“Tinh gọn lại bộ máy là một vấn đề khá nhạy cảm vì liên quan đến con người nhưng việc tinh gọn bộ máy của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) là việc phải làm trong xu thế hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước” – Bà Trần Thị Hằng Nga – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục DTNN nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TBTCVN.
Ông Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước kiểm tra
chất lượng hàng dự trữ quốc gia tại Cục Nam Trung Bộ
PV: Thưa bà, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính vừa ban hành Nghị quyết số 04-NQ/BCSĐ nhằm mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... Là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã tiến hành thực hiện NQ số 04 này như thế nào?
Bà Trần Thị Hằng Nga:
Tổng cục DTNN là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về DTNN; trực tiếp quản lý các loại hàng dự trữ được Chính phủ giao. Vì vậy việc triển khai Nghị quyết số 04 là một trong những nhiệm vụ được Tổng cục chú trọng thực hiện.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết này, trước tiên, các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN đã phối hợp với cấp ủy Đảng các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Hơn nữa, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Tổng cục DTNN đã xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, xác định cụ thể nội dung đề án, nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới
Chúng tôi đã tiến hành đánh giá hiện trạng hệ thống Chi cục DTNN của Tổng cục DTNN. Theo đó, tính đến thời điểm 30/9/2017, Tổng cục DTNN có 98 Chi cục DTNN và 221 kho dự trữ được phân bố trên 45 tỉnh, thành phố. 18 tỉnh, thành phố chưa có đơn vị dự trữ. Các Chi cục DTNN đều đã thành lập đủ bộ phận Tài vụ - Quản trị và bộ phận Kỹ thuật bảo quản.
Với tổ chức bộ máy như trên, các Chi cục DTNN đã cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Hàng dự trữ quốc gia đưa vào nhập kho, lưu kho, xuất kho đảm bảo chất lượng theo quy định. Chi cục DTNN với cơ cấu tổ chức gồm bộ phận Kỹ thuật bảo quản, bộ phận Tài vụ - Quản trị, Kho dự trữ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao một cách thông suốt, hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng hệ thống các Chi cục DTNN đang quản lý nhiều kho tích lượng nhỏ, bố trí phân tán nên có nhiều bất cập trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ; quản lý tài sản, hàng hóa, công chức; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào bảo quản hàng hóa gặp nhiều khó khăn, có lúc còn làm hạn chế khả năng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh.
Cần khẳng định, với hiện trạng như vậy, việc sắp xếp hệ thống các chi cục DTNN trên cơ sở quy hoạch hệ thống kho đảm bảo tập trung, tinh gọn, hiệu quả là cần thiết.
Việc sắp xếp này vừa để thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 2091/QĐ-TTg ngày 28/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ): “Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; phục vụ động viên công nghiệp; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác”, vừa là cơ sở để Tổng cục DTNN thực hiện Đề án tinh giản biên chế đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
PV: Với các giải pháp cụ thể được đưa ra tại NQ 04, Tổng cục DTNN có kế hoạch triển khai như thế nào trong thời gian trước mắt cũng như về sau này, thưa bà?
Bà Trần Thị Hằng Nga:
Mục tiêu tổng quát cần hướng tới là từng bước xây dựng tổ chức bộ máy Tổng cục DTNN tinh gọn hiệu quả, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.
Việc sắp xếp các Chi cục DTNN dựa trên nguyên tắc: Phù hợp với Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020; Phù hợp với Quy hoạch hệ thống kho dự trữ nhà nước đến năm 2020; Lộ trình thực hiện phù hợp với Kế hoạch đầu tư xây dựng trung hạn. Đồng thời công tác sắp xếp phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của lãnh đạo và cấp ủy các cấp; có bước đi thích hợp; thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng bảo đảm sự ổn định và hoàn thành nhiệm vụ.
Lộ trình thực hiện sắp xếp các Chi cục DTNN phụ thuộc vào việc triển khai quy hoạch hệ thống kho DTNN; quy hoạch kho đến đâu thực hiện thành lập hay hợp nhất Chi cục đến đấy.
Năm 2017, Tổng cục đã trình Bộ Tài chính quyết định hợp nhất giảm được 5 chi cục DTNN, thành lập mới 1 chi cục DTNN.
Còn trong năm 2018 sẽ tiếp tục hợp nhất giảm 05 Chi cục DTNN, gồm: Hợp nhất Chi cục DTNN Chương Mỹ với Chi cục DTNN Thanh Oai trực thuộc Cục DTNN khu vực Hà Nội; Hợp nhất Chi cục DTNN Mỹ Văn với Chi cục DTNN Kim Thi trực thuộc Cục DTNN khu vực Hải Hưng; Hợp nhất Chi cục DTNN Quỳnh Phụ với Chi cục DTNN Hưng Hà trực thuộc Cục DTNN khu vực Thái Bình; Hợp nhất Chi cục DTNN Duy Tiên với Chi cục DTNN Lý Nhân trực thuộc Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh; Hợp nhất Chi cục DTNN Nam Đàn với Chi cục DTNN Đô Lương trực thuộc Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh.
Những năm tiếp theo sẽ tùy tình hình đầu tư xây dựng kho mới tiếp tục rà soát hợp nhất các Chi cục DTNN phù hợp với quy hoạch chi tiết hệ thống kho dự trữ quốc gia.
PV: Tinh gọn lại bộ máy cũng là một vấn đề khá nhạy cảm vì liên quan đến con người. Tổng cục DTNN đã có giải pháp gì để hài hòa công việc này, thưa bà?
Bà Trần Thị Hằng Nga:
Quả thật, tinh gọn lại bộ máy cũng là một vấn đề khá nhạy cảm vì liên quan đến con người. Nhưng việc tinh gọn bộ máy của Tổng cục DTNN là việc phải làm trong xu thế hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Để triển khai hiệu quả đề án, Tổng cục cũng đã đề nghị Bộ Tài chính quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng các kho dự trữ theo quy hoạch chi tiết hệ thống kho dự trữ nhà nước đã được Bộ trưởng phê duyệt để làm cơ sở sắp xếp các kho dự trữ, các Chi cục DTNN tinh gọn, hiệu quả.
Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính cho phép áp dụng quy định tại Quyết định số 140/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, theo đó: được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ, kể từ ngày thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ cho đến hết thời gian giữ chức vụ đã được bổ nhiệm trước khi săp xếp tổ chức; trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn bổ nhiệm còn dưới 06 tháng, thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ cũ đủ 06 tháng.
Về phía Tổng cục, sẽ rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Quy hoạch hệ thống kho dự trữ đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng hàng dự trữ quốc gia, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Giao trách nhiệm cho Cục trưởng Cục DTNN khu vực trong việc xây dựng, triển khai thực hiện phương án sắp xếp các Chi cục DTNN sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, tôi cho rằng để đạt được hiệu quả, điều quan trọng là cần tạo sự đồng thuận để triển khai hiệu quả. Chính vì vậy, Tổng cục DTNN xác định công tác tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng và hành động trong việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Tổng cục phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy cùng cấp tổ chức triển khai, quán triệt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về vấn đề này trong toàn thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Với những việc làm trên, tôi tin rằng sẽ tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, không gây xáo trộn, mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan Tổng cục DTNN.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Hồng Sâm (Thực hiện)