Nguồn lực dự trữ quốc gia luôn được sử dụng hiệu quả

(19/06/2014)

“Những thách thức trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay, cùng yêu cầu cứu trợ, viện trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, nhất là quá trình biến đổi khí hậu đang biến động khôn lường trong khu vực... đặt ra nhiệm vụ nặng nề và cấp bách đối với ngành Dự trữ quốc gia (DTQG). Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã và đang chủ động trong thực hiện các chính sách, mục tiêu của Nhà nước, cũng như xác định nhu cầu của các địa phương để chỉ đạo việc sử dụng nguồn lực DTQG hiệu quả”, đó là thông tin được TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN nhấn mạnh trong buổi trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam.

 

TS. Phạm Phan Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 

Chính sách thiết thực

TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết, những năm qua, nguồn lực DTQG chủ yếu tập trung đáp ứng cho các nhu cầu về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói và viện trợ quốc tế. Lực lượng DTQG xuất cấp cho các địa phương trong thời gian qua đã góp phần tích cực giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống, vượt qua khó khăn sau lũ lụt, dịch bệnh, cứu đói giáp hạt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2009, xuất cứu trợ 63.570 tấn gạo; viện trợ 7.000 tấn gạo…, đến năm 2013, số lượng xuất cứu trợ đã lên đến 105.071 tấn gạo. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay (30/4), ngành DTQG xuất cứu trợ 56.327 tấn gạo phục vụ nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội…

 

 

Để ngày càng phát huy vai trò của DTQG trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước và, để đáp ứng yêu cầu cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt…, trong thời gian vừa qua, Tổng cục DTNN đã chủ động phối hợp với các địa phương các bộ, ngành liên quan xây dựng và đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách trong đó có sử dụng nguồn lực DTQG tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia và coi đây là một trong những nguồn lực tài chính quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Trước hết, là chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (Quyết định số 36/2013-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện từ năm học 2013 – 2014). Đây là chính sách có tác động trên phạm vi rộng và mang tính nhân văn sâu sắc. Đối tượng thụ hưởng là học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập. Triển khai thực hiện chính sách này, trong năm học 2013-2014, Tổng cục DTNN đã xuất trên 58.000 tấn gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ học sinh diện này.

Tiếp đến là chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2008-2015 (theo Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 20/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ) với mục tiêu hỗ trợ tiền, gạo cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại 69 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang nhận  khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất…góp phần duy trì đảm bảo đời sống nhân dân. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư, trong thời gian 7 năm từ 2008 – 2015 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang sẽ được hỗ trợ 12.896 tấn gạo từ nguồn DTQG để thực hiện Dự án. Đến nay, Tổng cục DTNN đã xuất trên 10.800 tấn gạo từ nguồn DTQG hỗ trợ  dự án này.

Cùng với đó là chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (không bao gồm các hộ nghèo đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP) trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn 2013-2018 (Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ) xuất cấp (không thu tiền) 3.000 tấn gạo/năm với thời gian là 6 năm từ nguồn DTQG

Ngoài ra, để hỗ trợ đột xuất cho người dân di cư tự do từ Camphuchia về Việt Nam gặp khó khăn về đời sống trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-TTg ngày 23/1/2014; mỗi người dân được hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng, trong vòng 3 tháng, trong đó tỉnh An Giang có 3.491 nhân khẩu được hỗ trợ 157 tấn gạo; tỉnh Tây Ninh có 2.970 nhân khẩu được hỗ trợ 134 tấn gạo; tỉnh Long An có 1.433 nhân khẩu được hỗ trợ 64 tấn gạo; tỉnh Kiên Giang có 304 nhân khẩu được hỗ trợ 14 tấn gạo; tỉnh Đắk Nông có 24 nhân khẩu được hỗ trợ 1 tấn gạo; tỉnh Bình Phước có 767 nhân khẩu được hỗ trợ 35 tấn gạo.

Hiệu quả tích cực

Chia sẻ với phóng viên về việc hiệu quả từ việc sử dụng nguồn lực DTQG, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết: Việc hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang được cấp phát vào các thời điểm giáp hạt giúp người dân không bị đói thời gian khó khăn nhất. Chính sách này đã có tác động tích cực, trước hết giải quyết được một phần vấn đề an ninh lương thực trong những tháng giáp hạt cho người dân sống liền kề với rừng, từ đó phát huy được tính cộng đồng trong công tác khoanh nuôi, phát triển, bảo vệ, phòng chống chữa cháy rừng.. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang đã có 28.000 hộ đăng ký tham gia trồng rừng. Dự kiến đến khi kết thúc thời gian thực hiện dự án, sẽ có khoảng 310.000 lượt ha rừng được khoanh nuôi bảo vệ; phát triển trên 8.000 ha rừng và trên 190.000 lượt khẩu thuộc các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ, hưởng lợi từ dự án.

 

 

Thay vì từ trước tới nay, chỉ biết dựa vào rừng tự nhiên khai thác gỗ, củi phục vụ nhu cầu đời sống, nay đồng bào dân tộc thiểu số đã biết trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên. Không những thế, quá trình này còn giúp thu hút các hộ gia đình trên địa bàn huyện tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; từng bước cải thiện môi trường sinh thái, thay đổi môi trường sống có lợi cho con người; hệ thống rừng được tạo lập sẽ tạo nên môi trường xanh, góp phần bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế…

Riêng đối với các em học sinh (HS) nghèo tại các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn gạo DTQG là một chính sách mới rất nhân văn. Mặc dù, các chính sách hỗ trợ đối với HS dân tộc nội trú và bán trú đã được ban hành tương đối đầy đủ; góp phần khắc phục tình trạng khó khăn về nơi ở và lương thực thực phẩm, để HS dân tộc duy trì việc học tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng so sánh giữa các chính sách vẫn có sự chênh lệch về mức hỗ trợ của nhà nước đối với HS dân tộc nội trú và bán trú. Do đó, với 15kg gạo được hỗ trợ thêm hàng tháng cho mỗi học sinh, các em được ăn uống đầy đủ và no ấm hơn, nhờ đó được tiếp thêm sức đến trường. Về phía các nhà trường cũng không còn phải đau đáu lo chạy ăn từng bữa cho các em trong bối cảnh đời sống khó khăn, giá cả leo thang. Các thầy cô giáo cũng thêm yên tâm tập trung sức lực, trí tuệ, tâm huyết cho công tác giảng dạy, phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học.

Với chính sách hỗ trợ về lương thực từ nguồn DTQG đối với 9.000 người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia về nước chưa có hộ tịch, hộ khẩu, gặp khó khăn về đời sống trong những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với người dân di cư tự do trở về quê hương, là một động lực lớn lao để những người dân yên tâm ổn định và xây cuộc sống mới trên đất mẹ thân yêu...

Có thể nói, những đổi thay tích cực trên những miền quê nghèo, niềm vui, sự tin tưởng của người dân từ các em học sinh đang tuổi cắp sách đến trường đến già làng, trưởng bản; từ bà con trong nước đến những người xa xứ trở về…đều phấn khởi, tin tưởng vào các chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Việc chủ động, tích cực tiếp cận các chương trình mục tiêu và các chính sách trợ cấp đảm báo an sinh xã hội qua sử dụng nguồn lực DTQG để góp phần vào quá trình phát triển bền vững của đất nước là, phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội. Theo định hướng này, vị trí vai trò của DTQG ngày càng được khẳng định và đi vào cuộc sống; nguồn lực DTQG đã đóng góp và phát huy được hiệu quả xã hội.

TS. Phạm Phan Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

 

                       Thời báo Tài chính Việt Nam