Kỷ niệm 58 năm ngày thành lập ngành Dự trữ Quốc gia (7/8/1956- 7/8/2014): Ghi nhận nhiều thành quả mới

(12/08/2014)

Trong thời gian qua và nhất là thời gian gần đây, ngành dự trữ quốc gia (DTQG) đã ghi được những “cột mốc” đáng nhớ, chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành. Đấy chính là thành quả của cả một chặng đường mà toàn thể CBCC của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức để từng bước vươn lên, khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thăm và chúc tết Tổng cục DTNN năm 2014.

 

Những “cột mốc” chưa từng có

“Cột mốc” đầu tiên cần nhắc đến trong thời gian gần đây là Tổng cục DTNN đã nỗ lực tham mưu giúp Bộ Tài chính quản lý nhà nước về DTQG, mà trước hết là lĩnh vực xây dựng thể chế. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục DTNN tập trung mọi nguồn lực, chủ động, sáng tạo xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật DTQG; trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DTQG, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020 nhằm tạo hướng phát triển cho ngành DTNN trong những năm tới; đặc biệt chú trọng chỉ đạo việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các định mức KT-KT... tạo hành lang pháp lý cao nhất cho hoạt động DTQG, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý hoạt động DTQG.

“Cột mốc” thứ hai là quy mô hàng DTQG đã được Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực để nâng dần lên từng bước. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (tính đến 31/12/2013), giá trị hàng DTQG trong toàn ngành đã tăng lên gấp 3 lần so với năm 2008, trong đó nổi bật là dự trữ mặt hàng xăng dầu và mặt hàng lương thực; các mặt hàng phòng trừ dịch bệnh cho người, gia súc và cây trồng luôn được đảm bảo kịp thời; các mặt hàng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh được đáp ứng. Đến đầu năm 2013 dự trữ lương thực trong kho đã đạt được mục tiêu mà Chiến lược phát triển DTQG đề ra,

“Cột mốc” thứ ba là củng cố cơ sở vật chất và quy hoạch hệ thống kho DTNN theo hướng vừa từng bước nâng cấp hệ thống kho hiện có kết hợp với việc xây dựng mới hệ thống kho theo hướng tập trung, quy mô lớn tại những vị trí trọng yếu của từng khu vực để có thể bảo quản tốt hàng DTQG với số lượng ngày càng tăng. Kết quả là: các bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính đã phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống kho. Riêng Tổng cục DTNN, tính đến cuối năm 2013 đã có thêm khoảng 100.000 tấn kho được đưa vào sử dụng; một số Cục và trên 10 Chi cục DTQG đã có trụ sở làm việc mới.

“Cột mốc” thứ tư là công tác bảo quản hàng DTQG luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành; công tác quản lý chất lượng hàng DTQG là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm.

 

 Vì vậy, Tổng cục DTNN đã định hướng ưu tiên cho nghiên cứu, xây dựng, phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động DTQG. Đặc biệt là việc ban hành nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý. Những bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này là cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ từ khâu mua sắm, bảo quản đến xuất cấp hàng DTQG. Đến nay, có thể khẳng định rằng các mặt hàng vật tư thiết bị DTQG đều đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm và cứu nạn, của các bộ, các địa phương.

“Cột mốc” thứ năm là công tác hỗ trợ, cứu trợ, cứu nạn của ngành DTQG: tổng giá trị xuất cấp hàng DTQG (xuất không thu tiền) để cứu trợ, hỗ trợ hàng năm đều vượt mức 1.000 tỷ đồng, trong đó lượng gạo DTQG xuất cấp không thu tiền vượt mức 100.000 tấn/năm.

“Cột mốc” thứ sáu là, công tác xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tổng cục DTNN theo định hướng ổn định và phát triển được đặc biệt chú trọng. Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ DTQG trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ đã nâng cấp Cục DTQG lên thành Tổng cục DTNN và cho phép thành lập mới thêm 4 cục DTNN khu vực (Cửu long, Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên và Hoàng Liên Sơn), 2 cơ quan tham mưu là Cục Công nghệ thông tin và Vụ Thanh tra dự trữ; tiếp nhận trở lại nhiệm vụ quản lý muối ăn DTQG từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Bộ Tài chính. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 1.900 biên chế sự nghiệp của Tổng cục DTNN sang biên chế hành chính, tạo điều kiện để cán bộ trong ngành yên tâm công tác...

Để ngành DTQG đạt được những “cột mốc” ấy, có một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) được ban hành và đi vào cuộc sống. Đến nay, sau hơn một năm Luật DTQG chính thức có hiệu lực, hoạt động DTQG ngày càng được quan tâm. Nếu như trước đây, việc xuất cấp hàng DTQG chỉ chủ yếu phục vụ cho công tác cứu trợ, cứu nạn, cứu đói thì nay Chính phủ đã quan tâm hơn nữa đến các đối tượng chính sách xã hội khác như: hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ người dân trồng rừng...

Tập thể lao động tận tâm và sáng tạo

Thời gian qua, Tổng cục DTNN đã tích cực chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành quản lý hàng DTQG tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm trong xây dựng và thực hiện kế hoạch; trong quản lý giám sát hoạt động DTQG, trong việc giải ngân các nguồn vốn với mục tiêu là nâng dần quy mô hàng DTQG lên.

Với phương châm “Kho có hàng, người có việc”, Tổng cục DTNN đã triển khai nhiều giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nghiêm các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội như: tổ chức mua nhập, xuất bán, xuất cấp các mặt hàng thiết yếu kịp thời phục vụ công tác cứu trợ, cứu đói, viện trợ quốc tế đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chủ trương, biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãnh phí, chống tham nhũng. Chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình xử lý công việc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

Trong những năm qua, hoạt động bảo quản hàng DTQG của Tổng cục DTNN có những bước chuyển đổi căn bản trên cơ sở một hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các loại định mức kinh tế kỹ thuật đối với hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý theo định hướng ưu tiên cho xây dựng, phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động DTQG.

Trong quá trình hoạt động, Tổng cục DTNN đã tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và tận dụng cơ hội để khai thác thêm nguồn vốn cho đầu tư, cho sữa chữa lớn; có giải pháp để nhanh chóng đưa các dự án kho mới, mô hình kho tiền chế vào sử dụng tại một số đơn vị dự trữ... kịp thời khắc phục những khó khăn về điều kiện kho tàng để hoàn thành kế hoạch được giao. Thắng lợi này đã không những góp phần thực hiện được chiến lược DTQG, tạo thêm tích lượng kho để bố trí nguồn hàng DTNN rộng khắp cả 22 khu vực trong cả nước, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội mà còn thêm được công ăn việc làm cho CBCC trong ngành để họ yên tâm với công việc được giao, bảo quản hàng DTQG an toàn cả về chất lượng và số lượng, không để xảy ra tham ô, mất mát.

Có thể nói rằng, trong thời gian qua, nhất là trong 5 năm gần đây (2008-2013), bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về DTQG, đảm bảo việc quản lý hoạt động DTQG có hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao vai trò của DTNN trong tình hình mới., Tổng Cục DTNN đã làm tốt nhiệm vụ quản lý trực tiếp một số loại hàng DTQG, đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; bảo quản an toàn tuyệt đối hàng hóa dự trữ đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ được giao; từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ công chức ngày càng vững mạnh.

                     Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: