Nâng khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định; sửa đổi quy định về lựa chọn tổ chức đấu giá hàng dự trữ quốc gia… là những điểm mới tại thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 89/2015/TT-BTC ngày 11/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu ký ban hành.
Hàng dự trữ quốc gia
Nâng khoản tiền đặt trước lên tối thiếu là 5%
Một trong những nội dung được sửa đổi tại Thông tư là việc đăng kí tham gia đấu giá hàng dự trữ quốc gia.
Theo đó, Thông tư đã sửa đổi Khoản 2, Khoản 3 Điều 17 Thông tư số 89/2015/TT-BTC. Cụ thể, người đăng ký tham gia đấu giá được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá; phải nộp khoản tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá hàng dự trữ quốc gia (hoặc Hội đồng bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp không lựa chọn được tổ chức đấu giá) trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc bán đấu giá.
Đáng chú ý, so với thông tư số 89/2015/TT-BTC, khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư số 89/2015/TT-BTC là“Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá” thì khoản tiền đặt trước này được điều chỉnh tăng.
Trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá nhiều đơn vị hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước phải nộp bằng tổng số tiền đặt trước của các đơn vị tài sản tham gia đấu giá.
Khoản tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới năm triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Trường hợp khoản tiền đặt trước được gửi vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng có phát sinh tiền lãi, thì khoản tiền lãi sẽ do các bên thỏa thuận để chuyển thành tiền đặt cọc để thực hiện hợp đồng mua hàng dự trữ quốc gia hoặc trả lại cho người tham gia đấu giá không trúng đấu giá.
Thông tư cũng đưa ra nhiều quy định rõ hơn về khoản tiền đặt trước của người đăng ký tham gia đấu giá. Theo đó, trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước của người trúng đấu giá được tổ chức bán đấu giá tài sản chuyển cho đơn vị dự trữ quốc gia có hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá để được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán hàng dự trữ quốc gia đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua hàng dự trữ quốc gia đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại khoản tiền đặt trước trong trường hợp người tham gia đấu giá không trúng đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá hoặc trong thời hạn khác do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này.
Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; Bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật đấu giá tài sản; Từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật đấu giá tài sản; Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp thuận theo quy định tại Điều 50 Luật đấu giá tài sản; Từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 Luật đấu giá tài sản.
Lựa chọn tổ chức đấu giá hàng dự trữ quốc gia
Thông tư máy cũng sửa đổi quy định tại Khoản 1 Điều 18 về lựa chọn tổ chức đấu giá hàng dự trữ quốc gia tại Thông tư số 89/2015/TT-BTC.
Theo đó, việc lựa chọn tổ chức đấu giá hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 56 Luật đấu giá tài sản.
Về hình thức lựa chọn tổ chức đấu giá, Thông tư quy định rõ: Đơn vị dự trữ quốc gia có hàng dự trữ quốc gia đấu giá căn cứ dự kiến mức phí đấu giá phải trả cho tổ chức đấu giá và các quy định của pháp luật về đấu thầu để quyết định hình thức lựa chọn tổ chức đấu giá.
Căn cứ kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá hàng dự trữ quốc gia, đơn vị dự trữ quốc gia có hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá ký hợp đồng dịch vụ đấu giá hàng dự trữ quốc gia với tổ chức đấu giá để thực hiện việc đấu giá hàng dự trữ quốc gia. Hợp đồng dịch vụ đấu giá hàng dự trữ quốc gia phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định tại Điều 33 của Luật đấu giá tài sản.
Chi phí tổ chức hoạt động bán đấu giá: Đơn vị dự trữ quốc gia có tài sản bán đấu giá được thanh toán các khoản chi phí cho hoạt động đấu giá theo nội dung chi và mức chi do Bộ Tài chính quy định. Nguồn chi cho hoạt động bán đấu giá tài sản từ: Tiền bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá tài sản; khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước theo quy định tại Khoản 6 Điều 39 Luật đấu giá tài sản; nếu thiếu thì được sử dụng từ chi nghiệp vụ dự trữ quốc gia.”
Ngoài ra, thông tư đã sửa đổi Điểm i Khoản 2 Điều 19 Thông tư số 89/2015/TT-BTC. Theo đó, thời hạn giao, nhận hàng không quá 30 ngày kể từ ngày người mua được hàng thanh toán đủ tiền mua hàng thay vì 15 ngày như trước đây.
Nội dung được sửa đổi khác là quy định về xác định cuộc bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia không thành. Cuộc bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia tính cho từng đơn vị tài sản bán đấu giá. Các trường hợp đấu giá không thành áp dụng theo quy định tại Điều 52 Luật đấu giá tài sản.
Trường hợp cuộc bán đấu giá lần thứ nhất không thành, thì đơn vị có tài sản bán đấu giá phối hợp với tổ chức bán đấu giá (Hội đồng đấu giá tài sản trong trường hợp không lựa chọn được tổ chức bán đấu giá) tổ chức bán đấu giá lần thứ hai. Việc tổ chức bán đấu giá lần thứ hai thực hiện tương tự như bán đấu giá lần thứ nhất; nếu sau 02 cuộc bán đấu giá không thành thì đơn vị có tài sản bán đấu giá phải báo cáo người có thẩm quyền để quyết định phương thức bán theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Thông tư số 89/2015/TT-BTC.
Ngoài các điểm trên, Thông tư này cũng bãi bỏ Điểm a, b Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 26 Thông tư số 89/2015/TT-BTC.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2018.
Hồng Sâm