Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Một năm nhiều thành công

(12/03/2013)

Trao đổi với phóng viên của Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Long – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, công tác xây dựng cơ chế chính sách luôn được Tổng cục DTNN  xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2012, Tổng cục đã tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp tốt với các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính; bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG); các cơ quan liên quan như Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp và các Đoàn Đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng dự án Luật Dự trữ quốc gia và Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020.

 

Tổng cục DTNN đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng,

tập trung nguồn lực để thực hiện xây dựng cơ chế chính sách

Hoàn thành 100% đề án

Ông Nguyễn Ngọc Long cho biết, chương trình kế hoạch năm 2012, Tổng cục DTNN được giao xây dựng 12 đề án, trong đó 5 đề án trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và 7 đề án trình Bộ Tài chính ban hành.

Đối với dự án Luật DTQG đã tập trung nguồn lực trong xây dựng và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, bảo đảm đúng yêu cầu về thời gian, chất lượng trình Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua vào ngày 20/11/2012 với tỷ lệ 99,8% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (471/472); Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2012/NĐ-CP ngày 17/5/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 2/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh DTQG. Điểm nhấn trong nghị định này là quy định rõ thẩm quyền của Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG; xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG; đồng thời từ việc phân công quản lý hàng DTQG đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 162/QĐ-TTg ngày 15/1/2013 về việc chuyển giao nhiệm vụ DTQG mặt hàng muối từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Bộ Tài chính quản lý.  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 (Quyết định số 2091/QĐ-TTg ngày 28/12/2012)…  

Đối với đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính, điểm nhấn là Thông tư số 181/2012/TT-BTC ngày 24/10/2012 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 143/2007/TT-BTC ngày 3/12/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 2/12/2004; Thông tư số 131/2012/TT-BTC ngày 13/8/2012 của Bộ Tài chính ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về DTNN đối với phao tròn cứu sinh…

Từ kết quả trên có thể nói rằng, năm 2012, Tổng cục DTNN đã hoàn thành 100% đề án thuộc chương trình xây dựng cơ chế, chính sách cho hoạt động quản lý DTNN.

Khẩn trương xây dựng Nghị định, Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia

Để Luật DTQG đi vào cuộc sống hiện Tổng cục DTNN đang khẩn trương xây dựng đồng bộ, cơ chế chính sách quản lý DTQG, theo kế hoạch triển khai Luật DTQG của Bộ Tài chính đã ban hành tại Quyết định số 43/QĐ-BTC ngày 7/1/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (xây dựng 01 Nghị định, 8 Thông tư); kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020; từng bước hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật hàng DTQG là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổng cục DTNN năm 2013.

Ông Nguyễn Ngọc Long cho biết, Tổng cục DTNN đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, tập trung nguồn lực để thực hiện xây dựng cơ chế chính sách là Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư thi hành Luật DTQG sao cho hệ thống văn bản quy định chi tiết thi hành Luật DTQG bảo đảm được ban hành có hiệu lực cùng thời gian có hiệu lực của Luật DTQG là ngày 1/7/2013 đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020. Để đảm bảo tiến độ, Tổng cục DTNN mong muốn các bộ, ngành quản lý hàng DTQG sẽ tích cực, kịp thời tham gia ý kiến để Tổng cục DTNN tiếp thu hoàn chỉnh trình các cấp quyết định đúng tiến độ. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu, rộng Luật DTQG đến tất cả mọi tầng lớp dân cư cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong ngành để mọi người hiểu rõ Luật DTQG, giúp cho quá trình triển khai, thực hiện được thuận lợi; khẩn trương xây dựng và ban hành các loại định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quản lý chất lượng hàng DTQG.

Sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; sự ủng hộ của các đoàn đại biểu Quốc hội; sự đóng góp tích cực của các bộ, ngành quản lý hàng DTQG,  ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các cục DTNN khu vực và các đơn vị trực thuộc đã góp phần vào những thành tích trong việc xây dựng cơ chế chính sách của ngành DTNN. 

 

            Thời báo Tài chính



Các tin đã đưa ngày: