Tiềm lực Dự trữ Quốc gia ngày càng lớn mạnh

(03/11/2015)

Hàng cứu trợ từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) bao gồm: Vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn, lương thực, thuốc phòng dịch bệnh cho người, gia súc và cây trồng, giống cây trồng… được đưa tới người dân kịp thời không chỉ giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh mà còn góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn” - Tiến sỹ Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã cho biết như thế khi nói về  vai trò của DTQG.

 

DTQG bằng hiện vật gồm vật tư, thiết bị, hàng hóa đang để tại các Bộ: Tài chính,

Quốc phòng, Công an, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế...

 

Bình ổn và điều tiết kinh tế vĩ mô   

Có một thực tế không thể phủ nhận đó là nguồn lực DTQG vừa là công cụ tài chính - tiền tệ, vừa là tiềm lực tài chính nhà nước để sẵn sàng, chủ động can thiệp điều tiết thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, trong những tình huống thiên tai, dịch bệnh hoặc khi thị trường có diễn biến phức tạp, khan hiếm nguồn cung dẫn đến đột biến giá cả hàng hóa và tỷ giá.

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho biết, dự trữ của mỗi quốc gia bao gồm cả tiền và hiện vật. DTQG bằng tiền gồm dự phòng ngân sách nhà nước (NSNN) do Bộ Tài chính quản lý và dự trữ ngoại hối nhà nước do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý. DTQG bằng hiện vật gồm vật tư, thiết bị, hàng hóa đang để tại các Bộ: Bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế…

Về dự phòng NSNN: Theo quy định của Luật NSNN (năm 2015), dự phòng NSNN được bố trí từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp và được sử dụng để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán; chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng.

Về dự trữ ngoại hối nhà nước, theo Thống đốc NHNN cho biết, tính đến thời điểm này đạt 37 tỷ USD, nếu tính cả các khoản khác như vàng, tiền gửi của Kho bạc, của các tổ chức tín dụng ở NHNN (không phải bằng tiền đồng)... thì khoảng 40 tỷ USD. Riêng vàng có khoảng 10 tấn. Lực lượng này đủ lớn để can thiệp thị trường, ổn định tỉ giá.

Với DTQG bằng hiện vật như: Xăng dầu, lương thực, vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn, thiết bị cho an ninh, quốc phòng… được xem  là công cụ đảm bảo sự can thiệp của nhà nước có hiệu quả nhất trong những trường hợp khẩn cấp. “Tổng giá trị hàng DTQG xuất cấp trong các năm  2011 -  2015 hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó để phục vụ các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng khoảng 867 tỷ đồng. Cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thuốc thú ý, giống cây trồng... là hơn trên 4.000 tỷ đồng”, ông Phạm Phan Dũng cho biết.

Đưa quy mô DTQG bằng hiện vật đạt khoảng 1-1,5% GDP

Có thể nói, vai trò của dự trữ nhà nước nói chung và DTQG bằng hiện vật nói riêng có vị trí vô cùng quan trọng song trên thực tế vẫn có không ít những băn khoăn khi nhìn vào tổng mức DTQG bằng hiện vật có giảm so với GDP và hiện ở mức thấp, chỉ 0,21% GDP. Liên quan tới vấn đề này, ông Phạm Phan Dũng cho biết, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế và tiềm lực tài chính nhà nước, có thể khẳng định, quy mô DTQG bằng hiện vật theo giá trị và số lượng từng bước được tăng dần. Lý do là các bộ, ngành, địa phương đều thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên khi có sự cố xảy ra giảm thiểu được thiệt hại về người và của, kịp thời giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, sớm khắc phục hậu quả thiên tai.

Đến năm 2015, DTQG bằng hiện vật đã gần đạt mức dự trữ theo chiến lược đề ra, đủ để đáp ứng nhu cầu. Lương thực đạt khoảng 60%; xăng dầu đạt khoảng 80%, các mặt hàng quốc phòng, an ninh đã được đầu tư mua sắm theo hướng tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; các mặt hàng thuốc vacxin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, chữa cháy… lượng tồn kho đủ để đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế ngày càng cao (số tuyệt đối về GDP ngày càng lớn) nên tỷ trọng về tổng mức DTQG bằng hiện vật (không kể vàng) so với GDP mới chiếm khoảng 0,21% GDP. Mức này là còn quá thấp so với mục tiêu chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đặt ra là  1%/GDP. 

 

Hồng Sâm - Thời báo TCVN

 



Các tin đã đưa ngày: