Hỗ trợ gạo cho học sinh là chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Chính sách này được thực hiện kịp thời là nguồn động viên lớn cho học sinh nghèo, giúp các trường duy trì tỷ lệ sĩ số lớp học.
Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện từ năm 2013 theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg, ngày 18-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2016, chính sách hỗ trợ gạo được tích hợp cùng với chính sách hỗ trợ tiền ăn, nhà ở theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Theo đó, hằng năm Chính phủ xuất cấp không thu tiền gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ đối với học sinh tiểu học, THCS và THPT ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Mức hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng, thời gian hỗ trợ 9 tháng/năm được chia thành hai kỳ (học kỳ I và học kỳ II).
Vận chuyển gạo dự trữ quốc gia cấp phát cho học sinh vùng khó khăn trên địa bàn.
Thực hiện chính sách này, trong học kỳ I năm học 2020 – 2021, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên tiến hành xuất cấp hơn 863 tấn gạo cho gần 15.000 học sinh tại các trường tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh. Mỗi em được hỗ trợ gạo trong 4 tháng, định mức 15 kg/tháng. Cụ thể, huyện Buôn Đôn được cấp 42.780 kg, huyện Ea Súp: 106.320 kg, Krông Ana: 21.180 kg, Lắk: 60.570 kg, Cư Kuin: 21.705 kg, M'Drắk: 189.225 kg, Krông Bông: 89.820 kg, Krông Pắc: 21.225 kg, Ea Kar: 38.745 kg, Krông Năng: 128.750 kg, Krông Búk: 55.020 kg, Ea H’leo: 80.970 kg, Cư M’gar: 4.560 kg, thị xã Buôn Hồ: 1.040 kg và TP. Buôn Ma Thuột: 1.380 kg.
Với những học sinh vùng khó khăn thì chính sách hỗ trợ này của Đảng và Nhà nước đã giúp các em được tiếp tục đến trường. Thầy Phạm Tuấn An, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Y Jut (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho hay, Trường THPT Y Jut có gần 20% là học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nhà xa nhất cách trường hơn 20 km, nhiều em phải ở trọ để theo học. Trong học kỳ I, toàn trường có 183 em được cấp phát gạo, với số lượng gần 11 tấn. Sau khi tiếp nhận, trường có kế hoạch quản lý chặt chẽ toàn bộ số gạo đã nhận, mời phụ huynh và học sinh lên bàn giao đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định.
Trên thực tế, "rào cản" lớn nhất khiến học sinh không thể đến trường là kinh tế gia đình quá khó khăn. Cuộc sống nghèo khó khiến một số em khối THCS và THPT trở thành lao động chính trong gia đình. Nếu không có chính sách hỗ trợ gạo của Nhà nước thì con đường đến trường của các em sẽ còn tiếp tục gian nan, nhà trường cũng khó có thể kịp thời giải quyết tình trạng bỏ học. Trường THPT Trần Nhân Tông (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) là một trường vùng xa, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, hơn 30% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong học kỳ I của năm học này, toàn trường có 234 học sinh được nhận 14.040 kg gạo. Thầy Nguyễn Phi Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh ở trường có nhiều em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Để đến lớp, có em phải vượt qua quãng đường hơn 30 km. Ở vùng đặc biệt khó khăn như địa phương thì việc quyết tâm để con em đến trường, “bám” lấy con chữ đã là nỗ lực rất lớn của phụ huynh và học sinh. Chính nhờ chính sách hỗ trợ gạo của Nhà nước đã giúp các em no cái bụng khi đến lớp, phụ huynh yên tâm cho con đến trường, góp phần ngăn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.
Được nhận gạo hỗ trợ, em Chu Thị Niên (dân tộc Nùng, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Trần Nhân Tông) xúc động bày tỏ: hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cố làm để lo cho em ăn học. Mỗi ngày, em đạp xe quãng đường hơn 15 km để đến trường. Được nhận gạo hỗ trợ là niềm động viên, giảm đi phần nào nỗi lo, giúp em vững bước, phấn đấu trong học tập.
Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên Nguyễn Nam Thắng cho biết, quá trình thực hiện chính sách này, Cục phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo, các địa phương rà soát danh sách, số lượng học sinh để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng. Trước khi xuất cấp, Cục cũng phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bảo đảm gạo đạt tiêu chuẩn gạo dự trữ quốc gia. Quá trình giao - nhận gạo tại các địa phương, Cục cử cán bộ túc trực theo dõi, giám sát thường xuyên./.
Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử