Phát biểu chỉ đạo việc triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí nhấn mạnh: Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu là chú trọng khẩn trương rà soát các quy định của Luật Dự trữ quốc gia (DTQG); phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị của Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của luật ngay khi có hiệu lực (1/7/2013).
|
Mục tiêu đặt ra cho ngành DTNN trong năm 2013 là: Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về dự trữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; phát triển nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị và năng lực công tác; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kho DTNN với trang thiết bị hiện đại, quy mô tập trung, hình thành các vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế, quốc phòng của vùng, lãnh thổ; chủ động đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh…
Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng
|
Một bước tiến dài:
Năm 2012, ngành DTNN đã đạt được mục tiêu đề ra: Hoàn thiện tổ chức bộ máy đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của Nhà nước và của Bộ Tài chính giao; đặc biệt, việc Luật DTQG được Quốc hội thông qua là một bước tiến dài trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ; góp phần khẳng định vị trí, vai trò của DTNN trong nền kinh tế xã hội…
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng chia sẻ, khi Quốc hội thông qua Luật DTQG, toàn thể cán bộ công chức ngành DTQG vô cùng phấn khởi và tự hào. Đồng thời, cán bộ, công chức ngành DTNN cũng xác định được những nhiệm vụ mới, những quy chuẩn mới mà mình phải thực hiện, tuân thủ, trong khuôn khổ của luật, theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp…
Nói về điểm mới của Luật DTQG, Tổng cục trưởng cho biết, từ thực tiễn quản lý, điều hành DTQG thời gian qua cho thấy hoạt động DTQG mang tính đặc thù về mức độ khó khăn, yêu cầu khẩn trương trong hoạt động; cần có cơ chế quản lý thích ứng bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực DTQG của Nhà nước, theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả xã hội. Vì vậy, việc Luật DTQG được Quốc hội thông qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã tạo thêm nhiều cơ chế mới cho hoạt động DTQG; giải quyết được một số vướng mắc trước đây như nguồn vốn để mua hàng dự trữ vượt dự toán; chuyển kinh phí sang năm sau đối với việc mua một số mặt hàng đặc thù; các trường hợp mua hàng cần chỉ định thầu để đáp ứng yêu cầu khẩn trương, cấp bách; quy định về nguồn ngân sách chi cho DTQG… được quy định trong luật đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều.
Để Luật DTQG sớm đi vào cuộc sống:
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành DTNN năm 2013 là: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý DTNN; theo kế hoạch triển khai Luật DTQG (2 nghị định, 9 thông tư); kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020; từng bước hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; định mức kỹ thuật hàng DTQG.
Ngành Dự trữ luôn chủ động đáp ứng các yêu cầu cấp bách khi cần thiết
Để đạt được nhiệm vụ đã đề ra, Tổng cục DTNN sẽ tập trung thực hiện một loạt các giải pháp sau: Xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, huy động mọi nguồn lực để thực hiện xây dựng cơ chế chính sách nhất là các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn thi hành Luật DTQG và triển khai Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020.
Trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách, Tổng cục DTNN đề nghị các bộ, ngành quản lý hàng DTQG cần tích cực, kịp thời tham gia ý kiến đóng góp cho các văn bản hướng dẫn, để Tổng cục có thể trình các cấp quyết định đúng tiến độ. Tổng cục DTNN cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu, rộng Luật DTQG đến tất cả mọi tầng lớp dân cư, các cấp, các ngành, để mọi người hiểu rõ Luật DTQG, giúp cho quá trình triển khai, thực hiện được thuận lợi; khẩn trương xây dựng và ban hành các loại định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quản lý chất lượng hàng DTQG.
Thời báo Tài chính Việt Nam