Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020"

(03/01/2013)

Sau 5 năm thực hiện “Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” được ban hành tại Quyết định số 139/2007/QĐ-TTg ngày 23/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ; đến nay tình hình kinh tế-xã hội của đất nước có nhiều thay đổi. Để phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn mới; ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2091/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Chiến lược phát triển DTQG), với nội dung chủ yếu sau:

1. Về quan điểm dự trữ quốc gia (DTQG).

Trên cơ sở kế thừa một số quan điểm DTQG của Chiến lược 139/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển DTQG đưa ra một số quan điểm DTQG, trong đó khẳng định DTQG là nguồn dự trữ chiến lược của nhà nước, có vị trí và vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững, đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước; hoạt động DTQG luôn được phát triển và đổi mới; hàng DTQG được bố trí ở các khu vực, địa bàn chiến lược trong cả nước, với những mặt hàng phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống đột xuất, cấp bách. Đặc biệt, trong giai đoạn tới Chiến lược phát triển DTQG nhấn mạnh nội dung xã hội hóa hoạt động DTQG, dưới sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Nhà nước, mọi cơ quan, đoàn thể và tầng lớp nhân dân có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia hoạt động DTQG, với phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo chủ động, sẵn sàng ứng phó, đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp bách xảy ra.

Ngoài ra, Chiến lược phát triển DTQG cũng khẳng định việc chi tăng cho DTQG hàng năm thuộc ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật; quỹ DTQG đến năm 2020 chỉ bố trí bằng hiện vật, sau khi xuất ra phải được bù lại đầy đủ, kịp thời.

2. Về mục tiêu DTQG

  Chiến lược phát triển DTQG đã đề ra “mục tiêu tổng quát” và “mục tiêu cụ thể” của DTQG trong giai đoạn mới; trong đó mục tiêu tổng quát là sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; phục vụ động viên công nghiệp; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.

Để triển khai thực hiện mục tiêu tổng quát nêu trên, Chiến lược phát triển DTQG đã quy định các mục tiêu cụ thể về: danh mục, số lượng hàng, kho chứa hàng, công nghệ bảo quản, công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực DTQG.

3. Về định hướng DTQG đến năm 2020

3.1. Đối với tổng mức DTQG:

Trên cơ sở định hướng Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 và để đáp ứng các mục tiêu của DTQG trong giai đoạn mới, Chiến lược phát triển DTQG quy định cụ thể mức DQTG qua từng giai đoạn như: đến năm 2015, tổng mức DTQG đạt khoảng 0,8 - 1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.

3.2. Đối với quỹ DTQG:

a) Về danh mục: Trên cơ sở các danh mục mặt hàng đã được quy định tại Quyết định số 139/2007/QĐ-TTg ngày 23/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; Chiến lược phát triển DTQG bố trí tăng cường nguồn lực ngân sách để tập trung mua tăng những mặt hàng chiến lược, thiết yếu, quan trọng, sẵn sàng đáp ứng mục tiêu của DTQG theo 5 nhóm mặt hàng.

Ngoài ra, hàng năm, căn cứ tình hình cụ thể sẽ mua tăng những mặt hàng trong danh mục và đề xuất bổ sung những mặt hàng thiết yếu, chiến lược mới vào danh mục hàng DTQG.

b) Về mức dự trữ một số mặt hàng thiết yếu

Chiến lược phát triển DTQG đã định hướng mức dự trữ một số mặt hàng thiết yếu, chiến lược, quan trọng, cụ thể:

- Lương thực: đến năm đến năm 2015 giữ mức ổn định khoảng 500.000 tấn (quy thóc); sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế để quyết định mức tăng cụ thể để đáp ứng mục tiêu DTQG.

- Xăng dầu: mức DTQG đáp ứng nhu cầu cho 10 ngày sử dụng (khoảng 500.000 m3,tấn xăng dầu thành phẩm) và 700.000 tấn dầu thô.

- Vật tư, trang thiết bị ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn: đạt mức theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến  năm 2020;

- Muối trắng: mức dự trữ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng khoảng 130.000 tấn.

- Các mặt hàng nông nghiệp: căn cứ vào dự báo tình hình thiên tai dịch bệnh và nhu cầu cần thiết trong thời gian tới, đối với các mặt hàng: hạt giống cây trồng các loại, thuốc bảo vệ thực vật, vắc xin, thuốc thú y, thuốc sát trùng các loại, định hướng lượng dự trữ cụ thể, phù hợp, nhằm sẵn sàng chủ động hỗ trợ nhân dân phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định sản xuất.

- Đối với các mặt hàng y tế: tập trung vào dự trữ các trang thiết bị y tế và hóa chất khử khuẩn, khử trùng đáp ứng nhu cầu phòng, chống, cấp cứu cho người tại các vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

- Đối với các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh, trang thiết bị đảm bảo giao thông, vận tải: căn cứ vào tình hình và khả năng ngân sách nhà nước trong từng năm, từng giai đoạn để bố trí kế hoạch tăng DTQG theo hướng ưu tiên dự trữ các mặt hàng đảm bảo quốc phòng, an ninh với mức bố trí tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành; đảm bảo đáp ứng yêu cầu giữ gìn quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội và toàn vẹn lãnh thổ.

Ngoài ra, Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 còn đưa ra các định hướng về: công nghệ bảo quản, kho chứa hàng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa DTQG.

4. Về giải pháp thực hiện

Chiến lược phát triển DTQG đã đề ra 10 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu của DTQG, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG; tăng cường huy động các nguồn lực hợp pháp từ Ngân sách nhà nước để tăng cường quỹ DTQG; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng cho hoạt động DTQG; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội, thấy được vị trí, vai trò của hoạt động DTQG.

5. Về tổ chức thực hiện

Chiến lược phát triển DTQG đề ra lộ trình cụ thể để thực hiện các nội dung: tăng cường mức DTQG (theo 2 giai đoạn 2013-2015 và 2016-2020); xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về DTQG và đề ra lộ trình cụ thể để đầu tư, xây dựng hệ thống kho DTQG theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về tổ chức triển khai thực hiện: Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành quản lý hàng DTQG. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Đoàn thể quần chúng nhân dân, có trách nhiệm chủ động tham gia hoạt động DTQG; quản lý, sử dụng hàng DTQG đúng mục đích, có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, bảo vệ an toàn hàng hoá DTQG và tạo điều kiện cho các đơn vị DTQG trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức kinh tế - xã hội và mọi người dân tại địa phương nâng cao nghĩa vụ và trách nhiệm đối với hoạt động DTQG.

Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển DTQG, ngoài sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của toàn thể CBCC trong toàn ngành DTQG, Tổng cục DTNN rất mong nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính và sự phối hợp giúp đõ của các Bộ, ngành, địa phương, các Đoàn thể, quần chúng nhân dân trong công tác DTQG, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu Chiến lược đã đề ra./.

 

                 Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 


Tài liệu đính kèm:



Các tin đã đưa ngày: