Suốt 33 năm qua, anh Nguyễn Văn Chung - Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Nam Trung Bộ đã dành trọn tâm huyết của mình cho ngành dự trữ. Với anh, đó là mối lương duyên đặc biệt để rồi được gắn bó, được cống hiến bằng cả tâm sức của cuộc đời mình.
Đồng chí Nguyễn Văn Chung – Cục trưởng Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ
Tâm huyết trong quản lý
Anh Nguyễn Văn Chung vốn là một người lính không quân, sau 9 năm phục vụ trong quân đội với quân hàm Thiếu úy nhưng nhờ “duyên… trời định”, anh đã được gắn bó với ngành Dự trữ trong suốt mấy chục năm qua.
Với tác phong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng sự toàn tâm, toàn ý với ngành Dự trữ quốc gia, anh đã lãnh đạo, điều hành Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao.
33 năm đã trôi qua nhưng anh vẫn nhớ như in ngày đầu đến với ngành dự trữ - đó là vào năm 1985 - khi được bác Nguyễn Niên - Giám đốc đầu tiên của Tổng kho A45 mời về cùng xây dựng đơn vị. Với bao khó khăn, phải đi thuê văn phòng, thuê kho, nhân lực, vật lực thiếu thốn trăm bề… nhưng với sự đồng lòng, đồng sức của đội ngũ lãnh đạo, Tổng kho A45 năm xưa, giờ là Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ lớn mạnh, với 4 Chi cục trải dài trên địa bàn 4 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận).
Lăn lộn cùng sự trưởng thành của Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ, từ vị trí là Phó trưởng Phòng tổ chức hành chính rồi tiếp đó là Giám đốc và từ năm 2009 đến nay anh Chung được cấp trên tin tưởng giao trọng trách vừa là Cục trưởng, kiêm Bí thư Đảng uỷ. Ở cương vị nào, anh cũng dốc lòng, dốc sức cùng tập thể CBCC hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, vững vàng chèo lái đưa đơn vị vượt qua bao khó khăn, thách thức.
Mặc dù, địa bàn hoạt động của đơn vị rộng, phân tán, thường xảy ra thiên tai, bão lụt, nơi đơn vị đóng quân có điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt nhưng công tác quản lý, bảo quản, xuất cấp hàng cứu trợ, hỗ trợ nhân dân luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn cả về số lượng và chất lượng, kịp thời hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Nhiều tập thể, cá nhân thuộc Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ được Chủ tịch UBND các tỉnh tặng bằng khen và gửi thư cảm ơn khen ngợi. Đơn vị đã thực hiện công tác quản lý phí nhập, xuất, cứu trợ, bảo quản hàng hóa rất tiết kiệm và hiệu quả, được các đoàn kiểm tra của cấp trên đánh giá là một trong những đơn vị chấp hành tốt chế độ tài chính kế toán...
Chia sẻ về những thành công này, anh Nguyễn Văn Chung khiêm nhường nói rằng, đây là thành tích của cả tập thể, trong đó anh chỉ là một mắt xích kết nối. Thế nhưng, với cán bộ công chức trong đơn vị, anh luôn là người “thuyền trưởng” xuất sắc, không chỉ giỏi về quản lý mà còn không ngừng sáng tạo trong công việc.
Từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã xuất và vận chuyển hỗ trợ hàng nghìn tấn gạo cho nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong thời gian triển khai xuất lương thực hỗ trợ, cứu trợ cho nhân dân các địa phương, anh luôn chỉ đạo cán bộ, công chức xuống tận các điểm kho để kiểm tra chất lượng lương thực trước khi xuất kho. Bản thân anh, hễ có thời gian là cùng cán bộ, công chức xuống tận thôn, bản để kiểm tra chất lượng gạo một lần nữa trước khi cấp cho nhân dân, hướng dẫn bà con cách cất giữ, bảo quản để có thể sử dụng lâu ngày mà chất lượng gạo vẫn đảm bảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Chung – Cục trưởng cùng cán bộ công chức
Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ bảo vệ an toàn kho hàng dự trữ trong vùng bão lũ, năm 2009
Nhiều người trong đơn vị vẫn nhớ như in trận lũ lịch sử năm 2009, anh Chung đã không quản ngại vất vả dầm mình giữa mưa trắng trời, cùng anh em giữ được an toàn hơn 6.000 tấn thóc trong kho, trong khi mực nước lũ tràn vào vùng kho Hoà Bình chỉ còn cách nền kho 10 cm.
Trước câu hỏi: “Anh có thấy công việc của mình cực nhọc lắm không?”, Anh chỉ cười hiền và nói: “Anh và những cán bộ của đơn vị luôn xác định “Bằng bất cứ lý do gì cũng không được để người dân đói, mồ hôi của mình đổ xuống nhưng nhận lại là niềm vui của bà con khi được nhận được sự quan tâm, chăm lo kịp thời của Chính phủ”.
