Cải cách tài chính công là một nội dung trọng tâm của cải cách hành chính. Để triển khai những quy định pháp luật mới ban hành tài chính, ngân sách và tài sản công, trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chú trọng triển khai các đề án về cải cách tài chính công, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng có hiệu quả tài chính, ngân sách và tài sản công.
Ông Đỗ Việt Đức – Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước kiểm tra chất lượng
gạo tại một số điểm kho do Cục DTNN khu vực Thanh Hóa quản lý
Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục DTNN cho biết, năm 2018 là năm ngành DTNN đẩy mạnh công tác xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật để quản lý hàng dự trữ quốc gia; năm 2018 là năm đầu thực hiện Luật quản lý, sử dụng tàn sản công và là năm thứ hai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước. Theo tinh thần đố, các nhiệm vụ về cải cách tài chính công của ngành DTNN là rất nặng nề, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính, tài sản phù hợp với quy định của pháp mới. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng cục DTNN đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm về xây dựng chính sách, pháp luật và xây dựng cơ chế quản lý trong nội ngành. Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, công tác xây dựng cơ chế, chính sách đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế,
Tổng cục DTNN trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử Tổng cục DTNN
Trước hết, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo Quyết định số 2702/QĐ-BTC ngày 28/12/2017 của Bộ Tài chính về việc phê duyệt Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, Tổng cục được giao chủ trì soạn thảo và trình Bộ Tài chính ban hành 06 Thông tư, thời hạn hoàn thành là Quý III và Quý IV năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và hoàn thiện để trình Bộ đảm bảo tiến độ theo đúng quy định. Đến nay, đã gửi Vụ Pháp chế Bộ Tài chính thẩm định 01 thông tư và đang gửi xin ý kiến các Bộ, ngành 2 thông tư.
Để có căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) bàn bạc, tham mưu Bộ Tài chính chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia. Qua đó đã trình Bộ Tài chính ký văn bản số 5707/BTC-TCDT ngày 17/5/2018 về việc hướng dẫn công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG, để thống nhất nguyên tắc đối tượng xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thống nhất nội dung của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG; thống nhất về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ về cải cách cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, tài sản công. Theo đó, đã tập trung xây dựng thông tư thay thế thông tư số 108/2013/TT-BTC về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG; xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 145/2013/TT-BTC về hướng dẫn kế hoạch và ngân sách nhà nước chi cho DTQG; xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 89/2015/TT-BTC về hướng dẫn mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG; xây dựng thông tư quy định chỉ tiêu thống kê DTQG và thông tư về chế độ kế toán DTQG. Đồng thời xây dựng chương trình cơ chế, chính sách quản lý nội ngành năm 2018 với 25 đề án, trong đó có nhiều đề án về cơ chế, chính sách quản lý tài chính, tài sản công, như: xây dựng để trình Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn kho DTQG; tiêu chuẩn định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của Tổng cục DTNN; xây dựng để ban hành theo thẩm quyền quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế quản lý, sử dụng kinh phí đề tài khoa học; quy định về tiêu chuẩn, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng của Tổng cục DTNN; quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị công nghệ thông tin của Tổng cục DTNN; quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công; triển khai đề án sắp xếp, các cơ sở nhà, đất theo phương án được duyệt; hướng dẫn các Cục DTNN thực hiện quy định về hao hụt muối ăn DTQG, v.v… Ngoài ra, các đơn vị chức năng của Tổng cục tập trung rà soát hệ thống định mức, các quy định về tài chính, tài sản và ngân sách nhà nước để tiếp tục đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.
Cùng với triển khai các đề án, nhiệm vụ về cải cách tài chính công, Tổng cục DTNN tiếp tục triển khai cải cách tổ chức, bộ máy, thực hiện theo tiến độ đề án sửa đổi Quyết định 106/2009/QĐ-TTg ngày 20/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; triển khai đề án sắp xếp hợp nhất 10 Chi cục Dự trữ Nhà nước thành 05 Chi cục Dự trữ Nhà nước; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo Đề án tinh giản biên chế đã được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 2503/QĐ-BTC ngày 22/11/2016 về việc phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020. Qua đó, cũng góp phần thúc đẩy cải cách tài chính công và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản công.
Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình, cho biết, ngay trong quý I năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành Quyết định số 53/QĐ-TCDT ngày 31/01/2018 ban hành quy trình lập dự toán, quyết toán chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia để viện trợ, cứu trợ. Nội dung văn bản đã chú trọng tới khâu cải cách thủ tục hành chính ngay trong nội bộ cơ quan để từng bước đơn giản, cụ thể, minh bạch hóa các quy trình, nghiệp vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Về thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, Tổng cục đã ban hành Quyết định số 330/QĐ-TCDT ngày 12/4/2016 về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Dự trữ Nhà nước. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho Trung tâm nhằm tăng tính chủ động, tăng khả năng chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Tổng cục DTNN đã phổ biến, giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật về dự trữ quốc gia, trọng tâm là các Thông tư do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trình Bộ Tài chính ban hành trong năm 2017 và năm 2018; đồng thời đã tổ chức hội nghị về tập huấn nghiệp vụ đấu thầu, đáu giá vàquán triệt cán bộ, công chức tham gia đầy đủ và tích cực hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, đáu giá;, lồng ghép hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật với việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn để nâng cao chất lượng thi hành pháp luật…
Triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Với mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành, tạo sự chủ động trong công tác và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, Tổng cục DTNN đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, tiếp tục triển khai xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành các đề án về cơ chế, chính sách nói chung và cơ chế, chính sách quản lý về tài chính, tài sản và ngân sách nhà nước nói riêng; tăng cường theo dõi, đôn đốc các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo văn bản đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quyết định của Bộ Tài chính.
Nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG, đặc biệt là Luật DTQG bởi tính đến tháng 7/2018, Luật DTQG sẽ tròn 5 năm triển khai thực hiện. Trong 5 năm qua đã có nhiều thay đổi, cần phải rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định của Luật DTQG để tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG vừa phù hợp với yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm tính đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài chính, ngân sách nhà nước và tài sản côngvà các pháp luật liên quan đến mua, bán hàng DTQG để thực hiện đúng và đầy đủ các quy định, góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực công trong ngành DTNN./.
Nguyễn Hồng Sâm – Văn Phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước