Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Dự trữ Nhà nước (07/08/1956 – 07/08/2016) : Tin tưởng ngành Dự trữ Nhà nước phát triển mạnh hơn trên chặng đường phía trước

(06/08/2016)

                                Tiến sỹ Phạm Phan Dũng

                                                               Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 

Trong lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Dự trữ Nhà nước vinh dự được ghi dấu ấn của nhiều vị tiền bối, lão thành cách mạng, những nhà lãnh đạo xuất sắc, trong đó đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính là người có công rất lớn, có những quyết định tạo bước ngoặt quan trọng, thúc đẩy sự nghiệp ngành Dự trữ Nhà nước không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

và Tổng cục trưởng Tổng cục   Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng

 

Thời khắc lịch sử

Nhắc tới nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có lẽ với cán bộ ngành Dự trữ Nhà nước không thể nào quên câu chuyện mang tính lịch sử, có ý nghĩa lớn lao cách đây gần 2 thập kỷ, được coi là  “khúc ngoặt” trong sự phát triển của ngành mà khi đó đồng chí là Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Vào những tháng cuối năm 2000, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình về cải cách nền hành chính nhà nước, đã có nhiều phương án sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước ở Trung ương như không để các Tổng cục, Cục, Ban,…thuộc Chính phủ mà chuyển về trực thuộc các Bộ. Cục Dự trữ quốc gia (DTQG) khi ấy là cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng không nằm ngoài phương án này. Lúc đó có ít nhất 3 phương án được đưa ra: hoặc là nhập về Văn phòng Chính phủ, hoặc nhập về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc nhập về Bộ Tài chính. Mọi việc đã được hoàn tất với quyết định số 102/2000/TTg của Thủ tướng Chính phủ chuyển Cục Dự trữ Quốc gia về trực thuộc Bộ Tài chính.

Việc nhập Cục Dự trữ quốc gia về bộ nào, anh em trong Ngành có lẽ không có băn khoăn nhiều mà nguyện vọng lớn nhất của những người bấy lâu nay tâm huyết với công tác DTQG là dù chuyển về đâu thì việc rất quan trọng là phải duy trì và phát triển hoạt động DTQG, cần giữ nguyên hệ thống để công việc không bị xáo trộn, đảm bảo thực hiên tốt nhiệm vụ Nhà nước giao.

Tuy vậy, khoảng trung tuần tháng 8 năm ấy, có thông tin về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý lương thực DTQG về cho các Tổng Công ty lương thực đảm nhận. Điều đó đã làm cho tư tưởng của cán bộ trong Cục DTQG hoang mang, lo lắng về nhiệm vụ chính trị, về mục tiêu hoạt động của ngành Dự trữ Nhà nước có còn thực hiện được không? Hay khi chuyển hàng DTQG về các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp có thể sẽ ít quan tâm đến mục tiêu hoạt động của DTQG ?. Đó là những lo lắng chính đáng.

Hiểu được những tâm tư nguyện vọng đó, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Tài chính và các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, như đồng chí Phạm Văn Trọng, Thứ trưởng thường trực, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Thứ trưởng, Bí thư Đảng bộ Bộ Tài chính lúc bấy giờ…đã ủng hộ những kiến nghị hợp lý của Cục DTQG và đã báo cáo lại với Đảng, Chính phủ về những mặt hạn chế nếu chuyển giao nhiệm vụ DTQG về các Tổng công ty và đề xuất phải giữ sự ổn định, đề cao việc thực hiện nhiệm vụ và chiến lược phát triển lâu dài của Ngành Dự trữ Nhà nước, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia.

Cuối cùng việc bàn giao nhiệm vụ quản lý hàng DTQG thông dụng về các Tổng công ty được hoãn lại và Cục DTQG chính thức chuyển về Bộ Tài chính quản lý. Thời khắc rất đặc biệt này của ngành Dự trữ Nhà nước có lẽ sẽ mãi là một kỷ niệm mà cán bộ công chức ngành không thể nào quên.

Theo sát từng bước đổi mới của ngành dự trữ

Ngay sau thời điểm lịch sử ấy, Thủ tư­ớng Chính phủ đã có quyết định số 270/2003/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Tài chính. Tiếp sau đó, để hoàn thiện tiếp tổ chức bộ máy của Cục DTQG cho phù hợp với điều kiện và tình hình mới, ngày 20/4/2004  Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã ký quyết định số 39/2004/QĐ-BTC, ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Dự trữ quốc gia khu vực, trực thuộc Cục Dự trữ quốc gia.

Có một vấn đề quan trọng nữa là cần đổi mới cơ chế quản lý hoạt động DTQG như thế nào trước tình hình mới của đất nước ? Trước yêu cầu này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo và trực tiếp làm trưởng ban soạn thảo Pháp lệnh Dự trữ quốc gia. Sau một thời gian ngắn triển khai xây dựng, ngày 12/5/2004, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký lệnh số 05/2004/L/CTN công bố Pháp lệnh Dự trữ quốc gia. Ở thời điểm ấy, Pháp lệnh DTQG ra đời là một mốc son lịch sử trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động DTQG; pháp lệnh đã xác định những nhiệm vụ chiến lược và quá trình tổ chức lực lượng làm cơ sở  cho hoạt động DTQG phát triển lâu dài; đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình xây dựng và phát triển của Ngành; là cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động DTQG ngày càng ổn định, phát triển.

Để nhanh chóng đ­ưa Pháp lệnh DTQG đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo Cục DTQG khẩn tr­ương phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định 196/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh DTQG. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều Thông t­ư và các văn bản quy phạm pháp luật khác h­ướng dẫn thi hành Nghị định số 196, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động DTQG. Nhờ có những đổi mới về thể chế chính sách, kết hợp với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nên quy mô DTQG ngày càng đư­ợc chú trọng và tăng cư­ờng. Tổng mức dự trữ bình quân trong các năm 2000 - 2005 tăng 120%. so với năm 1997.

Công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống kho tàng gắn với công  nghệ bảo quản theo hướng hiện đại, tập trung, thống nhất cũng là một việc đặc biệt quan trọng của Ngành. Vì thế, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã quan tâm, chỉ đạo công việc ấy và ngày 7/01/2004, ông đã phê chuẩn đề án “Quy hoạch xây dựng hệ thống kho dự trữ, giai đoạn 2003-2010”. Đề án quy hoạch này đã làm thây đổi diện mạo của hệ thống kho DTNN, thể hiện được quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng là: Tổ chức lại hệ thống kho DTQG theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối, có cơ quan quản lý nhà nước ở bên trên; có hệ thống kho ở bên dưới; kho được bố trí tại các vùng kinh tế trọng điểm. Theo quy hoạch này, bắt đầu từ năm 2004, ngân sách Nhà n­ước đã bố trí vốn để đầu t­ư xây dựng các dự án kho DTNN theo công nghệ tiên tiến. Hiện nay, những mẫu kho thiết kế mới, theo h­ướng hiện đại hoá đã và đang tiếp tục đư­ợc xây dựng theo quy hoạch...

Tin tưởng ngành tiến xa hơn trên chặng đường phía trước

Trong những ngày ngành Dự trữ Nhà nước tích cực chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày truyền thông, chúng tôi thật may mắn và vinh dự được đến thăm Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ngay sau những lời hỏi thăm ân cần, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng  lời ngợi khen: “Ngành Dự trữ Nhà nước những năm qua đã chủ động, sáng tạo, có những bước chuyển mình mạnh mẽ trước những đòi hỏi về tình hình mới của đất nước; đã xây dựng và sử dụng nguồn lực Dự trữ quốc gia một cách hiệu quả”.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ: Hệ thống Dự trữ Nhà nước, cần dự trữ những mặt hàng chiến lược nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh như cứu trợ, cứu đói, góp phần đảm bảo an sinh xã hôi; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và bình ổn thị trường.

