; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan, trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng và nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác; chuẩn bị tốt mọi nguồn lực DTQG; chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

Tăng cường nghiên cứu đánh giá tình hình và dự báo, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính để chuẩn bị lực lượng dự trữ quốc gia và các kịch bản ứng phó khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra, bảo đảm dự trữ quốc gia chủ động, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh...

Ngoài các nhiệm vụ trên, các đơn vị ngành DTNN tiếp tục tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024.

Đức Minh - Thời báo Tài chính Việt Nam