Năm 2023, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xuất cấp hàng DTQG nhanh chóng, kịp thời, góp phần phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngày 26/12/2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Vũ Xuân Bách chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở cơ quan Tổng cục DTNN có Ban Lãnh đạo Tổng cục DTNN; đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và 22 điểm cầu của các Cục DTNN khu vực.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Xuất cấp kịp thời, bảo quản an toàn hàng DTQG
Báo cáo của Tổng cục DTNN tại Hội nghị cho biết, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo thẩm quyền đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ.
Bộ Tài chính đã xuất cấp lương thực, vật tư, thiết bị DTQG trị giá khoảng 1.448 tỷ đồng, gồm: 108.118 tấn gạo trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng và vật tư, thiết bị trị giá khoảng 148 tỷ đồng.
Ngành DTNN cũng đã thực hiện xuất cấp thiết bị, vật tư cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai gồm: 30 bộ xuồng; 1.220 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 159.730 chiếc phao cứu sinh các loại; 147 bộ thiết bị chữa cháy đồng bộ; 43 bộ máy phát điện các loại, 23 bộ thiết bị khoan cắt, 10 bộ thiết bị tìm kiếm nạn nhân bằng hình ảnh và âm thanh.
Bên cạnh xuất cấp kịp thời lương thực, thiết bị, vật tư DTQG, thời gian qua, ngành DTNN đã thực hiện tốt công tác bảo quản và quản lý chất lượng hàng DTQG.
Để tăng cường quản lý chất lượng gạo nhập kho DTQG năm 2023, Tổng cục DTNN đã có Văn bản số 1045/TCDT-KHCNBQ ngày 10/7/2023; tổ chức kiểm tra công tác quản lý chất lượng hàng DTQG kết hợp với kiểm tra hàng hóa mùa xuân, phong trào xây dựng vùng kho an toàn, xanh, sạch, đẹp và kiểm tra công tác bảo quản tại 12 cục DTNN khu vực.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Vũ Xuân Bách phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tổng cục DTNN cũng đôn đốc các đơn vị kiểm tra chất lượng hàng xuất kho, lập ghi chép hồ sơ chất lượng hàng theo quy định; qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị và qua kiểm tra chất lượng hàng DTQG lưu kho, xuất kho đảm bảo theo quy định; tỷ lệ hao hụt thóc, gạo khi xuất kho đều ≤ định mức quy định.
Đối với mặt hàng vật tư, thiết bị do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý, Tổng cục đã hướng dẫn các đơn vị nhập, xuất, bảo quản đối với mặt hàng mới chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; thực hiện kiểm tra chất lượng, quy trình lấy mẫu để kiểm tra đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại cơ quan chuyên môn theo tiến độ nhập hàng đối với mặt hàng phao tròn cứu sinh, nhà bạt cứu sinh, thiết bị phóng dây cứu hộ...
Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch DTQG năm 2023, bà Khiếu Thị Hương - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Tổng cục DTNN) cho biết, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao, đến nay kết quả thực hiện kế hoạch đạt từ 15-62% tập trung ở Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Một số bộ, ngành còn lại đã thực hiện phân bổ và giao kế hoạch cho các đơn vị để mua hàng. Dự kiến, việc đấu thầu, ký hợp đồng và giải ngân chuyển sang năm 2024.
Triển khai nhiệm vụ, kế hoạch DTQG năm 2024, đại diện Vụ Kế hoạch cho biết, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về DTQG, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức nhập, xuất, bảo quản đối với hàng DTQG; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động DTQG, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát đạt hiệu lực, hiệu quả tối ưu.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất trong mọi hoạt động DTQG theo chức năng, nhiệm vụ; kiểm tra trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ, từ đó nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hàng DTQG...
Về triển khai nhiệm vụ DTQG ở các bộ, ngành trong năm qua, tại Hội nghị, Đại tá Đào Thanh Bình - Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) đã ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, của Tổng cục DTNN đã góp phần giúp Bộ Quốc phòng triển khai nhiệm vụ DTQG đạt kết quả khả quan.
Đối với kế hoạch mua tăng, đại diện Cục Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2023, Bộ Quốc phòng đã tổ chức đấu thầu rộng rãi và lựa chọn được 4/5 danh mục mặt hàng được giao; còn 1 danh mục mặt hàng chưa hoàn thành, do đơn giá mặt hàng thay đổi, bắt buộc phải điều chỉnh.
"Để hoàn thành mua các danh mục mặt hàng được giao, thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu 1 danh mục mặt hàng để hoàn thành 100% chỉ tiêu nhiệm vụ được giao", Đại tá Đào Thanh Bình nói.
Ở lĩnh vực DTQG ngành An ninh, Thiếu tướng Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công an) cho biết, được sự quan tâm của Bộ Tài chính, của Tổng cục DTNN, trong những năm qua, DTQG ngành An ninh đã được cải thiện dần cả về tổng mức và danh mục các mặt hàng.
