Sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống

(30/09/2015)

Thực tiễn phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam đã chứng minh rằng, khi Nhà nước nắm giữ trong tay một lực lượng DTQG đủ mạnh và được huy động đúng sẽ làm tốt vai trò can thiệp thị trường, ổn định giá cả, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng. 

Xin ông cho biết DTQG đã tham gia điều tiết thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô như thế nào?

Ở Việt Nam, lực lượng DTQG (cả bằng tiền và cả bằng hàng)  vừa là công cụ tài chính - tiền tệ, vừa là tiềm lực tài chính nhà nước để sẵn sàng, chủ động can thiệp điều tiết thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, trong những tình huống thiên tai, dịch bệnh hoặc khi thị trường có diễn biến phức tạp, khan hiếm nguồn cung dẫn đến trên thị trường có đột biến giá cả hàng hóa và cả tỷ giá.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế vĩ mô vừa qua, Chính phủ đánh giá cao những phản ứng chính sách kịp thời của NHNN và các bộ, cơ quan liên quan trước những biến động lớn của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế và khu vực.

Tỷ giá ngoại hối đã được điều chỉnh kịp thời, phù hợp, có tác dụng trung hòa các tác động bất lợi từ bên ngoài. Biện pháp bán ngoại tệ can thiệp nhằm bình ổn thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị của đồng Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô luôn sẵn sàng để áp dụng nếu cần thiết.

 DTQG bằng hiện vật như: Xăng dầu, lương thực, vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn, thiết bị cho an ninh, quốc phòng… là công cụ đảm bảo sự can thiệp của nhà nước, điều tiết thị trường có hiệu quả nhất trong những trường hợp khẩn cấp. Tổng giá trị hàng xuất cấp trong các năm  2011 -  2015 hơn 6.000 tỷ đồng. 

Trong đó để phục vụ các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng: Khoảng 867 tỷ đồng. Cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thuốc thú ý, giống cây trồng... là hơn trên 4.000 tỷ đồng.

Hàng cứu trợ, thuốc, giống cây được đưa tới người dân đúng lúc kịp thời không chỉ giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai mà còn ngăn chặn hiện tượng giá hàng tăng đột biến, góp phần kìm giữ không để lạm phát bùng trở lại, không nảy sinh các hiện tượng xã hội tiêu cực.

Thưa ông, đã có những ái ngại băn khoăn khi nhìn vào tổng mức DTQG bằng hiện vật đã giảm dần so với GDP và còn quá thấp, chỉ 0,21% GDP? Liệu có phải DTQG bằng hiện vật đang yếu đi? Vì sao?

Không phải DTQG yếu đi. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế và tiềm lực tài chính nhà nước, quy mô DTQG bằng hiện vật theo giá trị và số lượng từng bước được tăng theo.

Các bộ, ngành, địa phương đều thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên khi có sự cố xảy ra đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của, kịp thời giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, sớm khắc phục hậu quả thiên tai. Đến năm 2015, DTQG bằng hiện vật của số mặt hàng đã gần đạt mức dự trữ, đủ để đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế ngày càng cao (số tuyệt đối về GDP ngày càng lớn) nên tỷ trọng tổng mức DTQG bằng hiện vật (không kể vàng) so với GDP mới chiếm khoảng 0,21% GDP. Mức này đúng là còn quá thấp so với mục tiêu của chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 là  1%/GDP.

Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với quốc gia, DTQG đã càng chứng tỏ vai trò góp phần bình ổn và điều tiết thị trường và ổn định nền kinh tế vĩ mô. Đến năm 2015 một số mặt hàng đã đạt mức dự trữ: Lương thực đạt khoảng 60%; xăng dầu đạt khoảng 80%, các mặt hàng quốc phòng, an ninh đã được đầu tư mua sắm theo hướng tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; các mặt hàng thuốc vacxin, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, chữa cháy… lượng tồn kho đủ để đáp ứng nhu cầu; nhiều mặt hàng thiết bị y tế hiện đại.

Để xây dựng tiềm lực DTQG ngày càng vững mạnh, Bộ Tài chính phấn đấu đến năm 2020, đưa quy mô DTQG bằng hiện vật đạt khoảng 1-1,5% GDP. Trong đó: Lương thực đảm bảo đủ 7 ngày sử dụng; xăng dầu đáp ứng nhu cầu cho 10 ngày sử dụng; các mặt hàng vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, phục vụ nông nghiệp, trang thiết bị y tế, phục vụ quốc phòng, an ninh… đạt mức theo chiến lược đã đề ra.

Vâng. Và một điều xã hội cũng khá quan tâm là chất lượng hàng DTQG, liệu  hàng dự trữ lâu chất lượng có giảm?

Công tác bảo quản hàng DTQG luôn là yêu cầu cốt lõi, nhiệm vụ trọng tâm đối với toàn ngành DTQG (gồm 8 bộ, ngành được giao quản lý hàng DTQG) với các giải pháp quan trọng nhằm phát triển công nghệ bảo quản và nâng cao công tác quản lý chất lượng hàng DTQG.

Công nghệ bảo quản tiên tiến đã được các bộ, ngành áp dụng để  kéo dài thời hạn lưu kho vẫn đảm bảo chất lượng hàng DTQG khi đưa ra sử dụng, giảm chi phí bảo quản, giảm hao hụt, tổn thất, giảm công sức và độc hại cho người lao động…

Các loại hàng như xe chuyên dùng hóa học; thiết bị y tế; linh kiện điện tử trong các thiết bị quân sự, an ninh; xăng dầu thành phẩm, lương thực, vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn... đều được bảo quản trong những kho hiện đại. Đến nay hệ thống kho DTQG của các Bộ Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài chính… đã được củng cố và tăng cường.

Hàng hoá được bảo quản theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia kỹ thuật đầu ngành (nhất là các kỹ sư về động lực, về cao phân tử và hóa vô cơ) có đủ trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, say mê với nghề… là những yêu cầu tất yếu để xây dựng ngành DTQG lớn mạnh, đáp ứng đầy đủ kịp thời nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

 

Tri Nhân thực hiện (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)