Anh xúc động kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm trong lần xuất cấp gạo dự trữ cho tỉnh Phú Yên trong đợt lũ lịch sử năm 2009. Tại điểm cứu trợ, anh gặp một cụ bà ngoài 80 tuổi, bà cho biết, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, bà và cả gia đình đã được bình an. “Nếu trong bão lũ thế này, không có chính phủ xuất gạo thì người dân khổ cực lắm, chỉ Chính phủ mới cứu được nhân dân”. Hay dịp anh đến một số điểm trường thuộc huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận, được nhìn những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của các cháu học sinh bên mâm cơm đủ chất dinh dưỡng và nghe cô giáo giải thích rằng: “Rất may Chính phủ hỗ trợ gạo nên có một khoản tiền được dành ra mua thức ăn tươi cho học sinh”.
Đó là những điều anh rất tâm đắc, cho thấy nhân dân các địa phương ngày càng tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tiếp tục bám bản, bám làng, hăng hái lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, xây dựng địa phương giàu mạnh...
Không ngừng say mê nghiên cứu
Gặt hái nhiều thành công, nhưng với cương vị người lãnh đạo, anh luôn trăn trở làm sao để nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc. Anh đã không ngừng say mê nghiên cứu để có nhiều sáng kiến, cải tiến, những giải pháp trong công tác quản lý mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi. Đặc biệt, những sáng kiến của anh đã làm lợi hàng tỷ đồng cho ngân sách nhà nước (NSNN) như sáng kiến đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho phép đơn vị được điều chuyển nội bộ xuồng cứu sinh DTQG đang bảo quản tại Chi cục Ninh Thuận chuyển ra bảo quản tại Chi cục Khánh Hòa để tăng tích lượng kho trống tại Chi cục Ninh Thuận, nhập thêm 1.500 tấn gạo phục vụ cho công tác xuất cứu trợ tại tỉnh Ninh Thuận.
Chia sẻ về sáng kiến này, anh cho biết, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thường xuyên phải chịu hậu quả thiên tai, hạn hán kéo dài nên số lượng gạo cứu trợ có năm từ 5.000 đến 11.000 tấn. Nhưng kho hàng để bảo quản gạo tại Chi cục Ninh Thuận có hạn nên đơn vị phải vận chuyển từ các Chi cục Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đến, vì vậy đã phát sinh chi phí vận chuyển gạo rất lớn.
Khi đề xuất này được Tổng cục DTNN đồng ý, đơn vị đã lập phương án chi tiết để điều chuyển. Theo đó, đến tháng 4/2016 Chi cục Ninh Thuận đã có kho trống nhập thêm 1.500 tấn gạo đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ” phục vụ kịp thời cho công tác cứu trợ nhân dân tỉnh Ninh Thuận khắc phục hậu quả hạn hán.
Do có thêm 1.500 tấn gạo xuất tại chỗ không phải vận chuyển từ các Chi cục khác về nên đã tiết kiệm được cho Ngân sách nhà nước hơn 600 triệu đồng tiền chi phí vận chuyển...
Hướng đến việc mở rộng mục tiêu của ngành dự trữ quốc gia vào thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, anh đã nỗ lực tham mưu cho UBND các tỉnh Nam Trung Bộ hỗ trợ kịp thời cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo trên địa bàn, tham mưu và lãnh đạo tổ chức thực hiện việc xuất cấp các thiết bị, vật tư từ nguồn lực dự trữ quốc gia để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng chống lụt bảo, đảm bảo an ninh quốc phòng tại chỗ… Đây được đánh giá là hướng đi mới trong việc sử dụng nguồn dự trữ quốc gia đảm bảo tính khẩn trương, kịp thời và hiệu quả.
Điều đáng trân quý là dù vất vả, bộn bề khó khăn nhưng anh chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn. Trong cuộc sống riêng, anh luôn làm tròn trách nhiệm của người cha, người con trai hiếu thảo, dù công việc bận rộn nhưng anh luôn dành thời gian về thăm mẹ ở Hưng Yên, tự tay chăm sóc vườn cây và nấu những bữa ăn cho mẹ.
Suốt 33 năm cần mẫn, năng động và không ngừng sáng tạo, những đóng góp của Cục trưởng Nguyễn Văn Chung với ngành dự trữ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: “Huân chương Lao động hạng Nhất”, “Huân chương Lao động hạng Nhì”, “Huân chương Lao động hạng Ba”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính... nhưng anh chỉ khiêm nhường nói rằng: “Niềm hạnh phúc lớn nhất mà anh có được là mối lương duyên đặc biệt được hiến dâng cho mục tiêu DTQG. Tấm Huân chương cao hơn tất cả với anh là được vun đắp cho niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, với chế độ thông qua hoạt động của DTQG”.
Nguyễn Hồng Sâm – Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước