Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Dự trữ Nhà nước (07/08/1956 – 07/08/2016): Phát huy truyền thống anh hùng của Ngành Dự trữ Nhà nước

(06/08/2016)

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Dự trữ Nhà nước (07/08/1956 – 07/08/2016), các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính đã gửi thư chức mừng, động viên và giao nhiệm vụ cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Dự trữ Nhà nước. Chúng tôi xin trân trọng trích đăng thư của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính. Tít bài do Tòa soạn đặt.

 

1. Thư chúc mừng của Chủ tịch nước.

 

 

2. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Ngành Dự trữ đã góp phần làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến cứu nước

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi đó mặc dù chưa thành lập cơ quan chuyên trách dự trữ nhưng Đảng và Nhà nước vẫn rất quan tâm đến việc chuẩn bị các nguồn lực cho công cuộc kháng chiến.

Trong giai đoạn khó khăn đó, việc dự trữ lương thực, dự trữ muối là 2 mặt hàng chiến lược quan trọng nhất được Chính phủ và Bác Hồ rất quan tâm. Chính sự chuẩn bị tốt về công tác dự trữ đã góp phần to lớn dẫn đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành dự trữ đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc XHCN, xây dựng các công trình lớn để kiến thiết miền Bắc, đồng thời chi viện lương thực, vật tư, vũ khí … cho chiến trường miền Nam. Những đóng góp to lớn của ngành dự trữ đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới, phá bỏ cơ chế tập trung, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, ngành dự trữ đã tích cự đổi mới cơ chế chính sách về quản lý hàng hóa, vật tư dự trữ quốc gia, thực hiện các biện pháp quản lý linh hoạt, hiệu quả và ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo quản. Dự trữ Nhà nước đã kịp thời đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng chống thiên tai bão lụt và tham gia các hoạt động cứu trợ và an sinh xã hội./. 

 

 

3. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Hoạt động hiệu quả và kịp thời của Dự trữ Nhà nước đã được ghi nhận

 

 

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu và khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới đã tác động nặng nề đến Việt Nam, làm cho các hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, vai trò của Dự trữ nhà nước ngày càng trở nên quan trọng, góp phần ứng phó với thiên tai, hỗ trợ công tác an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Dự trữ nhà nước cũng đã đóng góp kịp thời cho công tác an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.

Trong điều kiện còn khó khăn, ngành Dự trữ nhà nước đã tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính Phủ, Quốc hội bố trí hợp lý nguồn lực để tăng dần quy mô dự trữ nhà nước, vừa tăng cường số lượng, đa dạng về chủng loại và đảm bảo chất lượng ứng phó với những tình huống đột xuất, cấp bách một cách hiệu quả. Có thể thấy những hoạt động hiệu quả và kịp thời của ngành Dự trữ nhà nước như: hỗ trợ thuốc phòng trừ dịch bênh cho người, gia súc và hoa màu; hỗ trợ giống cây trồng … khi có dịch bệnh xảy ra; hỗ trợ gạo cứu đói lúc giáp hạt, hỗ trợ nông dân bị hạn hán ở Miền trung, Tây Nguyên; hỗ trợ gạo cho học sinh vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ cho các dự án trồng rừng, cho ngư dân miền Trung bị thảm họa cá chết. Những hoạt động rất kịp thời của ngành Dự trữ nhà nước được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Trong giai đoạn cả nước tiến hành CNH-HDH và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Tài chính nói chung và ngành Dự trữ nhà nước nói riêng cần bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà trước tiên quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; chủ động dự báo, nắm bắt những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế để đổi mới tư duy hoạt động dự trữ nhà nước. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác nghiên cứu, dự báo và hoạch định chiến lược để tăng cường nguồn lực dự trữ nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Với khả năng và nguồn lực hợp lý, ngành Dự trữ nhà nước cần chủ động tiếp cân các mục tiêu an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các khu vực khó khăn để xây dựng kế hoạch dự trữ nhà nước cho phù hợp. Xây dựng và nâng cấp hệ thống kho tàng dự trữ nhà nước theo hướng hiện đại tại các địa bàn chiến lược đã được xác định trong quy hoạch của ngành. Chuẩn bị tốt các phương án cứu trợ, ứng cứu với phương châm “4 tại chỗ” để đối phó kịp thời các tình huống khẩn cấp về thiên tai, bão lụt cũng như an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ kế cận cho ngành trong những năm tiếp theo.

Toàn thể cán bộ công chức ngành dự trữ nhà nước cần tiếp tục phát huy truyền thống quý báo của ngành để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.

 

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Dự trữ Nhà nước có vị trí quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước

 

 

Cùng với toàn ngành Tài chính, trong những năm qua, ngành DTNN đã vượt qua khó khăn thách thức để vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Nguồn lực DTQG đã từng bước được tăng cường, phát huy, sử dụng có hiệu quả.

Dự trữ Nhà nước đã có những bước chuyển mạnh mẽ về tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; cứu trợ, cứu đói, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tư, an toàn xã  hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biẻn đảo của đất nước trong tình hình mới.

Hệ thống pháp luật về DTQG được hoàn thiện. Khuôn khổ pháp lý để thực thi Luật DTQG cơ bản đã được ban hành với 02 nghị định và hơn 30 thông tư hướng dẫn.

Hệ thống kho tàng và hàng hóa được quy hoạch theo Chiến lược phát triển DTQG, bảo đảm kết hợp kinh tế với an ninh, quốc phòng và các vùng địa bàn chiến lược của đất nước. Đáp ứng được phương châm “4 tại chỗ” trong mọi tình huống.

Trong quá trình hoạt động, Tổng cục DTNN đã xây dựng được quan hệ hợp tác chặt chẽ cấp ủy và chính quyền các địa phương, phối hợp tốt với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương  và một số bộ khác trong công tác quản lý hàng DTQG.

Để góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển của Ngành Tài chính trong thời gian tới, hệ thống DTQG trong cả nước cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng để đưa nghị quyết vào cuộc sống thông qua việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động DTQG phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới.

Tổng cục DTNN cần tiếp tục phát huy tính chủ động trong chỉ đạo, vừa phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch về DTQG do Thủ tướng Chính phủ giao để nâng dần quy mô hàng DTQG theo Chiến lược phát triển DTQG đên năm 2020 đã đề ra.

Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng DTQG, áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác bảo quản hàng DTQG; hoàn thiện xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật cho hàng DTQG được giao quản lý.

Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kho DTQG hiện đại, quy mô, tập trung, phân bố các vùng chiến lược theo quy hoạch, theo chiến lược phát triển DTQG

Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ; quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính.

Tôi hy vộng toàn thể cán bộ công chức ngành dự trữ nhà nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; vượt qua khó khăn, thách thức cùng với toàn ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

 

Bảng vàng thành tích của ngành Dự trữ Nhà nước 60 năm xây dựng và phát triển:

Ngành Dự trữ Nhà nước đã được Chủ Tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, Chiến sỹ thi đua ngành Tài chính, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính...Mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa ký quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất (lần 2)…

Những thành tích vẻ vang đó là nguồn động viên rất lớn về tinh thần, tạo động lực để ngành Dự trữ Nhà nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; đã góp phần tô điểm thêm những thành tích vẻ vang của ngành Dự trữ Nhà nước nói riêng và của toàn ngành Tài chính nói chung./.

 

 (Bài đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam – Số báo đặc biệt Kỷ niệm 60 năm

ngày thành lập Ngành Dự trữ Nhà nước (07/08/1956-07/08/2016)