Hoàng Văn Quyết - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế
Xác định xây dựng, hoàn thiện pháp luật dự trữ quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về dự trữ quốc gia; tổ chức thực hiện xây dựng chính sách, pháp luật dự trữ quốc gia bảo đảm tiến độ... Trong thời gian tới, Tổng cục tiếp tục chú trọng, hoàn thiện chính sách theo hướng đồng bộ, đảm bảo hoạt động dự trữ quốc gia hiệu lực, hiệu quả.
Tổng cục DTNN tổ chức các hội nghị phổ biến chính sách
cho các cán bộ, công chức để đảm bảo thực hiện đúng quy định
Xây dựng cơ chế, chính sách dự trữ quốc gia đồng bộ
Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong những tháng đầu năm 2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã tập trung xây dựng, cơ chế, chính sách dự trữ quốc gia (DTQG) đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Xác định việc rà soát, đánh giá, theo dõi chính sách, pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, Tổng cục DTNN đã chủ động, rà soát các quy định của Luật DTQG, Nghị định số 94/2013/ NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật DTQG và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật.
Đồng thời, Tổng cục DTNN thực hiện đối chiếu với quy định pháp luật các lĩnh vực khác có liên quan như: Pháp luật phòng chống thiên tai; pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật đấu thầu..., để kịp thời phát hiện những điểm còn chồng chéo, thiếu đồng bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật chung.
Trong xây dựng chương trình chính sách, pháp luật DTQG, hàng năm, Tổng cục DTNN rà soát, lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật DTQG theo quy định. Các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về DTQG và xây dựng cơ chế, chính sách nội ngành được ban hành gồm: Các đề án có nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong hoạt động DTQG.
Bên cạnh việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Chương trình xây dựng văn bản pháp luật về DTQG, Tổng cục DTNN theo dõi, cập nhật nội dung các văn bản pháp luật mới, để kịp thời phổ biến, xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các Cục DTNN khu vực, thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật...
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, trường hợp phát sinh các văn bản cần thiết phải bổ sung hoặc vì nguyên nhân khách quan phát sinh văn bản không thể hoàn thành theo tiến độ đã đăng ký, Tổng cục DTNN kịp thời phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách dự trữ quốc gia
Nhằm đảm bảo hoạt động DTQG đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Tổng cục DTNN tiếp tục chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật DTQG. Theo đó, Tổng cục DTNN sẽ tập trung thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về DTQG để trình cấp có thẩm quyền ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050...
Hai là, tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG và các quy định khác có liên quan trong hệ thống pháp luật chung; hoàn thiện trình Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính kết quả rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG và kiến nghị, sửa đổi, bổ sung phù hợp với quá trình triển khai nhiệm vụ trong thực tiễn.
Tổ chức theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về DTQG và chương trình xây dựng cơ chế, chính sách nội ngành, bảo đảm tiến độ và kịp thời đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn quản lý.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi các văn bản pháp luật mới ban hành; tổng kết tình hình triển khai thực hiện các văn bản về DTQG đã ban hành trên thực tế. Trên cơ sở đó, đề xuất các đề án đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024.
Ba là, xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành các đề án, thông tư trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Điển hình như: Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nhà bạt cứu sinh DTQG; Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy phát điện DTQG; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 172/2013/TT-bTc ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thuê bảo quản hàng DTQG và các thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí nhập, xuất, bảo quản và định mức hao hụt hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý.
Việc hoàn thiện các chính sách trên góp phần bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hoạt động DTQG.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, gắn với hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc thực thi pháp luật nói chung và thực thi pháp luật về DTQG nói riêng.
Bài đăng trên Bản tin Dự trữ Nhà nước - Số 3/2023