Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và “bước ngoặt” của ngành Dự trữ Việt Nam

(08/05/2014)

Đến giờ, khi ngành Dự trữ Việt Nam trở nên “hùng mạnh”, với nhiệm vụ “tích cốc phòng cơ”, nhiều người trong ngành vẫn lưu truyền câu chuyện mang tính lịch sử, có ý nghĩa lớn lao, “khúc ngoặt” trong sự phát triển của ngành. Chỉ thị 15/CT về tăng cường lực lượng Dự trữ Nhà nước (DTNN) là một ví dụ điển hình, mang đậm dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) ngày ấy...

 

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Chỉ thị 15/CT của HĐBT

Trong những năm 1986 – 1990, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế từng bước chuyển từ chế độ tập trung bao cấp sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Quá trình đổi mới diễn ra hết sức quyết liệt, không chỉ trong nhận thức, quan điểm mà là cuộc cách mạng từ cơ chế, chính sách đến tổ chức vận hành nền kinh tế, từ vĩ mô đến vi mô, cả từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở, đều có những chuyển động hết sức sâu sắc.

 

Đồng chí Đỗ Mười (bên phải), khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,

trao đổi về công tác dự trữ với đồng chí F.I.Losenkov - Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô,

Đại biểu tối cao Xô viết Liên Xô, Chủ nhiệm Ủy ban DTNN Liên Xô, năm 1987, tại Hà Nội.

 

Là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Lúc bấy giờ, với cương vị là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch HĐBT, đồng chí Đỗ Mười là người sâu sát cơ sở, nhiều lần trực tiếp làm việc với lãnh đạo cục và kiểm tra hoạt động của ngành. Năm 1986, đồng chí Đỗ Mười đã đến tận Kho dự trữ BO2 ở Đà Nẵng để kiểm tra... Chỉ thị số 15/CT khi đó đã tạo ra một “bước ngoặt”, động lực mới, để ngành Dự trữ phát triển.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi thật may mắn khi được nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười kể lại chi tiết sự kiện trên. Cuối năm 1987, lực lượng hàng hóa dự trữ tồn kho rất thấp, đặc biệt lương thực. Một phần do sản xuất lương thực trong nước chưa đủ ăn, vẫn phải nhập khẩu, nhận viện trợ và vay nợ từ nước ngoài. Mặt khác, khi nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, đã xuất hiện tư tưởng: với cơ chế thị trường, khi cần thì mua hoặc nhập khẩu, không cần dự trữ.

Nhằm nhanh chóng, chấn chỉnh khắc phục tình trạng trên, ngày 11/1/1988, ông cùng HĐBT đã bàn bạc và quyết định ban hành Chỉ thị số 15. Vốn là một người đầy tâm huyết, quyết đoán, khi đã đưa ra việc gì mới, ông luôn sát sao, chỉ đạo quyết liệt và cụ thể. Vì thế, đi đôi với việc ban hành chỉ thị, ông đã cùng HĐBT đưa ra các biện pháp chỉ đạo kiên quyết như: cách thu mua lương thực theo nghĩa vụ mà các địa phương phải bán cho Nhà nước, đổi vật tư, xăng dầu… của Nhà nước; lấy lương thực từ đồng bằng sông Cửu Long ra miền Bắc…

Không dừng ở đó, ngày 8/9/1988, HĐBT tiếp tục ban hành Nghị định số 142/HĐBT về Quy chế quản lý DTQG để xây dựng nề nếp, cơ chế quản lý DTQG trong tiến trình đổi mới đất nước. Vào thời điểm ấy, Nghị định số 142 là một trong những văn bản có tính pháp lý cao nhất về cơ chế quản lý DTQG.

Luôn dõi theo người làm dự trữ

Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị 15 và Nghị định 142 đã tạo ra động lực mới cho ngành DTQG phát triển. Trong hai năm 1988 và 1989 hàng hóa dự trữ của Nhà nước đã tăng lên; đặc biệt là lương thực. Nếu như cuối năm 1987, tồn kho dự trữ lương thực hầu như không còn, thì đến cuối năm 1989, đã tăng lên gần 40 vạn tấn; các loại vật tư khác cũng tăng lên đáng kể.

Lúc đó, nghị định đã đổi tên Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước thành Cục DTQG và thay đổi hệ thống bộ máy tổ chức (trên cơ sở các Tổng kho trước đây). Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức ngành DTQG cũng được tăng cường. Từ chỗ chỉ có trên 500 cán bộ, công chức vào đầu những năm 1980, đến cuối năm 1989, số lượng cán bộ, công chức đã tăng lên gần 3.500 người (riêng số cán bộ công chức hành chính sự nghiệp là 3.218 người). Công tác đào tạo cán bộ bước đầu đã được chú trọng.

Nguyên Tổng Bí thư còn kể cho chúng tôi nghe về những buổi gặp gỡ, tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực dự trữ. Ông vẫn nhớ như in buổi làm việc và trao đổi cụ thể về công tác dự trữ với đồng chí F.I.Losenkov - Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Đại biểu tối cao Xô viết Liên Xô, Chủ nhiệm Ủy ban DTNN Liên Xô đến Hà Nội năm 1987. Với những cách làm việc rất nguyên tắc và kiên định, nhưng cũng hết sức mềm dẻo, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã mang lại thành công, là cơ sở hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển dự trữ của hai nước...

Điều đặc biệt rất quý báu đối với ngành DTQG, sau này dù trải qua nhiều cương vị, ông vẫn luôn dành thời gian tới thăm, động viên cán bộ công nhân viên của ngành vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1996, nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống và 40 năm thành lập Cục Dự trữ, ông lúc bấy giờ đã là Tổng Bí thư đã gửi thư khen và đánh giá cao về vai trò, vị trí của DTQG. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn tỏ ra ra phấn khởi, vui mừng vì lớp cán bộ DTQG hôm nay luôn giữ được truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, giữ vững được nét son của ngành, giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, hết lòng phụng sự đất nước và nhân dân.

Năm nay, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã ở tuổi 99, với 80 năm hoạt động cách mạng và 75 năm tuổi Đảng. Ông trải qua nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng và chính quyền và tới tận cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Ông chính là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới. Rõ ràng, thời gian có thể lấy đi sức khỏe nhưng trái tim của ông vẫn luôn dành cho đất nước, cho dân tộc và ngành Dự trữ có niềm tự hào riêng của mình, là luôn chiếm một góc trong trái tim tràn đầy nhiệt huyết của ông...

 

Trải qua bao biến cố thăng trầm, ngành Dự trữ Quốc gia ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong nền kinh tế - xã hội của đất nước; có nhiều đóng góp quý báu vào sự nghiệp kháng chiến giành độc lập dân tộc, vào công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nền tảng của sự phát triển này là kết quả của đường lối và chủ trương phát triển ngành DTQG của Đảng và Nhà nước, trong đó có vai trò và dấu ấn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đặc biệt trong những giai đoạn bước ngoặt lịch sử của ngành. Tập thể lãnh đạo và cán bộ ngành DTQG  hiện đang thực hiện thắng lợi, xứng đáng với sự mong ước và tin cậy của ông đối với ngành DTQG…

 

                   Thời báo Tài chính Việt Nam