Tổng cục DTNN nói riêng và ngành DTNN nói chung cần chủ động xây dựng, đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội bố trí nguồn lực để quy mô hàng DTQG được nâng dần, tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại và ngày càng phục vụ có hiệu quả cho những yêu cầu đột xuất cấp bách cũng như các mục tiêu quốc gia về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng. Từng bước hoàn thiện thể chế theo hướng đảm bảo nhiệm vụ dự trữ chiến lược. Một thành tựu nữa không thể không nhắc đến của ngành DTNN thời gian qua là đã từng bước xây dựng và hiện đại hóa kho tàng và công nghệ bảo quản hàng DTQG; đã có chiến lược phát triển DTQG, có quy hoạch tổng thể bố trí hợp lý hệ thống kho tàng và hàng hóa. Từ đó, đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ” trong mọi tình huống, góp phần tích cực giúp các địa phương, các ngành vừa phòng chống, vừa khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bênh.

Việc Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ 4) thông qua Luật dự trữ quốc gia cũng là để đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong tình hình mới và để nâng cao hiệu quả hoạt động DTQG trong điều kiện đất nước đang phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. “Đây là một thành công rất lớn đối với hoạt động DTQG, là kết quả sự nỗ lực tập trung của toàn ngành, cùng với sự giúp đỡ hiệu quả của Quốc hôi, Chính phủ, các cơ quan đầu ngành, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Luật Dự trữ quốc gia là cơ sở pháp lý cao nhất, định hướng cho phát triển hoạt động DTQG; là công cụ hữu hiệu quản lý các hoạt động DTQG, nâng vị thế, vai trò ngành DTNN lên một tầm cao mới” – Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đăc biệt nhấn mạnh như thế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ rõ, “ngành DTNN còn nhiều việc phải làm, cần chủ động hơn nữa, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế chính sách hoạt động DTQG phù hợp với thực tiễn tình hình đất nước trong giai đoạn mới, trong điều kiện mới. Đồng thời, cần tăng cường tiềm lực DTQG với cơ cấu chủng loại hàng DTQG hợp lý nhằm đáp ứng được mục tiêu DTQG. Cần tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi áp dụng công nghệ tiên tiến vào bảo quản hàng DTQG để vừa bảo đảm tốt về chất lượng, đồng thời kéo dài được thời gian bảo quản, lưu kho và tiết kiệm ngân sách”.

Đã từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính, lại là người trực tiếp chỉ đạo hoạt động DTQG, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắn nhủ: “với đặc thù của hoạt DTQG, cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng lực lượng coi đây là nhân tố quyết định, đồng thời quan tâm đến đời sống mọi mặt của CBCC để họ yêu ngành, yêu nghề gắn bó với hoạt động của ngành; đồng thời có thể thu hút và phát triển được nguồn nhân lực, nhân tài đối với ngành DTNN.

Dù bận nhiều việc và ở bất kỳ cương vị nào, nhưng Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng luôn quan tâm đến ngành DTNN bằng những chỉ đạo sát sao cùng những quyết sách kịp thời như thế. Ông phấn khởi, vui mừng vì lớp cán bộ DTNN hôm nay luôn giữ được truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, giữ vững được nét son của ngành, giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, hết lòng phụng sự đất nước và nhân dân. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng rằng: “Phát huy những kết quả đã đạt được, khai thác tốt tiềm năng sẵn có, cùng với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức trong toàn ngành, ngành DTNN sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đángv ới sự tin cậy của Đảng và Nhà nước tin yêu giao phó và tiến xa hơn trên chặng đường phía trước.”

 

Là người nhiều năm gắn bó và luôn quan tâm đến hoạt động của hệ thống DTNN, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hết sức chia sẻ và cảm thông với những khó khăn vất vả của các cán bộ ngành DTNN khi tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa. “Chúng ta rất vinh dự vì được chia sẻ với nhân dân những lúc khó khăn nhất và tự hào với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua đã tô thêm trang sử vàng truyền thống 60 năm của ngành DTNN, trưởng thành và từng bước hoàn thiện mình như ngày hôm nay”, nguyên Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh./.

 

(Bài đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam - Số báo đặc biệt Kỷ niệm 60 năm

ngày thành lập ngành Dự trữ Nhà nước (07/08/1956-07/08/2016)