Hỗ trợ gạo để đồng bào miền núi giữ rẫy thành rừng

(03/11/2020)

Giải pháp trên được ông Phan Thái Bình (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu, nhằm giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ổn định đời sống để phát triển rừng.

 

Ông Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội

tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

 

Ông Phan Thái Bình chia sẻ: Vừa qua, tỉnh Quảng Nam cũng như rải đất miền Trung xảy ra các sự cố thiên tai do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đề nghị Chính phủ có chính sách cấp gạo để người dân không trồng lúa trên rẫy nữa. Từ đó khuyến khích bà con giữ rẫy thành rừng.

“Tôi nghĩ, chúng ta không thiếu nguồn lực để cấp lúa gạo cho bà con”, ông nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho bà con có sinh kế tại chỗ, giải quyết công ăn việc làm để yên tâm đảm bảo lương thực.

Đại biểu tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị cần có những cơ chế để khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân.

Đặc biệt, ông Bình nói rất quan tâm đến các dự án hồ thủy điện, thủy lợi. Chúng ta thường phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhất là rừng phòng hộ. Do đó, ông Bình đề nghị Quốc hội và Chính phủ hết sức quan tâm đến việc trồng rừng thay thế đảm bảo nguyên tắc về vị trí trồng, loại cây rừng trồng để thực hiện chức năng phòng hộ.

“Không thể đánh đổi những khu rừng cây bản địa, những cây gỗ lớn, cây tự nhiên thay bằng cây keo và cây khác phòng hộ không tốt. Không loại trừ việc chúng ta thu hồi rừng ở khu vực này đang có chức năng phòng hộ nhưng trồng lại ở vị trí khác thì lại mất chức năng phòng hộ”, ông Bình nhấn mạnh, cần hết sức lưu ý đến vấn đề này.

Vấn đề thứ ba được Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình nêu, đó là qua những vụ sạt lở đất, cần khuyến khích và khuyến cáo bà con ở vùng sạt lở làm nhà sàn.

“Vì thực tiễn vừa qua, những nơi nào làm nhà sàn thì khi xảy ra sạt lở không bị vùi lấp, nó chỉ bị đẩy đi thôi”. Và, qua những trận thiên tai cho thấy, những ngôi nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, hầm trú bão vùng ven biển đã phát huy hiệu quả rất cao.

Đại biểu tỉnh Quảng Nam chia sẻ thêm, cần có một cuộc tổng rà soát lại toàn bộ cơ sở giáo dục trên địa bàn cả nước, đặc biệt là vùng thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ. Bởi khi xảy ra thiên tai, bà con thường tránh trú bão tại đây.

Trong khi đó, vừa qua chúng ta thấy ở Quảng Ngãi và Quảng Nam trên 50% các cơ sở trường học bị tốc mái trong khi nhân dân trú bão ở đó.

“Tôi đề nghị phải có mái che, phải đổ bê tông kiên cố, vừa giúp cho việc đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lâu dài cho học sinh và giáo viên, đồng thời đây là nơi lưỡng dụng khi có thiên tai ập đến bất thường”, ông Phan Thái Bình chia sẻ.

Thứ năm, ông cho rằng cần rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên phạm vi cả nước để xem lại nó tác động thế nào đến môi trường và thiên tai. Qua đó vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa thông tin minh bạch để người dân đỡ bất an.

 

Minh Phúc (Theo Nongnghiep.vn)



Các tin đã đưa ngày: