Cùng với Hệ thống Dự trữ Quốc gia chuyên trách do Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) quản lý, được tổ chức, bố trí từ trung ương đến các địa phương với 22 Cục DTNN khu vực, hệ thống quản lý dự trữ quốc gia còn được đặt tại 9 bộ, ngành, với hệ thống kho tàng, hàng hóa được bố trí trên khắp các địa bàn trong cả nước đã đảm bảo cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia mà Đảng và Nhà nước giao. 60 năm ngày Truyền thống ngành Dự trữ Nhà nước, cũng là niềm vui chung, niềm tự hào của các cán bộ làm công tác ở các bộ ngành này. Xin trân trọng đăng trích một số ý kiến của đại diện các bộ, ngành.
1. Phối hợp tốt hơn để nâng cao hiệu quả công tác DTQG
Thiếu tướng Nguyễn Tường Long - Cục trưởng Cục Quản lý
trang bị kỹ thuật, Bộ Công an
Thời gian qua, sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ công an với các cơ quan chức năng của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác dự trữ quốc gia rất nhịp nhàng, từ việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng năm, trung hạn, dài hạn trên cơ sở xác định nhu cầu của lực lượng công an đến tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu và công tác quản lý, sử dụng các nguồn trang thiết bị…
Trong mỗi một bước thực hiện, Cục Quản lý trang bị và trang cấp thuộc Tổng cục hậu cần-kỹ thuật, Bộ công an phối hợp rất chặt chẽ với Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Các trang thiết bị được đưa vào kế hoạch mua sắm và nhập kho dự trữ đều có sự tham gia, phối hợp của Tổng cục Dự trữ Nhà nước để đánh giá nhu cầu, tính năng tác dụng, qua đó phát huy được hiệu quả cao nhất khi đưa vào sử dụng trong những tình huống cần thiết.
Trong công tác quản lý, bảo quản, cấp phát, chúng tôi đều có những thông tin, trao đổi, phối hợp thường xuyên với Tổng cục Dự trữ Nhà nước để kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo dưỡng và sử dụng hàng hóa… Tôi cho đó là sự phối hợp rất tốt, ngay kể cả việc kiểm tra định kỳ, chúng tôi cũng duy trì rất tốt. Nhờ đó, hàng dự trữ quốc gia giao cho Bộ công an được quản lý rất chặt chẽ, được bố trí theo các khu vực, các địa bàn trọng điểm để làm sao khi có các yêu cầu tác chiến là có thể xuất hàng được nhanh nhất và tiết kiệm nhất.
Việc đánh giá tổng kết hàng năm về công tác dự trữ quốc gia cũng được 2 bên thường xuyên tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá ưu, nhược điểm, qua đó có những kiến nghị để báo cáo với Chính phủ, làm sao các trang thiết bị được sử dụng có hiệu quả nhất, nhanh chóng đáp ứng được ngay các yêu cầu chiến đấu.
Hiện nay nguồn lực dự trữ quốc gia giao cho bộ công an có trên một nghìn tỷ đồng, với trên 30 danh mục mặt hàng. Những danh mục mặt hàng này là những mặt hàng đặc chủng, tiên tiến, hiện đại, tính năng tác dụng cao. Có thể nói, công tác dự trữ quốc gia ngày càng trưởng thành, lớn mạnh. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chủ trương của nhà nước, nhất là tham mưu của Tổng cục Dự trữ Nhà nươc về lĩnh vực này hết sức đúng đắn và hiệu quả.
Trong thời gian tới, nhà nước cần tiếp tục ưu tiên cho nguồn lực dự trữ quốc gia, làm sao có dự phòng đủ mạnh để đáp ứng được các yêu cầu cấp bách. Và cũng mong, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục phát huy được vai trò là cơ quan tham mưu, cơ quan quản lý của nhà nước về lĩnh vực này ngày càng hiệu quả và thu được các kết quả tốt. Đối với lực lượng vũ trang Bộ công an chúng tôi hứa sẽ phối hợp với Tổng cục Dự trữ Nhà nước tốt hơn để quản lý sử dụng hiệu quả nguồn dự trữ quốc gia giao cho Bộ công an./.
2. Dự trữ Quốc phòng luôn nhận được sự ủng hộ của Tổng cục Dự trữ Nhà nước
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng – Cục trưởng
Cục Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc Phòng
Dự trữ quốc gia trong quốc phòng là nhiệm vụ rất quan trọng. Muốn xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại thì ngoài việc xây đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh nhuệ, yêu cầu phải được huấn luyện thành thục các kỹ năng về trang bị vũ khí. Trang bị vũ khí, kỹ thuật của quân đội ta hiện nay chủ yếu là từ thời Liên Xô và các nước XHCN cũ. Vì vậy, việc duy trì, bảo quản, tăng hạn để giữ “sức sống” cho hệ thống vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật là vô cùng quan trọng. Trong tình hình đó việc bảo đảm dự trữ quốc gia để dự phòng cho các tình huống xẩy ra. Vì có nhiều trường hợp dù có tiền cũng không thể muốn mua là có ngay được nhất là các loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự. Cụ thể, để đặt mua một mặt hàng nào đó để thay thế thì phải thực hiện rất nhiều thủ tục đầu tư theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng: lựa chọn, khảo sát trang thiết bị ở các nước sản xuất, đàm phán với đối tác, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức ký hợp đồng,…Từ khi triển khai các bước thủ tục cho đến lúc hàng hóa thiết bị về tới Việt Nam mất hàng năm trời. Như vậy nếu không có sẵn trong trang bị được dự trữ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đầu của Quân đội.
