Định hướng đổi mới cơ chế, chính sách DTQG trong thời gian tới

(30/11/2020)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của cơ chế, chính sách, pháp luật trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, trong những năm qua, công tác xây dựng chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia luôn được Tổng cục Dự trữ Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 

Phấn đấu đến năm 2025 trên 70% các mặt hàng đã đưa vào dự trữ

có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật để quản lý

 

Tăng cường xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách dự trữ quốc gia

Giai đoạn 2016-2020, Tổng cục DTNN xác định trọng tâm của công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật dự trữ quốc gia (DTQG) là: Rà soát, đối chiếu Luật DTQG, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và các quy định pháp luật khác có liên quan, phát hiện những điểm bất cập, thiếu thống nhất phát sinh; chủ động lập chương trình, kế hoạch hoàn thiện hệ thống pháp luật DTQG; Tổ chức thực hiện chương trình xây dựng chính sách, pháp luật về DTQG hàng năm bảo đảm tiến độ; đồng thời, kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách, pháp luật khi thực tiễn phát sinh thêm; Đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống văn bản về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật các mặt hàng DTQG.

Để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm trên, thời gian tới, Tổng cục DTNN tích cực triển khai công tác xây dựng cơ chế, chính sách DTQG, trong đó tập trung vào đổi mới, những giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xác định rà soát, đánh giá, theo dõi chính sách, pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là cơ sở để tham mưu hoàn thiện.

Tổng cục DTNN đã chủ động, thường xuyên rà soát các quy định của Luật DTQG, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật; phân công cán bộ cập nhật và so sánh, đối chiếu với quy định pháp luật các lĩnh vực khác có liên quan như: Pháp luật phòng chống thiên tai; pháp luật phòng cháy chữa cháy; pháp luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm; pháp luật về an ninh, quốc phòng; pháp luật về động viên công nghiệp...

Trên cơ sở đó, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, cần hoàn thiện để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật chung. Đồng thời, qua rà soát, Tổng cục DTNN đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoạt động DTQG với hoạt động phòng, chống thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, an ninh quốc phòng, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực DTQG.

Tổng cục DTNN đã tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật DTQG sau 5 năm thực hiện và báo cáo với Bộ Tài chính (năm 2019). Hàng năm, Tổng cục DTNN thường xuyên theo dõi thi hành pháp luật về DTQG, kết hợp đi kiểm tra thi hành pháp luật về DTQG tại các Cục DTNN khu vực và đi khảo sát, trao đổi với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG để nắm bắt tình hình triển khai các chính sách, pháp luật trên thực tiễn, tổng hợp và sắp xếp thứ tự ưu tiên cần giải quyết phù hợp.

Thứ hai, đổi mới công tác xây dựng chương trình chính sách, pháp luật về DTQG.

Không chỉ chủ động rà soát, xây dựng chương trình văn bản quy phạm pháp luật DTQG hàng năm theo quy định, Tổng cục DTNN còn chủ động lập chương trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về DTQG giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược hoàn thiện pháp luật DTQG 10 năm 2020-2030 (một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược DTQG đến năm 2030). Đồng thời, lập chương trình xây dựng cơ chế, chính sách quản lý nội ngành hàng năm và 5 năm.

Các chương trình xây dựng văn bản pháp luật về DTQG và chương trình xây dựng cơ chế, chính sách nội ngành được ban hành kèm theo các nội dung, vấn đề chính mà từng đầu văn bản trong chương trình cần giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng văn bản đi đúng định hướng, giải quyết trúng, đúng và triệt để các bất cập, vướng mắc phát sinh.

Thứ ba, đổi mới trong tổ chức thực hiện chương trình xây dựng chính sách, pháp luật hàng năm.

Bên cạnh việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện chương trình xây dựng văn bản pháp luật về DTQG và văn bản hướng dẫn nội ngành theo chương trình được phê duyệt, Tổng cục DTNN thường xuyên theo dõi, cập nhật nội dung các văn bản pháp luật mới để kịp thời phổ biến và xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các Cục DTNN khu vực triển khai, thực hiện kịp thời, đúng pháp luật...

Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, trường hợp phát sinh các văn bản cần thiết phải bổ sung vào chương trình hoặc phát sinh văn bản không thể hoàn thành theo tiến độ đã đăng ký vì nguyên nhân khách quan, Tổng cục DTNN đã kịp thời phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) để báo cáo Bộ xem xét, chấp thuận điều chỉnh chương trình chung của Bộ. Do đó, những năm gần đây Tổng cục DTNN đều hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thành chương trình chung của Bộ Tài chính.

Thứ tư, thực hiện trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định và chú trọng khâu thẩm tra, thẩm định trước khi ban hành.

Trong giai đoạn 2016-2020, các văn bản quy phạm pháp luật do Tổng cục DTNN chủ trì xây dựng đều qua đơn vị pháp chế của Tổng cục (Vụ Chính sách và Pháp chế) cho ý kiến pháp lý trước khi ký văn bản trình Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp thẩm định (đối với văn bản cấp Nghị định trở lên) và gửi Vụ Pháp chế thẩm định (đối với văn bản cấp thông tư). Ngoài ra, theo Quy chế làm việc của Tổng cục DTNN, các văn bản hướng dẫn nội Ngành đều qua Vụ Chính sách và Pháp chế thẩm định để bảo đảm văn bản ban hành đúng thẩm quyền và có nội dung phù hợp, không trái với các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khi được ban hành.

Qua việc triển khai thực hiện 04 giải pháp nêu trên, công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về DTQG giai đoạn 2015-2020 của Tổng cục DTNN đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Điển hình như: Hoàn thành tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Luật DTQG; hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành 01 nghị định, 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục chi tiết hàng DTQG và phân công cơ quan quản lý hàng DTQG; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN trực thuộc Bộ Tài chính; ban hành Quy chế quản lý xăng dầu DTQG; chủ trì xây dựng nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực DTQG; chủ trì xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành 50 thông tư các loại về lĩnh vực DTQG, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế đối với công tác xây dựng kế hoạch, công tác quản lý ngân sách nhà nước chi cho DTQG, công tác kế toán nghiệp vụ DTQG...; ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy định hoặc hướng dẫn trong nội ngành DTNN; hoàn thành trình cấp có thẩm quyền dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bổ sung nhóm hàng “Vật tư, thiết bị y tế” và Danh mục hàng DTQG quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật DTQG.

Hiện nay, Tổng cục đang tập trung xây dựng, hoàn thiện các đề án chính sách lớn của ngành DTNN để trình cấp có thẩm quyền ban hành, làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ DTQG trong giai đoạn 2021-2030.

05 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng cơ chế, chính sách về DTQG trong giai đoạn mới

Kế thừa và phát huy kết quả đạt được nêu trên, trong giai đoạn tới, Tổng cục DTNN tiếp tục chủ động, đổi mới để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về DTQG như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền ban hành các đề án lớn đã và đang xây dựng, như: Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030; Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết Ủy ban thường vụ Quốc hội về bổ sung nhóm hàng “Vật tư, thiết bị y tế” và Danh mục hàng DTQG; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật DTQG...

Hai là, tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp luật về DTQG và các quy định khác có liên quan trong hệ thống pháp luật chung; thường xuyên theo dõi các văn bản pháp luật mới ban hành; tổng kết tình hình triển khai thực hiện các văn bản về DTQG đã ban hành trên thực tế. Trên cơ sở đó, đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành, kể cả việc sửa đổi, bổ sung Luật DTQG (dự kiến vào năm 2025); lập chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và tổ chức theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình bảo đảm tiến độ và kịp thời đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn quản lý.

Ba là, tiếp tục chủ trì, phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành quản lý hàng DTQG xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí nhập, xuất, bảo quản và định mức hao hụt đối với các mặt hàng đang dự trữ. Phấn đấu đến năm 2025 trên 70% các mặt hàng đã đưa vào dự trữ có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật để quản lý; đồng thời thường xuyên, rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các định mức kinh tế - kỹ thuật đã ban hành để đảm bảo phù hợp với tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và công nghệ bảo quản.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG và tiêu chuẩn kho lương thực DTQG; hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế quản lý nội ngành.

Năm là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, gắn với hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc thực thi pháp luật nói chung và thực thi pháp luật về DTQG nói riêng

 

Văn Thành - Bích Ngọc
 



Các tin đã đưa ngày: