Thực hiện kế hoạch đoàn ra năm 2019 của Tổng cục DTNN được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, từ ngày 20- 27/11, Đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước do bà Bùi Thúy Ngọc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dư trữ Nhà nước làm trưởng đoàn đã sang làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan của Cộng hòa Ấn Độ để trao trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực dự trữ quốc gia và công tác xây dựng kế hoạch phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Vụ Kế hoạch, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Công nghệ thông tin và lãnh đạo một số Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.
Cộng hòa Ấn Độ là một quốc gia tại Nam Á. Đây là quốc gia lớn thứ bảy về diện tích, và đông dân thứ nhì trên thế giới với trên 1,33 tỷ người. Mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong hai thập kỷ qua, nhiều người Ấn Độ vẫn không được hưởng lợi từ sự cải thiện về kinh tế, tình trạng mất an ninh lương thực vẫn còn tiếp diễn, gánh nặng suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng cao do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và hệ quả của tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng cao…
Đoàn công tác Tổng cục DTNN làm việc với Tổng cục Lương thực và Phân phối công cộng tại Ấn Độ.
Trong thời gian làm việc tai Ấn độ, Đoàn đã có buổi gặp và làm việc với Tổng cục Lương thực và Phân phối công cộng. Tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Lương thực và Phân phối công cộng, ngài Dinesh Kumar Gupta Giám đốc bộ phận phân phối lương thực đã báo cáo với đoàn công tác về chức năng, nhiệm vụ, kết quả hoạt động cũng như những nội dung cải cách trong công tác quản lý của Tổng cục Lương thực và Phân phối công cộng trong suốt 60 năm qua, đồng thời giới thiệu và chia sẻ với đoàn về kinh nghiệm trong công tác xây dựng kế hoạch, chính sách, ứng dụng CNTT trong tác quản lý và hỗ trợ người nghèo, người chịu ảnh hưởng khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra....Các nhiệm vụ chính của Tổng cục lương thực và phân phối công cộng gồm: (i) Bình ổn giá lương thực; (ii) Đảm bảo sự sẵn có các mặt hàng thiết yếu cho những người nghèo; (iii) Kiểm soát thị trường chợ đen… Năm 2013, Ấn độ đã ban hành Luật An toàn Thực phẩm quốc gia, trong Luật này quy định rõ việc phân phối những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết một cách hợp pháp cho các hộ nghèo của nước này. Luật An toàn Thực phẩm quốc gia chính thức đặt mục tiêu của hệ thống phân phối công cộng là cung cấp ngũ cốc thực phẩm được trợ giá cho hơn 800 triệu người, hoặc khoảng 2/3 Dân số Ấn Độ. Một trong những điểm đáng chú ý trong công tác quản lý xuất cấp của Tổng cục Lương thực và Phân phối công cộng là đưa công nghệ thông tin trở thành công cụ quản lý các chính sách giúp cho công tác thống kê, giám sát và đánh giá hiệu quả các chính sách, chương trình của Chính phủ cũng như tiết kiệm chi phí quản lý, bảo đảm công khai minh bạch. Đặc biệt hệ thống công nghệ thông tin đã sử dụng dữ liệu thông tin cá nhân từ mã số định định danh từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định đối tượng người thụ hưởng, mức độ thụ hưởng của từng cá nhân, toàn bộ thông tin người thụ hưởng được được tích hợp và quản lý thông qua thẻ định danh cá nhân (UID); phân phối các mặt hàng thiết yếu đến đối tượng thụ hưởng bằng cách tự động hóa các cửa hàng trợ giá thông qua việc cài đặt thiết bị điện tử (FPS) cung cấp các thông tin về đối tượng, danh mục, số lượng hàng hóa được trợ giá và ghi lại các giao dịch bán hàng… Đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã trao đổi với đại diện của Tổng cục Lương thực và Phân phối công cộng về cách thức xây dựng kế hoạch mua lương thực dự trữ hàng năm, phương pháp xác định giá mua lương thực dự trữ hàng năm của bạn.
Cũng trong chuyến công tác lần này, đoàn cũng có buổi trao đổi và làm việc với Cơ quan quản lý thảm họa Ấn độ, tại buổi làm việc thay mặt Cơ quan quản lý thảm họa Ấn độ, ngài Ramesh Kumar Tổng thư ký Cơ quan quản lý thảm họa đã giới thiệu với Đoàn công tác của Tổng cục về tầm nhìn, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Cơ quan quản lý thảm họa Ấn độ. Theo đó, Cơ quan quản lý thảm họa Ấn độ có mục tiêu: “Xây dựng một Ấn Độ an toàn và chủ động chống lại thảm họa bằng cách phát triển một chiến lược toàn diện dựa trên công nghệ; thúc đẩy văn hóa phòng ngừa, chuẩn bị, giảm thiểu thảm họa trong toàn cộng đồng”. Để thực hiện mục tiêu này, Cơ quan quản lý thảm họa Ấn độ có các nhiệm vụ chủ yếu như: Xây dựng chính sách về quản lý thảm họa; nghiên cứu đề xuất, phân loại các thảm họa, rủi ro, cảnh báo, xây dựng kịch bản ứng phó, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xử lý các sự cố, rủi ro không mong muốn xảy ra và nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia khi có thảm họa xảy ra. …Đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã trao đổi với đại diện của Cơ quan quản lý thảm họa Ấn độ về cách thức xây dựng các kịch bản ứng phó; sử dụng nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, trong đó có nguồn lực dự trữ quốc gia, việc phân công, phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân khi có thảm họa xảy ra.
Đoàn công tác Tổng cục DTNN làm việc với Cơ quan quản lý thiên tai Ấn Độ
Trong chương trình hoạt động tại Ấn độ, Đoàn còn có buổi gặp làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Tại buổi làm việc, bà Bùi Thúy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước thay mặt đoàn trình bày chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục mong muốn học hỏi Ấn Độ về kinh nghiệm quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự trữ lương thực và mặt hàng thiết yếu của quốc gia, đặc biệt những thông tin, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Phát biểu tại buổi tiếp đoàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn độ, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt nam về các vấn đề UNESCO Phạm Sanh Châu chào mừng đoàn tới Ấn Độ, thăm Đại sứ quán và trao đổi với các cơ quan của Ấn Độ về công tác dự trữ quốc gia, trong đó kinh nghiệm quản lý, sử dụng và bảo quản dự trữ lương thực là trọng điểm. Đại sứ Phạm Sanh Châu tin tưởng chuyến thăm sẽ đạt kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu thông tin của Đoàn.
Đoàn công tác Tổng cục DTNN làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Kết thúc buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị, Phó Tổng Cục trưởng Bùi Thúy Ngọc thay mặt đoàn công tác cảm ơn sự đón tiếp và trao đổi thân tình giữa các cơ quan, đơn vị về kinh nghiệm về công tác về dự trữ lương thực và quản lý thảm họa tại Cộng hòa Ấn Độ. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục có những buổi tiếp xúc và làm việc giữa các bên nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hoạt động dự trữ, ứng phó khẩn cấp./.
Đoàn công tác tại Ấn Độ