Từ trước đến nay, quan điểm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là dự trữ chủ yếu từ các cơ quan chiến lược, nhất là các tổng cục, các quân chủng, binh chủng. Các cơ quan chiến lược dự trữ một lượng vũ khí, trang bị, khí tài trên cơ sở nắm bắt tình hình hoạt động của toàn quân, để lựa chọn chủng loại cần thiết phải mua sắm, dự trữ. Vừa qua, Cục Kế hoạch và Đầu tư/BQP đã chủ động đề xuất thêm các trang thiết bị đáp ứng cho những lực lượng và yêu cầu nhiệm vụ mới, như lực lượng Cảnh sát biển. Qua thực tiễn hoạt động và để bảo đảm tính liên tục khi thực thi pháp luật trên biển thì không thể không có dự trữ thiết bị. Công tác dự trữ quốc gia trong Quân đội luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các Bộ, ngành Nhà nước, nhất là Bộ Tài chính mà trực tiếp là Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Tuy vậy, do ngân sách còn khó khăn, nên nguồn lực bảo đảm vẫn còn thấp nhiều so với nhu cầu thực tế, trong khi yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới là rất lớn, vì vậy, theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng là căn cứ tình hình hoạt động của toàn quân, phải rà soát rất chặt chẽ, tính toán, chọn lọc để xác định mặt hàng nào là quan trọng nhất, bức thiết nhất để báo cáo Nhà nước theo thứ tự ưu tiên. Quy trình tổ chức mua sắm của các Tổng cục, Quân chủng, Binh chủng bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, minh bạch, công khai theo quy định pháp luật của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Để công tác dự trữ bảo đảm tốt được yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, Cục Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện tốt chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếp tục tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng để lựa chọn tốt nhất các mặt hàng dự trữ quốc gia cho thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các cơ quan có liên quan xây dựng chỉ tiêu kế hoạch báo cáo Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn cho DTQG giai đoạn 2016-2020
Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại,
Bộ Kế hoạch và đầu tư
Với chức năng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển; tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó có kế hoạch và nguồn vốn chi cho dự trữ quốc gia, trong thời gian vừa qua, mặc dù NSNN còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG tham mưu cho Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ quan tâm, cân đối NSNN, hàng năm đều bố trí tăng nguồn vốn chi cho DTQG; đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn để mua tăng các mặt hàng thiết yếu chiến lược đưa vào DTQG như: lương thực, vật tư nông nghiệp, hàng an ninh, quốc phòng.
Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia năm 5, hàng năm. Hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có văn bản hướng dẫn các cơ quan triển khai xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, trong đó có kế hoạch DTQG. Trên cơ sở kế hoạch DTQG do các Bộ, ngành quản lý hàng DTQG xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan (VPCP) thẩm định, cân đối và tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm; đảm bảo luôn ưu tiên, bố trí tăng cường nguồn vốn chi cho DTQG trong kế hoạch phát triển KT-XH; đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của DTQG.
Ngoài nguồn vốn bố trí mua tăng, hàng năm, Bộ KHĐT đều phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ bố trí nguồn vốn để mua bù, mua bổ sung hàng DTQG theo đúng quy định của Luật DTQG, đảm bảo hàng DTQG khi xuất cấp ra được bù lại đầy đủ, kịp thời.
Tính đến hết năm 2015, tổng mức DTQG đã tăng gấp 2 lần năm 2010 và tăng gấp 5-6 lần năm 2000; lực lượng DTQG thực sự là nguồn lực chiến lược của nhà nước, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xuất cấp trong tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.
Ngoài việc tăng cường nguồn vốn mua hàng DTQG; những năm qua, Bộ KHĐT cũng đã thường xuyên tham mưu cho Chính phủ bố trí tăng nguồn vốn chi cho đầu tư xây dựng kho bảo quản hàng DTQG. Các bộ, ngành đã từng bước được bố trí vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhiều kho chứa hàng (như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT); đảm bảo hệ thống kho DTQG được đồng bộ, hiện đại, bố trí theo ngành, vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của vùng lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác bảo quản và quản lý hàng DTQG.
Riêng Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) trong giai đoạn 2011-2015, đã được Ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư xây dựng kho và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ gần 900 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% kế hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn cho DTQG giai đoạn 2016-2020, làm cơ sở cho việc bố trí vốn đầu tư xây dựng hàng năm cho ngành DTQG.
Trong những năm tới, căn cứ quy định của Luật NSNN, chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để tổng hợp kế hoạch DTQG chung trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao kế hoạch DTQG cho các bộ, ngành quản lý hàng DTQG./.
(Bài đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam - Số báo đặc biệt Kỷ niệm 60 năm
ngày thành lập ngành Dự trữ Nhà nước (07/08/1956-07/08/2016)