Ngày 10/10/2018 tại TP. Cần Thơ, Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Tây Nam Bộ đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ( 27/9/1988 – 27/9/2018) và đón nhận cờ thi đua của Chính phủ.
Đồng chí Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN thay mặt Bộ Tài chính và tập thể lãnh đạo Tổng cục đến dự và phát biểu chỉ đạo. Về phía chính quyền địa phương có đại diện của Thành ủy Cần Thơ, địa diện Đảng ủy khối cơ quan dân chính đảng thành phố Cần Thơ. Tham gia lễ kỷ niệm còn có đại diện là lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN, lãnh đạo các Cục DTNN KV: Cục DTNN KV TP. Hồ Chí Minh, Cục DTNN KV Đông Nam Bộ, Cục DTNN KV Cửu Long. Đến dự buổi lễ còn có lãnh đạo các thời kỳ và toàn thể CBCC Cục DTNN KV Tây Nam Bộ.
Đồng chí Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN
trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Cục DTNN KV Tây Nam Bộ
Tại buổi lễ, đồng chí Lê Minh Hồng thay mặt tập thể lãnh đạo Cục đọc diễn văn lễ kỷ niệm. Theo đó Cục DTNN KV Tây Nam Bộ được thành lập từ cụm kho C501 thuộc Tổng kho H, trên cơ sở Quyết định số 23DT/QĐ ngày 27/9/1988 của Cục Dự trữ Quốc gia (nay là Tổng cục Dự trữ Nhà nước) với tên gọi Chi cục II, chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 1989. Trải qua 30 năm, Cục Dự trữ nhà nước khu vực Tây Nam bộ đã nhiều lần thay đổi tên gọi cũng như tổ chức bộ máy.
Ngày 18/4/1998 Chi cục II đổi tên thành Chi cục Dự trữ Hậu Giang trên cơ sở Quyết định số 41/1998/QĐ-CDTQG của Cục Dự trữ Quốc gia; Ngày 16 tháng 01 năm 2004, Chi cục Dự trữ Hậu Giang được đổi tên thành Dự trữ quốc gia khu vực Hậu Giang; Ngày 20/8/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 106/QĐ-TTg về việc “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính”, tại thời điểm này Dự trữ quốc gia khu vực Hậu Giang được đổi tên thành “Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ”. Đánh giá chung cho thấy Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ đã có 30 năm xây dựng và trưởng thành, nhiêu lần thay đổi tên gọi, thay đổi tổ chức bộ máy nhưng đó là quá trình không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Từ một cụm kho nhỏ, nay Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ đã trở thành một Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, đủ mạnh cả về tổ chức, bộ máy, nguồn lực để thực hiện chức năng dự trữ trên địa bàn 7 tình tây nam của tổ quốc bao gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong diễn văn lễ kỷ niệm có đoạn viết “ với sự quyết tâm của bao thế hệ cán bộ, công chức viên chức, người lao động của đơn vị đã không ngừng phấn đấu để đến hôm nay sau 30 năm thành lập, hoạt động mỗi chúng ta đều vô cùng tự hào về kết quả đạt được đã góp công không nhỏ vào truyền thống vẻ vang của Ngành trong mấy chục năm qua”.
Với những thành tích đạt được, đơn vị đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2009), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm (năm 1997, năm 2008 và năm 2012), Cờ Thi đua của Chính phủ ( năm 1997, 2005 và năm 2017) cùng nhiều danh hiệu cao quý khác cho các tập thể và cá nhân thuộc đơn vị.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, thay mặt tập thể lãnh đạo Tổng cục DTNN, đồng chí Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đánh giá cao quá trình phấn đấu, đóng góp công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ, công chức Cục DTNN KV Tây Nam Bộ để xây dựng đơn vị phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay. Đồng chí nhấn mạnh “Trong 30 năm qua, sau nhiều lần thay đổi tên gọi, thay đổi cơ cấu tổ chức, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ theo từng thời kỳ, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ đã làm tốt công tác bố trí lại tổ chức bộ máy...... đã xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức có kiến thức, năng lực, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, gắn bó với ngành phù hợp với cơ cấu tổ chức bảo đảm bộ máy tổ chức luôn vận hành thông suốt hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao”.
Toàn cảnh hội nghị
Tại lễ kỷ niệm đồng chí Đỗ Việt Đức đã chỉ đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ trong thời gian tới để đáp ững yêu cầu nhiệm vụ mới, cục cần tập trung nghiện cứu, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong từng tổ chức và mỗi cán bộ công chức, làm tốt nhiệm vụ được phân công. Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong công tác phải thật sự cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong quản lý hàng hoá dự trữ; quản lý và sử dụng đúng mục đích, đúng quy định các loại nguồn vốn, kinh phí, tài sản; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, hàng hóa dự trữ nhà nước. Yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ này, từ trong lãnh đạo đến cán bộ công chức phải thực hiện thường xuyên, liên tục, được cụ thể hoá trong các chương trình công tác của đơn vị. Thực hiện có hiệu quả Luật Dự trữ Quốc gia và các văn bản hướng dẫn, kịp thời phản ánh những vướng mắc trong tổ chức thực hiện để bổ sung cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý hàng Dự trữ ngày càng đi vào nề nếp nhằm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính đối với lĩnh vực Dự trữ Nhà nước.
Hai là, với chức năng và nhiệm vụ được giao là đảm bảo kịp thời khi có yêu cầu về xuất cấp hàng phục vụ nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác khi được Đảng và Nhà nước giao. Toàn thể cán bộ công chức của đơn vị luôn chủ động kịp thời xuất hàng dự trữ trong mọi tình huống, nắm chắc lượng hàng tồn kho, đảm bảo chất lượng hàng, thời gian bảo quản hàng dự trữ.
Trong điều kiện hoạt động của Cục trên địa bàn rộng gồm 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng và An Giang, do đó việc điều hành của Cục cần chủ động phối hợp các sở, ban, ngành kịp thời xin ý kiến Lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Trong thời gian tới, Cục cần tiếp tục phát huy và thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất với Tổng cục để cùng với toàn Ngành hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục giữ vững niềm tin của Đảng bộ - chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố.
Ba là, phải tăng cường công tác quản lý trong từng khâu công việc; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tạo điều kiện để cán bộ công chức yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong quá trình làm công tác dự trữ có liên quan đến tiền, hàng, phí, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản, đến chất lượng hàng dự trữ, đến nhập hàng và xuất hàng.... Nếu trong những khâu nào không rõ ràng, không thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng ngay đến chất lượng, hiệu quả quản lý hàng dự trữ. Yêu cầu đặt ra đối với lãnh đạo đơn vị phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc phân công, giao nhiệm vụ cho cấp dưới và kiểm tra giám sát cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ được phân công. Quá trình lãnh đạo điều hành phải phát hiện những vấn đề còn bất hợp lý như: định mức về chi phí, tiêu chuẩn hàng khi nhập kho; cần sơ kết, tổng kết đánh giá một cách cụ thể; trên cơ sở đó tham mưu đề xuất với Tổng cục DTNN nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Bốn là, trên cơ sở quy hoạch tổng thể mạng lưới kho DTNN đã được phê duyệt và quy hoạch phát triển KT–XH của địa phương, Cục cần rà soát kho tàng hiện có, lực lượng dự trữ trên địa bàn so với nhu cầu; quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản về kho hàng dự trữ đảm bảo tích lượng đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong triển khai việc này phải có trọng tâm, trọng điểm, kho xây mới phải hiện đại và chịu được diễn biến thời tiết bão lũ trên từng địa bàn nhằm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, cùng với các địa phương khắc phục kịp thời khi có bão lũ, nhanh chóng ổn đình đời sống nhân dân trong khu vực được phân công phụ trách.
Năm là, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan đơn vị, tăng cường sự phối kết hợp giữa cấp ủy Đảng, Thủ trưởng cơ quan và các tổ chức đoàn thể; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể thực sự trong sạch vững mạnh; xây dựng cơ quan văn hoá, hoạt động có nề nếp; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức của Cục vừa hồng vừa chuyên, giữ gìn và phát huy truyền thống trong những năm qua. Muốn vậy, từ lãnh đạo đến cán bộ công chức phải hết sức toàn tâm, toàn ý cho công việc, đoàn kết nhất trí cao từ trong nội bộ Đảng - chính quyền đến các đoàn thể, tạo ra sức mạnh tổng hợp để hành động một cách quyết liệt, trên cơ sở có phân công giao việc một cách cụ thể rõ ràng, có kiểm tra, đánh giá kết quả từng việc. Trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện, tiếp tục rà soát làm tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, bố trí đề bạt bổ nhiệm, thực hiện tốt các chế độ chính sách và quan tâm chăm lo đến đời sống cán bộ công chức trong toàn đơn vị. Đảng bộ Cục DTNNKV Tây Nam Bộ cần thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng bộ vừa qua, đồng thời thực hiện tốt công tác xây dựng đảng theo chỉ đạo của Đảng bộ địa phương.
Sáu là, tiếp tục phát động phong trào thi đua trong toàn đơn vị nhằm phát huy truyền thống của ngành DTNN đã đạt được trong 62 năm qua, động viên cán bộ công chức trong đơn vị ra sức phấn đấu tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phong trào thi đua phải có chủ đề thiết thực và có thời gian cụ thể; phải có sơ kết, tổng kết phong trào, có động viên khen thưởng những tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc, đồng thời có biện pháp nhân rộng điển hình tiên tiến để toàn thể CBCC đơn vị học tập và noi theo, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi, để giữ vững danh hiệu Đảng và Nhà nước đã trao tặng, phấn đấu đạt được những danh hiệu cao quý hơn.
Đồng chí Lê Minh Hồng cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ thay mặt lãnh đạo và cán bộ công chức Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng cục trường và hứa cùng với thể tập lãnh đạo và cán bộ công chức phấn đấu thực hiện những nội dung chỉ đạo của Tổng cục trưởng và phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được Tổng cục giao.
Lễ kỷ niệm kết thúc trong không khí đầm ấm, phấn khởi, tự hào và tin tưởng ở một tương lai tươi sáng hơn
Văn phòng Tổng cục