Hiện nay, giá trị hàng DTQG ngành An ninh đã đạt tổng mức là hơn 2.000 tỷ đồng với 41 danh mục mặt hàng, trong đó chủ yếu là phương tiện chuyên dùng, phương tiện tác chiến đa năng, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí công cụ hỗ trợ được đảm bảo dự trữ tại 9 kho; phân bổ tại 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Về cơ bản, Bộ Công an đã thực hiện xuất cấp đảm bảo theo quy trình, tuân thủ nghiêm túc các quy định.
Theo đại diện Cục Kế hoạch - Tài chính, với kế hoạch DTQG năm 2023, Bộ Công an đã triển khai mua tăng, xuất giảm theo kế hoạch và xuất cấp, bảo quản hàng dự trữ theo đúng quy trình, trình tự theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Về kế hoạch mua tăng, xuất giảm năm 2023, Bộ Công an đã thực hiện mua tăng đối với 9 danh mục mặt hàng và hiện nay Bộ Công an đã hoàn thành 8 danh mục mặt hàng đã ký kết hợp đồng; còn 1 danh mục mặt hàng (xe chữa cháy) đang chờ kế hoạch phê duyệt lựa chọn nhà thầu.
"Dự kiến, công tác mua tăng, xuất giảm các danh mục mặt hàng của Bộ Công an trong năm 2023 sẽ hoàn thành trong năm nay đảm bảo đúng tiến độ theo quy định" Thiếu tướng Nguyễn Thị Kim Dung cho biết.
Về phía các Cục DTNN khu vực, ông Võ Xuân Nguyên - Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đà Nẵng cho biết, năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn do Tổng cục DTNN giao chỉ tiêu kế hoạch và phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua gạo muộn hơn so với các năm, song với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tổng cục DTNN, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng đã nhập kho đủ 11.500 tấn gạo với tổng giá trị gần 150 tỷ đồng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng DTQG, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch trước thời hạn được giao.
Đối với nhập vật tư, thiết bị DTQG, Cục thực hiện nhập 15.000 chiếc phao tròn cứu sinh, 15.000 chiếc phao áo cứu sinh, 05 bộ thiết bị phóng dây cứu hộ với giá trị hơn 10,3 tỷ đồng theo các hợp đồng Tổng cục đã ký kết.
Bên cạnh hoàn thành các nhiệm vụ trên, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng đã kịp thời xuất cấp hơn 2.142 tấn gạo DTQG để hỗ trợ nhân dân và học sinh các địa phương, hoàn thành 100% kế hoạch được giao...
Như vậy, năm 2023, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xuất cấp hàng DTQG nhanh chóng, kịp thời, góp phần phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024
Phát biểu kết luận Hội nghị, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Vũ Xuân Bách cho biết, năm 2023, ngành DTNN đã tổ chức xuất cấp kịp thời những mặt hàng thiết yếu như lương thực, vật tư, thiết bị, hạt giống, vắc xin, hóa chất sát trùng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh, giáp hạt... với tổng giá trị hàng xuất cấp trên 1.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành DTNN đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động DTQG, phân bổ kế hoạch 2023, chuyển nguồn, tổ chức triển khai đấu thầu mua hàng thuộc kế hoạch năm 2023; thực hiện tốt việc quản lý chất lượng hàng DTQG, bảo quản, bảo vệ an toàn hàng DTQG...
Triển khai nhiệm vụ năm 2024, Quyền Tổng cục trưởng Vũ Xuân Bách yêu cầu các đơn vị ngành DTNN tiếp tục tăng cường xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về DTQG, tạo hành lang pháp lý đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Quang cảnh Hội nghị.
Các đơn vị phấn đấu thực hiện chỉ tiêu kế hoạch DTQG năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng cục DTNN và các bộ, ngành quản lý hàng DTQG; tập trung giải ngân 100% dư toán được giao trong năm 2024.
Cùng với đó, Người đứng đầu ngành DTNN yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, không chế dịch bệnh đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng cường nghiên cứu, đánh giá tình hình và dự báo, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính để chuẩn bị lực lượng DTQG và các kịch bản ứng phó khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra, bảo đảm DTQG chủ động, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài các nhiệm vụ trên, Lãnh đạo Tổng cục DTNN đề nghị các Cục trưởng Cục DTNN khu vực phấn đấu và cam kết hoàn thành chỉ tiêu mua nhập lương thực DTQG theo kế hoạch năm 2024; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc xuất cấp hàng DTQG cứu trợ, hỗ trợ các địa phương bảo đảm kịp thời, hiệu quả...
“Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Tổng cục DTNN mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên của các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động DTQG, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Quyền Tổng cục trưởng Vũ Xuân Bách nhấn mạnh.
Văn Trường - Tạp chí Tài chính điện tử